Lễ hội miền rừng xứ Thanh

Đăng lúc: 15:00:18 10/03/2020 (GMT+7)

Xứ Thanh là miền đất dày đặc lễ hội dân gian. Không chỉ ở miền xuôi mà miền núi cũng có khá nhiều lễ hội đặc sắc gắn với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa tộc người.

Lễ hội miền rừng xứ ThanhLễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái xã Xuân Phúc (Như Thanh). Ảnh: Hà Hiền
Một trong những lễ hội đặc trưng của người Mường ở Thanh Hóa là lễ hội Pồn Pôông, còn được gọi là hội chơi hoa, chơi bông. Lễ hội xuất phát từ một câu chuyện dân gian về ông Mo, bà Máy, là những người hái thuốc chữa bệnh dưới sự chứng kiến của thần linh (ma nổ), còn những người được chữa khỏi bệnh gọi là “con mày”, “con nuôi”. Để trả ơn, đến ngày lễ hội, các con mày, con nuôi dựng cây bông hoa để dâng thần linh. Cây bông thường được làm bằng cây chạng bạng thân gỗ đốn về từ núi cao hoặc thân cây luồng to, dùng cành tre, miếng gỗ, kết hợp với những sợi vải sặc sỡ hoặc phẩm màu, tạo thành nhiều chùm hoa và những lễ vật tượng trưng như bánh trái, các con vật. Những mâm lễ vật dâng cúng được đặt quanh cây bông. Sau khi cúng tế, mọi người tung khăn múa hát quanh cây bông theo nhịp cồng chiêng rộn ràng. Cây bông đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa thần linh với người trần, để con người trả ơn thần linh và thần linh ban phước lành cho con người. Ngày nay, điệu múa pồn pôông được biểu diễn ở nhiều lễ hội của người Mường xứ Thanh.
Tại huyện Ngọc Lặc còn có một lễ hội khá nổi tiếng là lễ hội Bàn Bù, được tổ chức vào ngày 19 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Bàn Bù, thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê. Nơi đây có phong cảnh đẹp, có chùa, đền thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Lê Lợi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn. Hang Bàn Bù từng là nơi ẩn náu của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh. Trong lễ hội có tục rước nước và các nghi lễ truyền thống bày tỏ lòng thành kính các vị Thần, Phật và những người có công với nước. Sau đó, mọi người hòa mình trong điệu múa pồn pôông, hát xường và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian.
Dân tộc Mường ở Thanh Hóa còn có một lễ hội khá đặc sắc nữa là lễ hội Mường Khô, diễn ra vào ngày 10 tháng giêng ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước, nhằm tri ân công đức của Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây của tỉnh Thanh cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đây cũng chính là quê hương của vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương Hà Văn Mao. Vào ngày chính hội, đồng bào mặc trang phục truyền thống, tổ chức rước kiệu và dâng các đồ tế lễ để tưởng nhớ công đức những người có công với đất nước. Sau đó, bà con chơi tung còn, đánh cồng chiêng, đánh đu, chọi gà..., thưởng thức những món ẩm thực đặc sản của quê hương như rượu cần, cơm lam, canh đắng...
Tại vùng đất Trịnh Vạn xưa, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, có một lễ hội tâm linh độc đáo, đó là lễ hội Nàng Han. Đây cũng là quê hương của vị sĩ phu yêu nước thời Cần Vương - Cầm Bá Thước. Liên quan đến lễ hội Nàng Han, chuyện kể rằng: Xưa kia gia đình nọ có 2 cô con gái rất xinh đẹp, cô chị là Nàng Han, thông minh và võ nghệ hơn người. Khi đất nước có giặc, vua ban lệnh chiêu dụ người tài, Nàng Han giả trai ra giúp nước. Nàng được vua cho thống lĩnh một đội quân chiến đấu ngay tại quê nhà. Sau khi đánh tan quân giặc, Nàng Han một mình phi ngựa vào núi, rồi cả người và ngựa bay lên trời. Từ đó hàng năm cứ đúng ngày mùng 5 tháng giêng, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức độc đáo. Trong lễ hội không thể thiếu màn nhảy sạp tưng bừng, gợi nhớ cảnh múa hát mừng chiến thắng của quân sĩ xưa kia.
Người Mường ở huyện Cẩm Thủy có lễ hội rước cá thần hay còn gọi là lễ Khai Hạ, diễn ra trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng, tại Khu thắng tích Suối cá thần làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương. Mở đầu lễ hội, nhân dân địa phương sẽ tổ chức lễ rước thần cá từ đền thờ bên bờ suối Ngọc về làng báo công với thành hoàng, sau đó lại rước về đền thờ làm lễ cúng tế. Đến phần hội, mọi người tham gia các trò chơi dân gian như đánh cồng, múa pồn pôông, tung còn, bắn nỏ, chơi đu, đánh khẳng, đi cà kheo, chọi gà, dệt thổ cẩm... Lễ hội thu hút một lượng lớn khách du lịch về khám phá huyền thoại kỳ bí về suối cá thần và trải nghiệm những hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Ngoài ra huyện cẩm Thủy còn có một số lễ hội khác liên quan đến tín ngưỡng thờ Phật, Thánh. Xã Cẩm Sơn có lễ hội Chùa Chặng, diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng âm lịch. Chùa Chặng tên chữ là Ngọc Châu Tự, nằm dưới chân núi bên bờ sông Mã, nơi được gọi là Cửa Hà - danh thắng nổi tiếng của Cẩm Thủy. Tại thôn Vàn, xã Cẩm Thạch có lễ hội Chùa Rồng, được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng. Chùa Rồng (Long Sơn Tự) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1992, đây từng là nơi đồn trú, luyện binh, tích trữ lương thảo của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược.
Cũng liên quan đến những sự tích về khởi nghĩa Lam Sơn, tại xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh có lễ hội Chùa Mèo, được tổ chức vào mùng 6 tháng giêng. Chùa Mèo hay còn gọi là Miêu Tự được xây dựng từ thế kỷ XIII (thời nhà Trần) mang tên là chùa Chu, là một trong 3 ngôi chùa lớn nhất xứ Thanh lúc bấy giờ. Tương truyền có lần Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn vào chùa thắp hương khấn Phật, đêm đến có thần Miêu hiện lên chỉ đường tránh được giặc truy đuổi. Sau khi thắng lợi, Lê Lợi cho đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Ngày nay trong chùa vẫn còn lưu giữ một bảo vật, đó là viên đá nhỏ tượng hình một chú mèo, có khả năng phát sáng vào ban đêm. Ngoài lễ hội Chùa Mèo, trên địa bàn huyện Lang Chánh còn có 2 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức thường xuyên, định kỳ, gồm: Lễ hội truyền thống xã Giao Thiện và lễ hội Chá Mùn. Lễ hội Chá Mùn được xem là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái ở Lang Chánh, với các lễ cầu mùa, cầu phúc và những trò chơi dân gian vui nhộn.
Đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thành có lễ hội Mường Đòn. Nơi đây có quần thể di tích đình – đền được xây dựng từ thời hậu Lê, thờ danh tướng Vũ Duy Dương, tức Bạch Mã Linh Lang và bà Vũ Thị Cao, tức Công chúa Thổ Nương, em gái ông đã có công khai ấp, lập Mường. Trải qua thời gian, quần thể kiến trúc đình - đền này vẫn được bảo tồn khá tốt. Nhân dân địa phương hiện vẫn còn giữ được nghi lễ chầu thánh, hát tuồng cổ và các trò chơi dân gian của người Mường, như đánh mảng, đánh cù, đẩy gậy... Vào chính hội 18 tháng giêng, dân làng thi làm cỗ tế thần, sau đó là các màn hát tuồng với nhiều tích trò được trình diễn thâu đêm, cùng các trò vui như ném còn, kéo co, đánh mảng, hát séc bùa, đánh cồng chiêng...
Ở huyện Quan Hóa thuộc vùng biên giới xứ Thanh có lễ hội Mường Ca Da được khôi phục lại từ năm 2008. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban, người đã khai phá vùng đất Mường Ca Da. Ở vùng biên giới huyện Quan Sơn lại có lễ hội Mường Xia, được phục dựng từ năm 2010, sau hơn 50 năm bị quên lãng. Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm hai xã Sơn Thủy và Na Mèo là một trong những Mường lớn của tộc người Thái ở miền Tây Thanh Hóa. Lễ hội gắn với sự tích chuyện tình bi ai giữa nàng Lá Nọi - con gái của Tạo Mường Mìn và người con trai Chu Sàn. Cũng chính nơi đây vào thế kỷ XVII, Tướng quân Tư Mã Hai Đào đã xây dựng thủ phủ, trấn giữ vùng biên ải, diệt trừ quân xâm lược, xây dựng Mường Xia trở nên tươi đẹp, trù phú. Sau khi mất, tướng quân Tư Mã Hai Đào được nhân dân tôn thành thần Tư Mã Pha Dùa, người giữ vía cho bản mường. Lễ hội Mường Ca Da và lễ hội Mường Xia thu hút đồng bào các dân tộc hai bên biên giới Việt Lào cùng tham gia, giao lưu văn hóa.
Người Thái thuộc xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội xuất phát từ việc tôn thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm. Như Thanh còn được biết đến với lễ hội Phủ Na, một lễ hội thu hút khá nhiều du khách trong những chuyến du xuân đầu năm “lên rừng xuống biển”. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa thuộc xã Xuân Du, với quần thể đền thờ Bà Triệu, Triệu Quốc Đạt, Mẫu Thượng Ngàn.... Lễ hội Phủ Na đón khách ngay từ đêm giao thừa cho đến tận tháng 2 âm lịch.
So với người Mường, người Thái thì người dân tộc Thổ ở Thanh Hóa chiếm tỷ lệ dân số thấp. Tuy nhiên, đồng bào Thổ vẫn giữ những phong tục tập quán và lễ hội riêng. Hàng năm, cứ vào ngày 14 đến 16 tháng 3 (âm lịch), người Thổ ở làng Trung Thành, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân lại tổ chức lễ hội Đình Thi để tri ân, tưởng nhớ công lao của tướng quân Lê Phúc Thành, người lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chiêu mộ dân binh về đây khai khẩn đất đai, dựng làng, lập ấp. Một số tài liệu cho biết, Đình Thi là một ngôi đền thờ Dương Cảnh Bạch Y thượng đẳng tối linh thần, theo truyền thuyết là một vị thần nhà trời, nhưng thờ chính là tướng quân Lê Phúc Thành. Trước kia, đền bị xuống cấp, lễ hội cũng mai một theo; từ năm 1990 trở về đây, cùng với việc phục dựng lại đền, lễ hội cũng được khôi phục. Lễ hội Đình Thi được tổ chức 5 năm một lần, gọi là đại lễ, hàng năm tổ chức dâng hương tưởng nhớ đức Danh tướng gọi là tiểu lễ. Chính lễ là ngày giỗ của Danh tướng Lê Phúc Thành vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm. Cùng với lễ hội Đình Thi, huyện Như Xuân còn có lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian, diễn ra vào ngày 23 đến 25 tháng Giêng. Đền Chín Gian là công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Như Xuân với kiến trúc 9 gian độc đáo.
Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi rừng xứ Thanh từ xa xưa xuất hiện khá nhiều với những lễ tục phong phú. Vì nhiều lý do khác nhau, một số lễ hội bị gián đoạn một thời gian dài, gần đây thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngành văn hóa và chính quyền địa phương đã nỗ lực khôi phục lại. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, bởi không gian lễ hội góp một phần quan trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của các tộc người thiểu số vùng cao, tăng tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, tạo thêm niềm phấn khởi cho nhân dân trong những ngày đầu xuân năm mới.
                                      Nguồn: Baothanhhoa.vn 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995