Du lịch Thanh Hóa trên “đường băng” phát triển: Khi mục tiêu - kỳ vọng còn ở... phía tương lai

Đăng lúc: 10:17:14 17/05/2021 (GMT+7)

Ngành du lịch Thanh Hóa đang “gánh trên vai” nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức ý nghĩa, là trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, giữa khát vọng và khả năng, giữa mục tiêu và thực tế, vẫn còn một khoảng cách...

 
“Đổi màu” bức tranh du lịch
Để bắt đầu cho câu chuyện phát triển ngành du lịch Thanh Hóa, mà trọng tâm là cuộc bứt tốc tương đối ngoạn mục trong giai đoạn 2016-2020; có lẽ cần lùi lại quá khứ một quãng ngắn. Chừng dăm, bảy năm trước, nhắc đến du lịch Thanh Hóa thì những từ khóa nổi bật nhất có lẽ là “nhỏ lẻ”, “manh mún”, “nghèo nàn”, “kém hấp dẫn”, “bình dân”, “chặt chém”, “thiếu chuyên nghiệp”, “thiếu nguồn lực”... Đó là giai đoạn các thế mạnh tài nguyên du lịch (cả tự nhiên lẫn nhân văn) chưa được khai thác hiệu quả. Đồng thời, du lịch chưa có được sự định hướng, cơ chế, chính sách và đặc biệt là nguồn lực đầu tư thỏa đáng để kích cầu phát triển. Một dấu mốc đáng nhớ trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây của du lịch Thanh Hóa, có lẽ phải kể Năm Du lịch quốc gia – Thanh Hóa 2015 được đăng cai tổ chức thành công. Qua đó, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch đều vượt ngưỡng, với trên 5,5 triệu lượt khách và tổng doanh thu 5.200 tỷ đồng.
Những con số ấy đã góp phần xác lập tiếng nói cho du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đồng thời, nó đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa yêu cầu về việc đánh giá lại vai trò, vị thế của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trước hết là làm thay đổi căn bản nhận thức: Từ chỗ coi du lịch như hoạt động nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có thế mạnh trong chiến lược phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp nhằm tạo ra chìa khóa mở cánh cửa mới cho tăng trưởng ngành du lịch.
Để mở hướng cho thời kỳ phát triển mới của du lịch Thanh Hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27-5-2016 về “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”. Đây được xem là bước đột phá trong tư duy và tầm nhìn; cũng đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để nhiều đề án, giải pháp phát triển được thiết lập. Điển hình là Quyết định số 1984/QĐ-UBND ngày 9-6-2017 về phê duyệt Đề án Truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 1985/QĐ-UBND ngày 9-6-2017 về phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1986/QĐ-UBND ngày 9-6-2017 về phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Với những tiền đề quan trọng trên, du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn 2016-2020 đã có sự bứt phá ngoạn mục nếu so sánh với giai đoạn trước đó. Cụ thể, về chỉ tiêu khách, toàn tỉnh ước đón được 42,383 triệu lượt khách, gấp 2 lần so với tổng lượt khách giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,2%/năm. Trong đó, khách quốc tế ước đón được 1,274 triệu lượt, gấp 3,1 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25,8%. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 59.929 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,7%/năm. Trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 268,4 triệu USD, gấp 5,5 lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,1%. Ngoài ra, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú du lịch/41.500 phòng và 40.600 lao động du lịch trực tiếp.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, song kết quả đạt được từ Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 đã tạo bước chuyển tích cực cho ngành du lịch. Từ đó, hình ảnh và vị thế của du lịch Thanh Hóa đã được khẳng định và nâng cao. Một ví dụ điển hình cho điều đó là năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh) và xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận và Quảng Nam).
Còn nhiều khó khăn
Không thể phủ nhận, những con số tăng trưởng du lịch kể trên, đã góp phần “đổi màu” bức tranh du lịch vốn chủ đạo là gam xám trước đây, sang nhiều sắc màu tươi mới hơn. Tuy nhiên, phía sau những con số đã được tính toán, cân nhắc kỹ ấy, là không ít mục tiêu - kỳ vọng vẫn còn dang dở.
Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 có 102 nhiệm vụ, nhưng vẫn còn 27 nhiệm vụ chưa được triển khai. Trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng, có khả năng tác động tích cực đến sự phát triển toàn ngành du lịch. Điển hình như điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa; xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng và triển khai Đề án Phát triển tuyến du lịch đường biển - đảo Mê; tổ chức các dịch vụ trên biển như đua thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù bay, khám phá đại dương, các khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên); xây dựng và triển khai đề án: Nghiên cứu khôi phục Lễ tế Nam Giao - Thành Nhà Hồ; lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị du lịch quốc gia, khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia...
Trong khi đó, tỷ lệ giao kinh phí cho các nhóm nhiệm vụ đều đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng kinh phí bố trí thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 là 13.957,963 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33,23% kế hoạch. Trong đó, chỉ có nhóm nhiệm vụ quy hoạch được giao kinh phí 35,411 tỷ đồng, vượt 41,64% kế hoạch. Còn lại, kinh phí thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác đều bị “đình trệ”. Điển hình là nhóm tu bổ, tôn tạo di tích được giao 419,957 tỷ đồng, đạt 20,26% kế hoạch; nhóm hạ tầng được giao 1.141,709 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 227,75 tỷ đồng), đạt 17,69% kế hoạch; nhóm đầu tư kinh doanh du lịch được giao 12.245,9 tỷ đồng, đạt 37,21% kế hoạch; nhóm phát triển sản phẩm du lịch được giao 36,876 tỷ đồng, đạt 10,43% kế hoạch; nhóm phát triển nhân lực du lịch được giao 8,463 tỷ đồng, đạt 15,11% kế hoạch; nhóm quản lý Nhà nước về du lịch được giao 1,29 tỷ đồng, đạt 21,5% kế hoạch...
Có thể nói, “độ trễ” trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và điểm nghẽn về vốn là hai trong nhiều nút thắt cần tháo gỡ, để du lịch “vượt rào phát triển”. Đồng thời, thực trạng ấy cũng đang cho thấy, khát vọng xây dựng du lịch trở thành một ngành mũi nhọn, một đột phá phát triển so với hiện thực vẫn còn một khoảng cách chưa được lấp đầy. Chính vì lẽ đó, hành trình định vị thương hiệu và khẳng định vị thế cho du lịch Thanh Hóa trên bản đồ ngành du lịch Việt Nam; thiết nghĩ, phải được đo bằng “thước đo” của sự nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt và những giải pháp có tính đột phá. Ví như “dao sắc không gọt được chuôi”, dù sự định hướng hay cơ chế, chính sách có được xây dựng hoàn hảo đến mấy, mà cách làm “chưa tới”, hay “trên quyết liệt, dưới thờ ơ”; thì cái nền để tạo đà cho du lịch cất cánh vẫn khó vững và sự chênh chao cũng là khó tránh. 
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995