Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2017

Đăng lúc: 09:15:55 13/11/2017 (GMT+7)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2017

1. Sản xuất nông nghiệp 1.1. Trồng trọt: Theo báo cáo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 12/10/2017 toàn tỉnh đã thu hoạch được 122.720/128.259 ha lúa vụ thu mùa, đạt 95,7% diện tích gieo cấy; trong đó, vùng đồng bằng 64.679/65.376 ha, đạt 98,9%; vùng ven biển 31.175/31.775 ha, đạt 98,1%; vùng miền núi 26.866/31.108 ha, đạt 86,4%.

 

1.2. Chăn nuôi
Kết quả tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2017 tính đến ngày 12/10/2017 như sau: Vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 2.091.500 liều, đạt 72,7% diện tiêm; vắc xin dại chó mèo 327.123 liều, đạt 88,4% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 232.400 liều, đạt 79,9% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu bò 230.325 liều, đạt 78,9% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 225.308 liều, đạt 46,3% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 180.058 liều, đạt 37,0% diện tiêm.
 
2. Thuỷ sản
Dự ước giá trị sản xuất thủy sản tháng 10/2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 407,8 tỷ đồng, tăng 3,0% so tháng trước, tăng 7,3% so cùng kỳ. Tổng sản lượng 13.952 tấn, tăng 2,8% so tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 9.172 tấn, tăng 0,9% và tăng 7,1%; riêng khai thác xa bờ 3.811 tấn, tăng 1,0% và tăng 9,0%; sản lượng nuôi trồng 4.780 tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 2,9% so cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng, giá trị sản xuất thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 4.098,6 tỷ đồng, tăng 5,9% so cùng kỳ; sản lượng 132,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 89,4 nghìn tấn, tăng 7,6%, sản lượng nuôi trồng 43,1 nghìn tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ.
 
3. Công nghiệp
Tháng Mười, sản xuất công nghiệp tăng khá so với tháng trước và tháng cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2017 tăng 12,67% so tháng trước và tăng 13,40% so tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 17,17% so tháng trước và tăng 22,49% so tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,01% so với tháng trước và tăng 16,27% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,43% so tháng trước và giảm 20,09% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,03% so tháng trước và tăng 15,44% so tháng cùng kỳ. 
Tính chung 10 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,65% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,51%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,17%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,01%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,87% so cùng kỳ.
 
4. Xây dựng, vốn đầu tư
Tháng Mười, các chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án lớn, công trình trọng điểm như: Dự án đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; Dự án đường ven biển (đoạn nối đường 513 với đường ven biển thuộc địa phận tỉnh Nghệ An), Dự án đường giao thông ven biển nối thành phố Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn; Dự án nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn từ km 0 - km 31+260; Dự án đường vành đai Đông Tây, thành phố Thanh Hóa…
Dự ước tháng Mười, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn (chưa tính vốn dân cư) đạt 3.690,9 tỷ đồng, giảm 5,8% so với tháng trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ, trong đó các đơn vị địa phương quản lý 1.122,3 tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 0,8%; các đơn vị Trung ương quản lý 1.397,6 tỷ đồng, giảm 6,8% và tăng 0,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.171 tỷ đồng, giảm 8,6% so với tháng trước và giảm 29,5% so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng, tổng vốn đầu tư (chưa tính vốn dân cư) ước đạt 41.552,1 tỷ đồng, giảm 38,1% so cùng kỳ; trong đó, các đơn vị địa phương quản lý 10.267,6 tỷ đồng, tăng 7,3%; các đơn vị Trung ương quản lý 13.132,3 tỷ đồng, tăng 6,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 18.152,2 tỷ đồng, giảm 59,8%. 
 
5. Vận tải
Tháng Mười, vận chuyển hàng hoá ước đạt 4,3 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá ước đạt 211,5 triệu tấn.km, tăng 0,7% về tấn, giảm 0,1% về tấn.km so với tháng trước; tăng 7,2% về tấn, tăng 4,1% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 3,1 triệu người, luân chuyển hành khách ước đạt 175,0 triệu người.km, tăng 0,6% về hành khách, tăng 0,8% về hành khách.km so với tháng trước; tăng 8,5% về hành khách, tăng 10,6% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 608 nghìn tấn, tăng 11,7% so với tháng trước, tăng 12,3% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 589 nghìn tấn, tăng 11,9%, tăng 16,7%; cảng Lễ Môn 19 nghìn tấn, tăng 5,8% so với tháng trước, bằng 52,3% so cùng kỳ. 
Luỹ kế 10 tháng năm 2017, vận chuyển hàng hoá ước đạt 42,3 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.254,3 triệu tấn.km, tăng 7,8% về tấn, tăng 2,0% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 33,3 triệu người, luân chuyển hành khách 1.978,9 triệu người.km, tăng 8,8% về hành khách, tăng 11,1% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng ước đạt 8.099 nghìn tấn, tăng 68,2% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 7.836 nghìn tấn, tăng 74,3%; cảng Lễ Môn 263 nghìn tấn, giảm 17,8% so cùng kỳ.
 
6. Thương mại, dịch vụ và giá cả
 
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ
Tháng Mười, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 6.626,6 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó kinh tế Nhà nước 125,1 tỷ đồng, giảm 1,8% so tháng trước, bằng 61,5% so với cùng kỳ; kinh tế tập thể 4,8 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ; kinh tế cá thể 3.985,5 tỷ đồng, tăng 1,0% so tháng trước, tăng 11,9% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân 2.488,5 tỷ đồng, bằng tháng trước, tăng 9,2% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 22,6 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, giảm 3,6% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 7,9% so với cùng kỳ; khách sạn nhà hàng tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 16,5% so với cùng kỳ; du lịch lữ hành tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 15,3% so với cùng kỳ; dịch vụ tăng 1,4% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 10 tháng năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 67.094 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
 
6.2. Hoạt động khách sạn - du lịch lữ hành
Tháng Mười, số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 376,6 nghìn lượt khách, tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 14,6% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 647,6 nghìn ngày khách, tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước, tăng 15,3% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 4.109 lượt khách, tăng 0,5% so tháng trước, tăng 12,5% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 13.119 ngày khách, tăng 1,4% so tháng trước, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng năm 2017, số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 4.816 nghìn lượt khách, tăng 13,2% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 7.969 nghìn ngày khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 87,9 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 430.609 lượt khách, tăng 18,2% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 136.100 ngày khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
 
6.3. Giá tiêu dùng
Do điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá gas tăng mạnh, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng Chín năm 2017 tăng 0,38% so với tháng trước, có Sáu nhóm hàng hoá giá cả tăng là: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhóm nhà ở điện, nước, chất đốt, VLXD tăng 2,76%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,84%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,22%; nhóm giao thông tăng 1,46%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%. Bốn nhóm hàng hóa giá cả ổn định không tăng là: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giả trí và du lịch. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21% (lương thực tăng 0,28%; thực phẩm giảm 0,96%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2017 tăng 1,45% so với tháng 12 năm 2016 và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng đầu năm 2017 tăng 2,70% so với bình quân cùng kỳ. Đây là một trong những năm có chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đạt mức tăng giá thấp (chín tháng năm 2010 tăng 8,41%; năm 2011 tăng 15,91%; năm 2012 tăng 9,32%; năm 2013 tăng 10,57%; năm 2014 tăng 4,23%; năm 2015 tăng 0,51%; năm 2016 tăng 1,98%).
 
6.4. Chỉ số vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Chín năm 2017 tăng 3,05% so với tháng trước, tăng 0,10% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,01% so tháng trước, tăng 1,93% so với cùng kỳ.
 
7. Tài chính - ngân sách
Thu ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 1.085,4 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 784 tỷ đồng, giảm 5,0% so cùng kỳ; một số lĩnh vực thu tăng so với cùng kỳ gồm: thu tiền sử dụng đất tăng 3,7%; thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương tăng 11,4%, thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 9,8%, thu phí và lệ phí tăng 24,3%... Luỹ kế 10 tháng năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.251 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương tháng Mười ước đạt 2.701,8 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên tăng 11,6% so cùng kỳ; chi khác tăng 34,9%. Luỹ kế 10 tháng năm 2017, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 22.687 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ.
 
8. Các vấn đề xã hội
 
8.1. Đời sống dân cư
Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tính đến ngày 10/10 toàn tỉnh không có hộ thiếu đói. Tỷ lệ hộ thiếu đói giảm 0,01% so với tháng cùng kỳ năm trước.  
 
8.2. Giáo dục
Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai kế hoạch "Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi tỉnh Thanh Hóa gia đoạn 2013 - 2020"; ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH và HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế".
Các trường học trong tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm học 2017 - 2018 và huy động triệt để số học sinh trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học, ngành học. Kết quả, giáo dục Mầm non, tỉ lệ huy động các cháu ra nhà trẻ đạt 25,5%, mẫu giáo đạt 95,8% (trong đó trẻ 5 tuổi ra học lớp mẫu giáo đạt 99,5%); giáo dục Tiểu học, tỉ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt 99,95%; giáo dục THCS, tỉ lệ huy động học sinh vào lớp 6 đạt 99,8%; giáo dục THPT, tỉ lệ học sinh vào lớp 10 đạt 98,9%; giáo dục thường xuyên (vào lớp 10 BTVH), đạt 50% so với kế hoạch giao. 
Sáng ngày 02/10/2017, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 21 năm ngày Khuyến học Việt Nam, 18 năm thành lập Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa và phát động tuần lễ học tập suốt đời. Tại buổi lễ, Hội Khuyến học tỉnh đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” cho 12 cán bộ, hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; vinh danh và tặng giấy khen, tiền thưởng cho 18 cán bộ quản lý và giáo viên đạt danh hiệu “Cán bộ quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi làm khuyến học xuất sắc” năm học 2016 - 2017 và trao 1 tỷ đồng học bổng của gia đình giáo sư Lê Viết Ly cho 37 sinh viên và 275 học sinh THPT nghèo đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Ngày 05/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3779/QĐ-UBND về việc cấp gạo hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh trong học kỳ I, năm học 2017 - 2018; theo đó, 19.643 học sinh của 244 trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được hỗ trợ gạo với mức 15kg/tháng/học sinh. Tổng số gạo được phân bổ cho học sinh đợt này là hơn 1.470 tấn. 
 
8.3. Y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.789 ca sốt xuất huyết; 11 ca nhiễm bệnh do liên cầu lợn ở người; 7 ca mắc sởi; 602 ca tay chân miệng; 39 ca uốn ván; 119 ca sốt rét; 182 ca vi rút viêm gan B; 21 ca vi rút viêm gan C; 12 ca viêm não Nhật bản; 27 ca viêm não vi rút khác. Hiện nay, ngành Y tế vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các bệnh mới phát sinh, chủ động trong công tác chữa trị cho các bệnh nhân, không để lây lan ra cộng đồng; tăng cường tuyên truyền và phổ biến kiến thức về cách phòng, chống dịch để người dân tự bảo vệ sức khoẻ.
Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các điạ phương khi có yêu cầu. 
 
8.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao
Ngành Văn hoá - Thông tin tập trung tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước, trọng tâm là: Nghị quyết TW4, Nghị quyết TW5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức kỷ niệm: Ngày thành lập lực lượng Vũ trang Thanh Hóa 9/10, ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày thành lập hội Nông dân Việt Nam 14/10, ngày cả nước vì người nghèo 17/10, ngày thành lập hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10... Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp triển khai dàn dựng các vở diễn, chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và công chúng, tiêu biểu như: Lễ hội Lam Kinh năm 2017; cử đoàn nghệ nhân, diễn viên tham ra biểu diễn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017… 
Tối ngày 07/10/2017, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn Thanh Hóa đã diễn ra đêm Chung kết xếp hạng Sao Mai 2017 ở 3 dòng nhạc thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Kết quả: Giải Nhì thuộc về các thí sinh: Thanh Thanh - phong cách thính phòng; Phan Ngọc Ánh - phong cách dân gian; Lâm Bảo Ngọc và Trần Thị Yến Nhi - phong cách nhạc nhẹ; giải Ba thuộc về các thí sinh: Lại Thị Hương Ly - phong cách thính phòng; Lương Hà Mỹ Anh và Mai Thương - phong cách dân gian; Nhật Linh - phong cách nhạc nhẹ.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và đẩy mạnh; điển hình như: giải cầu lông đồng đội Thanh Hóa - Cup Lining năm 2017, Hội thao Công nhân viên chức lao động ngành Mía đường Việt Nam... Tính đến ngày 15/10/2017, có 635/635 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở lần thứ VIII năm 2017, đạt tỷ lệ 100%.
Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm, tại Giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc năm 2017 tổ chức tại Hà Tĩnh, đội tuyển Pencak Silat Thanh Hóa tham dự giải với 16 VĐV thi đấu ở nội dung đối kháng, đã đạt thành tích xuất sắc, giành được 4 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn (sau Hà Nội). Đội bóng đá FLC Thanh Hóa thi đấu 21 trận tại Giải Vô địch quốc gia Toyota V.League 2017, đạt 38 điểm, xếp thứ 2/14 đội tham dự.
 
8.5. An toàn giao thông
Tháng Chín, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng Chín xảy ra 34 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 15% so với cùng kỳ; làm chết 12 người, giảm 7,7% so với cùng kỳ; bị thương 17 người, giảm 37% so với cùng kỳ. Tính chung Chín tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 417 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 124 người chết và 340 người bị thương (giảm 3,5% về số vụ, giảm 9,5% về số người chết, giảm 8,6% về số người bị thương so với cùng kỳ).
Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra nồng độ cồn. Chín tháng đầu năm 2017, đã lập biên bản xử lý 54.806 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 7.481 phương tiện các loại, tước 4.582 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 62,1 tỷ đồng. Trong đó: xử lý nồng độ cồn 1.927 trường hợp, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước gần 4,9 tỷ đồng, tạm giữ 1.912 phương tiện, tước 1.895 giấy phép lái xe; xử lý xe quá niên hạn, hết niên hạn sử dụng 714 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 4,8 tỷ đồng, tạm giữ 645 phương tiện, tước 547 giấy phép lái xe.
Về xử lý vi phạm xe quá khổ quá tải, Chín tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh đã phối hợp kiểm soát, xử lý xe ô tô vi phạm; kết quả: Công an tỉnh lập biên bản xử lý vi phạm 3.380 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 17,1 tỷ đồng; Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt 105 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 668,2 triệu đồng; Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động lập biên bản xử lý 36 trường hợp quá tải, nộp Kho bạc Nhà nước 276,1 triệu đồng đồng.
 
8.6. Thiệt hai do thiên tai
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 09-11/10, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to. Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, UBND tỉnh đã ban hành các công điện khẩn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 13 công điện, 2 công văn để triển khai đến các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung vào việc thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, bảo đảm an toàn công trình và khu vực hạ du; phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê biển. Chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt... Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê; phát lệnh báo động lũ trên các triền sông; ban hành lệnh vận hành xả lũ hồ chứa nước Cửa Đạt.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị thiên tai khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống. Các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng công an, quân đội, biên phòng cùng các địa phương đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ công tác sơ tán, cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng của thiên tai, xử lý các sự cố đê điều và tìm kiếm cứu nạn, kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập.
Chiều ngày 15/10/2017, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về công tác khắc phục hậu quả sau lũ, lụt. Tại buổi làm việc, theo báo cáo của UBND tỉnh và các ngành có liên quan, trong đợt mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới vừa qua đã gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất; ngập lụt nhiều khu vực, sạt lở, hư hỏng các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông trên địa bàn tỉnh. Tính đến trưa ngày 15/10/2017, đã có 16 người chết; 5 người bị thương; 5 người mất tích; 55 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 172 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 28.146 ngôi nhà bị ngập; 144 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất; 5 đập thủy lợi nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 23 đập thủy lợi nhỏ bị vỡ; 21 trạm bơm bị hư hỏng; 23 hồ nhỏ bị sạt lở; 21.479m kênh, mương sạt lở, hư hỏng; 37 cống nội đồng bị hư hỏng; 28.833 ha cây hàng năm và cây vụ đông bị thiệt hại; 6.455 con gia súc (lợn, bò, dê), 210.355 con gia cầm, 0,7 tấn ếch nuôi, 130 bọng ong bị cuốn trôi và 1,5 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 747 chuồng trại chăn nuôi bị ngập; 6.055 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 271,3 ha nuôi tôm quảng canh, 18 ha nuôi tôm thâm canh, 4 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông và các công trình hạ tầng công cộng khác bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng…
 
8.7. Môi trường; cháy, nổ
Môi trường: Tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ vi phạm môi trường tại huyện Yên Định, xử phạt hành chính 20,4 triệu đồng.
Cháy, nổ: Tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy (TP Thanh Hóa 1 vụ; huyện Thiệu Hóa 1 vụ), tổng  thiệt hại khoảng 295 triệu đồng.
 
Khái quát lại, Tháng Mười, với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh, nên kết quả sản xuất có nhiều chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ như chỉ số sản xuất công nghiệp, sản lượng vận tải, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ… Tuy nhiên, do chịu hậu quả nặng nề, liên tiếp của 2 đợt mưa lũ trong tháng 9 và tháng 10, nhất là đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 09-11/10/2017 đã tác động bất lợi đến sản xuất vụ đông cũng như ngành chăn nuôi và một số ngành nghề sản xuất khác; bên cạnh đó, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện một số công trình, dự án còn chậm; trật tự, an toàn giao thông tuy giảm về cả 3 tiêu chí, song còn diễn biến phức tạp. Các ngành, các cấp cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống và phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017./. 
File đính kèm : So lieu KT-XH thang 10-2017

 

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995