Thanh Hóa khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng

Đăng lúc: 10:56:54 05/01/2021 (GMT+7)

Loại hình Du lịch sinh thái cộng đồng mặc dù mới chỉ phát triển tại Thanh Hóa trong những năm gần đây, song đã nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương, nhất là với người dân bản địa.

Được mệnh danh là Tây Bắc của Xứ Thanh, khu bảo tồn thiên nhiên Puluong – huyện Bá Thước đang được coi là 1 trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với những du khách ưa thích loại hình du lịch sinh thái cộng đồng…
Các nếp nhà sàn ẩn hiện giữa đại ngàn, bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, phong cách kiên trúc nhà sàn của người Thái còn được giữ nguyên vẹn, thân thiện với cảnh quan môi trường, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những bản làng lọt giữa các thung lũng; tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, … vẫn được cộng đồng người dân lưu giữ khá nguyên vẹn, đó là nét đặc trưng riêng có của Puluong.
Từ đó nhiều dịch vụ du lịch được ra đời như: nghỉ dưỡng núi, du lịch hang động, đi bộ xuyên rừng…. giúp các văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Puluong có điều kiện, nguồn lực để gìn giữ và quảng bá bởi chính cộng đồng. Những lợi thế sẵn có, cộng với công tác phòng chống dịch COVID – 19 của tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả tích cực, đã giúp Puluong trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn trong 2020, với trên 50 nghìn lượt khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. 
Với sức hút ngày càng lớn của du lịch sinh thái cộng đồng, những năm gần đây, loại hình sản phẩm du lịch này đã được phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Không chỉ các huyện miền núi, mà nhiều huyện trung du, đồng bằng và ven biển cũng đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng như: Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Yên Định….Một số địa phương đã có chiến lược cụ thể và cách làm bài bản để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên các tài nguyên thế mạnh của địa phương, gắn với đáp ứng nhu cầu và xu hướng của thị trường.
Giai đoạn 2016 - 2020, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đón được trên 2,3 triệu lượt khách, gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó. 
Tuy nhiên, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng mới chỉ chiếm 5,5% tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong 5 năm qua. Sự phát triển của loại hình dịch vụ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các dịch vụ chưa được cung cấp hoàn thiện, chưa có nhiều sản phẩm độc đáo và có thương hiệu mạnh, tính cạnh tranh chưa cao, hạ tầng du lịch ở các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng còn nhiều bất cập.
Nếu khắc phục sớm được những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời có chiến lược đầu tư phát triển và kết nối đồng bộ, du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa chắc chắn sẽ có những bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Qua đó, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng của ngành du lịch Thanh Hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, mà còn tạo sinh kế cho nhiều lao động và góp phần gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn do phát triển du lịch gây ra.
 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995