Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

Đăng lúc: 08:39:28 30/06/2017 (GMT+7)

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

 Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2017, tình hình kinh tế thế giới tuy có  dấu hiệu khởi sắc nhờ sự phục hồi từ các nền kinh tế lớn nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách quốc tế. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp vẫn đang là những thách thức trong phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

1. Về kinh tế

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước đạt 7,32%, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 3,3%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,84%, dịch vụ tăng 8,14%, thuế sản phẩm giảm 9,41%; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 17,49%, giảm 1,34%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45,4% tăng 1,87%; dịch vụ chiếm 33,95%, tương đương cùng kỳ.

1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết khá toàn diện; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 15.269 tỷ đồng, bằng 57,1% kế hoạch (cùng kỳ đạt 49,7% kế hoạch), tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt 957,1 nghìn tấn, vượt 6,2% kế hoạch; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng so với cùng kỳ, trong đó năng suất lúa ước đạt 65 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha), cao nhất từ trước đến nay. Đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 4.414 ha đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đạt 90% kế hoạch, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Các nhà máy chế biến đã thu mua 1.374,7 nghìn tấn mía nguyên liệu (đạt 74,3% kế hoạch) và 193,5 nghìn tấn sắn nguyên liệu (vượt 7,5% kế hoạch).

Chăn nuôi 6 tháng đầu năm tuy gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi giảm mạnh nhưng theo kết quả điều tra 01/4/2017 vẫn có bước phát triển, đàn bò tăng 7,2%, đàn trâu tăng 0,4%, đàn lợn tăng 0,9%, đàn gia cầm tăng 1,3%; sản lượng các sản phẩm trứng, sữa đều tăng so với cùng kỳ. Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện theo kế hoạch; tiêm phòng đợt 1 cho gia súc, gia cầm đạt 102% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp đạt kết quả khá; giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 785,8 tỷ đồng, bằng 44,1% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác gỗ ước đạt 265,8 nghìn m3, tăng 19%. Trồng rừng tập trung ước đạt 3.625 ha, bằng 36,2% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ; công tác khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện theo kế hoạch. Công tác phòng chống cháy rừng được tăng cường, không để xảy ra cháy rừng, các vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản được phát hiện, xử lý kịp thời.

Sản xuất thủy sản tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 2.433 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 78,1 nghìn tấn, bằng 52% kế hoạch, tăng 5%; khai thác thủy sản xa bờ tiếp tục được đẩy mạnh, sản lượng khai thác xa bờ đạt 53,3 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 1.723 tàu khai thác thủy sản có công suất 90CV trở lên; tăng 175 chiếc so với tháng 6/2016.

Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm được tăng cường; ngành nông nghiệp đã tổ chức 36 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 39 tổ chức, cá nhân vi phạm; xây dựng được 06 mô hình sản xuất, kinh doanh và 15 đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; kiểm tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 18 cơ sở sản xuất.

Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; toàn tỉnh hiện có 01 huyện, 180 xã, 342 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 03 thôn, bản so với cuối năm 2016); bình quân toàn tỉnh đạt 14,2 tiêu chí/xã.

1.2. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất 6 tháng ước đạt 33.032 tỷ đồng, bằng 42,2% kế hoạch, tăng 9,1% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8%, khu vực ngoài nhà nước tăng 10,3%, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,2%. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như: Quần áo may sẵn (tăng 37,9%), xi măng (32,3%), đá ốp lát (13,2%), phân bón (24,7%), thủy sản đông lạnh (12,8%), điện thương phẩm (11,1%),...  Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm phát triển; giá trị sản xuất ước đạt 7.112 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ, đóng góp 21,2% trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

Trong 6 tháng, đã khởi công dự án Nhà máy sản xuất đèn LED tại KCN Tây Bắc ga với tổng mức đầu tư 5 triệu USD; hoàn thành và đi vào vận hành các nhà máy thủy điện Trung Sơn và Bá Thước 1 (tổng công suất khoảng 225 MW); các nhà máy may mặc, da giầy mới hoàn thành trong năm 2016 đã đi vào giai đoạn hoạt động ổn định, đủ công suất, đóng góp quan trọng vào GTSX công nghiệp tăng thêm so với cùng kỳ.

1.3. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Hoạt động thương mại tăng trưởng khá, có thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, cung cấp đa dạng hàng hóa, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 40.414 tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,22% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được tăng cường; trong 6 tháng, đã kiểm tra 3.250 vụ, phát hiện và xử lý 2.666 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 9,6 tỷ đồng.

Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 866,5 triệu USD, bằng 46,8% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu hàng hóa chính ngạch đạt 774,4 triệu USD, tăng 9,6%. Giá trị nhập khẩu ước đạt 406,6 triệu USD, giảm 26,7% so với cùng kỳ.

Du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc với các chương trình lễ hội đầu năm và các hoạt động mùa du lịch biển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước; nhiều dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng lớn được hoàn thành, góp phần nâng cao năng lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm, ngành du lịch ước đón 4,3 triệu lượt khách, bằng 66,2% kế hoạch, tăng 10,8% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 4.825 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch, tăng 17,5%.

Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân; vận tải 6 tháng ước đạt 25,3 triệu tấn hàng hóa và 20,5 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 8,7% về hàng hóa và 11,5% về lượt khách; xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 5,6 triệu tấn, gấp 2 lần so với cùng kỳ; doanh thu toàn ngành đạt 4.301 tỷ đồng, tăng 13,7%. Cảng hàng không Thọ Xuân tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, số chuyến bay trong 6 tháng tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng với công nghệ hiện đại, chất lượng cao; đến nay, mật độ thuê bao điện thoại trung bình đạt 79,3 thuê bao/100 dân, tăng 5,3% so với đầu năm; thuê bao internet đạt 26,6 thuê bao/100 dân, tăng 51,6%. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 1.850 tỷ đồng, bằng 52,8% KH, tăng 10,1% so cùng kỳ.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không tính Ngân hàng phát triển) đến 30/6 ước đạt 66.500 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 83.500 tỷ đồng, tăng 9,1%. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11% đối với trung và dài hạn; đến nay, có khoảng 4.250 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, dư nợ đạt 32.764 tỷ đồng, tăng 5,36%.

1.4. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 5.524 tỷ đồng, bằng 41% dự toán năm và 93% cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 4.924 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, thu từ xuất nhập khẩu đạt 600 tỷ đồng, bằng 14% dự toán, tăng 43% so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 11.850 tỷ đồng, bằng 46% dự toán năm.

1.5. Công tác phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; 6 tháng đầu năm, ước thành lập mới 1.196 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 7.386 tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới); so với cùng kỳ, tăng 68% về số doanh nghiệp và 41,3% về vốn đăng ký. Trong 6 tháng, tổng thu nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp ước đạt 1.893 tỷ đồng, bằng 70,4% cùng kỳ, chiếm 38,4% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

1.6. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của 27 huyện, TX, TP; chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đóng cửa 05 mỏ khoáng sản rắn vi phạm; bước đầu triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm GPMB theo chỉ thị số 04/CT-UBND, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đang triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm thực hiện.

2. Về đầu tư phát triển

2.1. Công tác vận động, xúc tiến đầu tư và các hoạt động kinh tế đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 với quy mô cấp quốc gia; tại Hội nghị có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư tương đương 6,3 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được 96 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 22.411 tỷ đồng và 285,5 triệu USD, tăng cao so với cùng kỳ cả về số lượng dự án và vốn đăng ký.

2.2. Huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 46.380 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch và bằng 76,2% cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 6.737 tỷ đồng, đạt 42% KH, tăng 10,5% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đầu tư phát triển 5.940 tỷ đồng, đạt 36% KH, tăng 11,5%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước 680 tỷ đồng, đạt 32% KH, tăng 4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 13.818 tỷ đồng, đạt 49% KH, bằng 43% cùng kỳ; vốn đầu tư của dân cư và tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước 19.205 tỷ đồng, đạt 44% KH, tăng 13% so với cùng kỳ.

Tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công do tỉnh quản lý có chuyển biến tích cực; giá trị khối lượng thực hiện của các dự án ước đạt 3.041 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch (cùng kỳ bằng 40% kế hoạch); giải ngân đến 18/6 đạt 2.351 tỷ đồng, bằng 40% số vốn đã giao kế hoạch chi tiết (cùng kỳ đạt 42% kế hoạch). Trong 6 tháng, đã khởi công Dự án đường giao thông ven biển nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (Giai đoạn 1) với TMĐT 1.479 tỷ đồng.

3. Về văn hóa - xã hội

3.1. Hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm phát triển; 6 tháng đầu năm đã triển khai thực hiện 134 nhiệm vụ khoa học công nghệ (trong đó có 8 nhiệm vụ cấp nhà nước), tổ chức nghiệm thu 19 nhiệm vụ; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 03 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh lên 18 doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng được tăng cường; đã kiểm tra 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý 6 cơ sở vi phạm.

3.2. Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh; trọng tâm là các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh, các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, 110 năm du lịch Sầm Sơn và công bố quyết định công nhận thành phố Sầm Sơn, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Phong trào thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh; đã tổ chức 661 giải thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở; tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 37,5%, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Thể thao thành tích cao giành được 312 huy chương (110 HCV); đội bóng đá FLC Thanh Hóa sau 13 vòng đấu được 26 điểm, vô địch lượt đi Giải vô địch quốc gia V-League 2017.

3.3. Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành chương trình năm học 2016 - 2017; đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2017, học sinh tỉnh ta đạt 51 giải, trong đó có 02 giải nhất; 03 học sinh được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 86 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 59,4%.

3.4. Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị; có 04 bệnh viện của tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Trung ương. Công tác xã hội hóa y tế được tích cực triển khai thực hiện; 6 tháng đầu năm, có 03 bệnh viện được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa với quy mô 1.300 giường bệnh. Các đơn vị y tế dự phòng đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra bệnh dịch lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh ATTP được tăng cường, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 13.757 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện và xử lý 790 cơ sở vi phạm.

3.5. Ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hơn 157 nghìn đối tượng chính sách và người cao tuổi; hỗ trợ 1.761 tấn gạo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 30.800 lao động, bằng 47% kế hoạch, tăng 0,5% cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 4.560 lao động; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho 8.402 người.

4. Về quốc phòng, an ninh

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; các lực lượng vũ trang thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình tuyến biên giới, trên biển và địa bàn trọng điểm, nhất là dịp lễ, Tết và các sự kiện quan trọng, chủ động xử lý tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tuyển quân với 4.000 quân nhân nhập ngũ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quốc phòng, an ninh cho 7.274 cán bộ, chiến sỹ; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017.

Lực lượng công an đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội nên tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực, tội phạm về trật tự xã hội giảm 8% so với cùng kỳ; điều tra phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ cao (trên 96%); đã triệt phá một số vụ án lớn về ma túy, cá độ bóng đá. Công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường; theo báo cáo của ngành công an, 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm 24,7% về số vụ, 24,3% số người chết và 14,8% số người bị thương; xảy ra 39 vụ cháy, giảm 19 vụ so với cùng kỳ.

Tóm lại, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2017 là tương đối tích cực, nhiều chỉ tiêu có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp được mùa, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay. Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông,... Phát triển doanh nghiệp được quan tâm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực, đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 với quy mô lớn, số lượng dự án đầu tư trực tiếp, số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quản lý nhà nước được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên; đã ban hành, hoàn thiện các thể chế về quản lý công chức, viên chức, các ban quản lý dự án…

II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM         

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 còn những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực, cụ thể là:

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch đề ra và thấp hơn cùng kỳ năm trước; một số lĩnh vực sản xuất còn nhiều khó khăn. Trong nông nghiệp: năng suất, sản lượng mía nguyên liệu giảm; giá thịt lợn hơi xuống thấp, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi; xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại 174 ha; để xảy ra 16 vụ tai nạn tàu cá trên biển. Việc triển khai thực hiện một số chủ trương lớn của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế, như: tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; một số dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn chậm. Một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với cùng kỳ và kế hoạch như: ô tô tải (đạt 39,1% KH; 83,9% cùng kỳ), bia (43,6% KH); đường (73,2% cùng kỳ); một số dự án sản xuất công nghiệp chủ lực chậm tiến độ, có thể ảnh hưởng tới kế hoạch cả năm của tỉnh như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, NM sản xuất dầu ăn.

2. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng mới chỉ đạt 41% dự toán, giảm 7% so với cùng kỳ; một số khoản thu đạt thấp so với kế hoạch như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương (39% KH), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (36%), lệ phí trước bạ (35%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (14%).

3. Việc triển khai các dự án đầu tư trực tiếp, dự án có sử dụng đất đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số dự án có tiến độ chậm, kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp về du lịch ven biển. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với một số chương trình, dự án đầu tư công còn chậm; công tác đấu thầu, quản lý chất lượng công trình, giám sát đánh giá đầu tư tuy được quan tâm song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Xử lý nợ đọng XDCB ở cấp huyện còn chậm, một số huyện có số nợ còn lớn như: Yên Định, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống.

4. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 đứng trong nhóm khá cả nước nhưng tụt 21 bậc so với năm 2015; có 8/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2015, trong đó có 5/10 chỉ số thành phần đứng trong nhóm cuối cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2016 giảm 18 bậc so với năm 2015 (đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố).

5. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm, vẫn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Công tác bồi thường GPMB được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tốt song còn nhiều địa phương chưa tích cực nên vẫn còn khó khăn, vướng mắc ở một số dự án và các địa bàn: KKT Nghi Sơn, TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn.

6. Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức cao, tính đến 31/5/2017, có 1.206 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền 93,3 tỷ đồng, giảm 35,3 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng tăng 333 doanh nghiệp. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập vẫn còn diễn ra; vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế chậm được khắc phục. Xảy ra 6 vụ đình công tập thể liên quan đến chính sách tiền lương.

7. Hoạt động truyền đạo trái phép, di dân tự do, buôn bán ma túy trên tuyến biên giới còn diễn ra. Tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường xảy ra tại một số địa phương. Tiềm ẩn các nguy cơ về tội phạm có tổ chức, can dự các hoạt động kinh tế - xã hội.

8. Công tác quản lý nhà nước ở một số đơn vị còn hạn chế, tính chủ động, quyết liệt trong giải quyết công việc chưa cao; việc chấp hành các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có việc, có lúc chưa nghiêm. Ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ và trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; vẫn còn hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hạch sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc.

 

Phần thứ hai

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017

I. Nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm 2017

Căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2017, nhiệm vụ còn lại của một số chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2017 như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm phải đạt 15,8% trở lên (kế hoạch cả năm là 12%), trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 1,5% (KH năm 2,4%); Công nghiệp tăng 35,6% (KH 22,2%); Xây dựng tăng 13,6% (KH 12,6%); Dịch vụ tăng 9,8% (KH 9,1%); Thuế sản phẩm 18,1% (KH 8%).

2. Sản lượng lương thực đạt 642,9 nghìn tấn (KH năm 1,6 triệu tấn).

3. Kim ngạch xuất khẩu đạt 983,5 triệu USD (KH năm 1.850 triệu USD).

4. Huy động vốn ĐTPT đạt 59.620 tỷ đồng (KH năm 106.000 tỷ đồng).

5. Thu NSNN đạt 7.988 tỷ đồng (Dự toán năm 13.512 tỷ đồng).

6. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 23 xã (KH năm đạt tỷ lệ 35,4% ).

7. Số doanh nghiệp được thành lập mới: 1.804 DN (KH năm 3.000 DN)

8. Giải quyết việc làm cho 34.700 lao động (KH năm 65.500 lao động).

9. Số trường học đạt chuẩn quốc gia: thêm 6 trường (KH năm đạt tỷ lệ 59,7%).

II. Một số giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

Để tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2017, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động số 25/QĐ-UBND ngày 04/01/2017 của UBND tỉnh về thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng để bù đắp những phần thiếu hụt của những sản phẩm, dự án chậm tiến độ

1.1. Về nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát lại các phương án phòng chống bão lụt; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó và giảm thiếu đa thiệt hại khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra, làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển. Nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của các tập đoàn FLC, TH Truemilk, Vinamilk.

1.2. Về công nghiệp

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Rà soát các sản phẩm chủ yếu có kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm đạt thấp như: đường, bia, thuốc lá, ô tô..., trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đang có thuận lợi về thị trường, có khả năng vượt kế hoạch, gia tăng sản lượng để bù đắp cho các sản phẩm khác. Tiếp tục đấu mối, làm việc với các Tổng công ty, DNTW để giao tăng sản lượng cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Phối hợp với Điện lực Thanh Hóa rà soát, đảm bảo các phương án cấp điện cho các cơ sở sản xuất khi thiếu nguồn.

- Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN chủ trì, tham mưu các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NM Lọc hóa dầu Nghi Sơn, NM sản xuất dầu ăn và một số dự án sản xuất công nghiệp trong các KCN đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2017 nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2017 của tỉnh.

1.3. Về đầu tư

Các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các hợp đồng đã ký. Đôn đốc các nhà thầu nghiệm thu, lên phiếu giá khối lượng hoàn thành để thanh toán và hoàn ứng khi có đủ khối lượng, nhất là các dự án dư ứng lớn từ năm 2015 về trước. Ưu tiên tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như: Đường ven biển; Đường 513 Khu kinh tế Nghi Sơn; Đường vành đai Đông - Tây (TP. Thanh Hóa).

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KKT Nghi Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện, thực hiện chậm trễ, kéo dài hoặc sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, nhất là các dự án du lịch biển, bất động sản. Khẩn trương hoàn thành, áp dụng Phần mềm theo dõi, quản lý các dự án đầu tư trực tiếp để nâng cao hiệu quả quản lý, cấp phép dự án.

Hướng dẫn, tạo điều kiện hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công các dự án mới thuộc 5 lĩnh vực trọng điểm (cơ khí chế tạo, nông nghiệp, du lịch, y tế, cơ sở hạ tầng) đã xác định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 và các dự án quan trọng khác, như: NM nhiệt điện Nghi Sơn 2, NM tái chế chất xúc tác thải Taiyo Koko, NM luyện gang thép Nghi Sơn, Hạ tầng KCN số 3 - KKT Nghi Sơn, Khai thác cảng và dịch vụ dầu khí tại KKT Nghi Sơn.

 Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển vốn của các dự án đầu tư công thực hiện chậm; đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư của các dự án khởi công mới, hoàn vốn tạm ứng của các dự án có số dư ứng lớn, quyết toán các dự án đã hoàn thành; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu, giám sát, quản lý chất lượng công trình.

1.4. Về dịch vụ

- Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp phát triển mạnh mẽ các dich vụ vận tải, nhất là hệ thống logictics; cảng biển, kho bãi trung chuyển hàng hóa. Tham mưu, thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không mở mới các đường bay nội địa và quốc tế tại Cảng hàng không Thọ Xuân, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH.

- Sở Công thương tham mưu, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa gắn với ưu tiên dùng hàng Việt; nghiên cứu cơ chế để có nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh vào các siêu thị. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn xử lý nghiêm các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng buôn lậu, để bảo vệ các sở sản xuất trong tỉnh.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh với du khách trong và ngoài nước; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố có khu, điểm du lịch trên địa bàn, tập trung quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn VSTP, bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến; tăng cường lực lượng ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, ép giá du khách.

2. Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, phấn đấu vượt dự toán cả năm

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cục Thuế, Hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng thu, chống thất thu; rà soát và quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán, thu lệ phí trước bạ từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thu từ xây dựng cơ bản, thu từ các doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thu từ hoạt động XNK.

Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thu hồi các khoản nợ đọng thuế thu từ đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất và cấp quyền khai thác khoáng sản; kiên quyết không cho các đơn vị nợ đọng thuế tham gia đấu thầu, đấu giá các dự án mới khi còn nợ đọng ngân sách.

3. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đẩy nhanh công tác đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân theo Kế hoạch số 57/KH-UBND của UBND tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2017; duy trì các cuộc gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng tháng.

          - Các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện có hiệu quả Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ; Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 về Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thực hiện tốt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với các doanh nghiệp và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

          - UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình phát triển doanh nghiệp tại địa phương 6 tháng đầu năm, đề ra giải pháp, kế hoạch thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu số doanh nghiệp được thành lập mới năm 2017 được giao.

- Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất; nghiên cứu cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, đồng thời đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và điều kiện cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

4. Tập trung rà soát, xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách

Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thời gian qua, trong đó tập trung vào: vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, quá tải các bệnh viện, công tác bồi thường GPMB, quản lý chất lượng công trình, quản lý CBCC, viên chức và HĐLĐ, nợ đọng BHXH, lạm thu các loại phí, khai thác trái phép cát, sỏi trên sông; trên có sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để xử lý quyết liệt, triệt để các vấn đề nêu trên, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7/2017.

5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục, y tế; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội

- Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2017 - 2018; chỉ đạo các trường công khai các khoản thu đầu năm học, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm thu, dạy thêm không đúng quy định. Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp, đội ngũ giáo viên ở các cấp học; tham mưu triển khai các quy định của Trung ương nhằm từng bước đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ biên chế giáo viên, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án xã hội hóa y tế theo Nghị quyết 93/2015/NQ-CP của Chính phủ, trong tâm là các dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai, Khu dịch vụ y tế chất lượng cao trong Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện phụ sản; đồng thời, nghiên cứu, tham mưu giao kế hoạch về số giường bệnh, biên chế cố định cho các cơ sở y tế, phần còn lại do các đơn vị tự chủ để khuyến khích phát triển thêm số giường bệnh. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. 

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh và đất nước; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ hội Lam Kinh, Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017 tại Thanh Hóa. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao quần chúng; chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, các giải đấu quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao nhất.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, xử lý các tồn tại về BHXH, hạn chế thấp nhất các cuộc đình công tại các doanh nghiệp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và các chế độ, chính sách đối với người có công. Tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ.

6. Bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Các lực lượng vũ trang nắm chắc tình hình, chủ động xử lý các tình huống, không để phát sinh thành điểm nóng; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch; chủ động lực lượng, phương tiện, trực sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017 đạt kết quả cao.

 Công an tỉnh tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao; xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Phối hợp với các ngành, địa phương xử lý có hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép; vi phạm quy định về trật tự đô thị. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc vào giờ cao điểm.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

- Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tập trung chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị về cải cách hành chính trong tháng 7 năm 2017; khẩn trương hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đưa Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa vào hoạt động có hiệu quả từ 01/10/2017.

- Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương hoàn thành các chương trình, đề án để trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, tiến hành đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2018, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm nêu trên, các cấp, các ngành khẩn trương xác định cụ thể nhiệm vụ còn lại trong kế hoạch năm 2017 của ngành mình, địa phương mình và phân công trách nhiệm rõ ràng để tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng cả tỉnh phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017./.

Sở KH&ĐT

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995