Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch

Đăng lúc: 10:19:23 12/05/2020 (GMT+7)

Phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch là 1 trong 4 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020. Sau một nhiệm kỳ thực hiện, hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch của thành phố đã và đang được đầu tư theo hướng khang trang, đồng bộ, tạo thêm nhiều điểm nhấn cho du lịch TP Thanh Hóa.

Đầu tư hạ tầng phát triển du lịchTuyến đường Tiên Sơn nối với động Tiên Sơn được đầu tư phục vụ khách du lịch.
Tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, hòa quyện giữa tự nhiên với các di tích văn hóa lịch sử, lại có lợi thế nằm ngay trung tâm sầm uất nhất xứ Thanh, TP Thanh Hóa hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. TP Thanh Hóa vốn sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; di chỉ khảo cổ Núi Đọ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng; cụm di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi An Hoạch. Trải dọc hai bên bờ sông Mã oai hùng là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, có sông, có rừng cùng nhiều di tích có giá trị. TP Thanh Hóa còn hội tụ 232 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các di tích này vừa có giá trị về lịch sử, vừa rất điển hình cho phát triển du lịch. Ngoài hàng trăm di tích, thành phố cũng được biết đến với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống; các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh cùng hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm. Đó là tiềm năng, thế mạnh để TP Thanh Hóa phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định TP Thanh Hóa cùng với TP Sầm Sơn và huyện Tĩnh Gia là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch. Trên tinh thần đó, tháng 4-2018, UBND tỉnh đã có Quyết định 1259/QĐ-UBND “Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000 Khu vực Hàm Rồng - núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP Thanh Hóa”. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong nhiệm kỳ qua, TP Thanh Hóa đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch đồng bộ. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thành phố đã đầu tư tuyến đường Tiên Sơn nối với động Tiên Sơn, đường Hạc Oa, đường Đồng Cổ; cải tạo Đồi C4, đền thờ Lê Uy – Trần Khát Chân, động Long Quang... Cùng với đó, một số dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng được đầu tư như dự án tuyến đường Quảng trường Hàm Rồng – Cầu Hàm Rồng; dự án cải tạo tuyến đường từ cổng Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ đến đường động Tiên Sơn. Thành phố cũng đã đầu tư, xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng cố định tại khu vực quảng trường, công viên, các khu, điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Thái miếu nhà Hậu Lê, Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, Đồi C4, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn... Ngoài ra, để phục vụ và bảo đảm công tác vệ sinh môi trường trong các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị, thành phố còn lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng di động ở những nơi cần thiết phục vụ người dân và du khách.
Ngoài đầu tư từ ngân sách, TP Thanh Hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư các công trình với nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng như Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Công ty Du lịch Kim Quy, Bến tàu du lịch Hoàng Long, Khu sinh thái Linh Kỳ Mộc, điểm du lịch khu văn hóa Trường Thi, Làng văn hóa các dân tộc xứ Thanh. Nhiều dự án thương mại quy mô lớn như Siêu thị Vincom, Khách sạn Central, Khách sạn Vinpearl... cũng được hình thành và đưa vào sử dụng. Nhiều loại hình dịch vụ mới được phát triển như dịch vụ vận tải hành khách bằng xe limousine, dịch vụ xe công nghệ Grab, xe khách Mai Linh Willer, dịch vụ giao hàng tại nhà... đã tạo thêm sự sôi động cho thị trường, sự đa dạng trong lựa chọn dịch vụ của người dân thành phố và cả tỉnh, góp phần làm thay đổi bộ mặt và tầm vóc của thành phố.
Cùng với đầu tư hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch, thành phố còn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hiện nay, thành phố đã xây dựng được 14 tuyến du lịch tham quan thành phố kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Sản phẩm du lịch sinh thái bước đầu để lại ấn tượng cho du khách, dần dần hình thành chỗ đứng và sức hút riêng của du lịch thành phố. Sản phẩm du lịch ẩm thực với 210 khách sạn, nhà nghỉ, 365 nhà hàng ăn uống, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách... Trong nhiệm kỳ qua, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã giúp thành phố từng bước khai thác được nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối tour, tuyến du lịch, giúp du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch thuận lợi hơn. Giai đoạn 2016 – 2020, lượng khách du lịch đến thành phố đạt 8.330.000 lượt, tăng 38% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Việc phát triển du lịch nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thu nhập và kéo theo sự phát triển của một loạt các ngành khác như vận tải, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp... Trong nhiệm kỳ mới, TP Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch thành phố để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các loại hình tham quan, các khu vui chơi giải trí mới, hiện đại tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết và hợp tác với các địa phương trong tỉnh, các tỉnh bạn và vùng phụ cận..., để TP Thanh Hóa trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.
Nguồn: Baothanhhoa.vn 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995