Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 Tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 15:57:05 08/01/2018 (GMT+7)

Thanh Hóa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có dấu hiệu khởi sắc nhờ sự phục hồi từ các nền kinh tế lớn, nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường về thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách quốc tế.

 

Ở trong nước, bên cạnh những kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp vẫn đang là những thách thức trong phát triển kinh tế. Ngoài những khó khăn chung, tỉnh ta còn gặp phải khó khăn trong sản xuất do biến đổi khí hậu, bão, lũ lụt… xảy ra trên diện rộng; đặc biệt, bão số 10 xảy ra trong tháng 9 và áp thấp nhiệt đới trong tháng 10 đã gây thiệt hại với mức độ nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án lớn trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời, hiệu quả thiệt hại do thiên tai gây ra để nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển. Kết quả các ngành, lĩnh vực như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2017 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 8,26% so với năm 2016; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,81%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,98%; các ngành dịch vụ tăng 8,10%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,57%. Trong 8,26% tăng trưởng của năm 2017, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,34 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 4,31 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 3,33 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Số liệu trên cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 11,98%, đã đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung; trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 11,38% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,30%); ngành xây dựng tăng 12,97% so với năm 2016. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,81%; trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 0,83%; lâm nghiệp tăng 5,08%; thủy sản tăng 5,96% so với năm 2016.
Khu vực dịch vụ tăng 8,10%; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,10%; bán buôn, bán lẻ tăng 10,66%; vận tải, kho bãi tăng 10,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,81%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,03% so với năm 2016.

Về cơ cấu kinh tế năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 17,68%, giảm 2,43%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 36,68%, tăng 1,33%; khu vực dịch vụ chiếm 41,37%, tăng 1,16%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,27%, giảm 0,07% so với năm 2016.

Tổng sản phẩm theo giá hiện hành bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 34 triệu đồng; tương đương khoảng 1.540 USD.  

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a- Trồng trọt

Vụ đông xuân 2016 - 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Riêng đối với cây lúa, từ đầu vụ gieo trồng đến khi thu hoạch thời tiết thuận lợi, giai đoạn lúa mới cấy nền nhiệt độ ấm hơn nhiều năm nên nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt; giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông có nhiều đợt mưa rào trên diện rộng nên phát triển tốt; bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều giống mới năng suất cao vào gieo trồng, kết hợp với việc chăm sóc của bà con nông dân nên phát triển khá đồng đều; đặc biệt ít xảy ra sâu bệnh trên diện rộng. Vụ thu mùa, đầu vụ gieo trồng thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2, tại nhiều địa phương trong tỉnh, lúa bị ngập úng; ngô, mía bị đổ gãy; rau màu bị hư hại; đồng thời, do mưa nhiều nên phát sinh nhiều sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 10 từ ngày 14-16/9 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 09-12/10 đã gây thiệt hại và hậu quả nặng nề đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 429,4 nghìn ha, đạt 98% kế hoạch, giảm 1,3% so với cùng kỳ; trong đó, vụ đông 50,4 nghìn ha, vượt 0,7% và tăng 2,6%; vụ chiêm xuân 212,2 nghìn ha, đạt 97,8% và giảm 1,9%; vụ thu mùa 166,8 nghìn ha, đạt 97,6% kế hoạch, giảm 1,7% so với cùng kỳ. 

Năng suất một số cây trồng chính cả năm như sau: Lúa 58,4 tạ/ha, vượt 1,4% kế hoạch, giảm 0,8% so với cùng kỳ (giảm 0,5 tạ/ha); trong đó, vụ chiêm xuân 65,0 tạ/ha, vượt 3,2% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ, vụ thu mùa 52,1 tạ/ha, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 3,0% so với cùng kỳ; ngô 44,6 tạ/ha, đạt kế hoạch, tăng 2,1%; lạc 21,0 tạ/ha, vượt 7,1%, tăng 0,5%; đậu tương 15,5 tạ/ha, đạt 96,9%, giảm 0,6%; mía 585,5 tạ/ha, đạt 88,6% kế hoạch, giảm 0,1% so với cùng kỳ… Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm dự kiến 1.687,9 nghìn tấn, vượt 3,5% so kế hoạch và giảm 2,3% so cùng kỳ.

b- Chăn nuôi

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên; năm 2017, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm; nên nhìn chung, đàn gia súc, gia cầm ổn định và phát triển. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, gây thất thiệt nặng cho các đối tượng nuôi; nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ mới đầu tư chăn nuôi quy mô lớn (trang trại, gia trại) không đủ vốn để duy trì, phải bỏ trống chuồng và không tiếp tục chăn nuôi, nên đàn lợn giảm so với cùng kỳ.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, tổng đàn trâu 200,7 nghìn con, giảm 0,5% so với cùng kỳ; đàn bò 253,8 nghìn con, tăng 6,2%; đàn lợn 785,1 nghìn con, giảm 16,9%; gia cầm 18,8 triệu con, tăng 1,2%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 170 nghìn tấn, giảm 1,1% so cùng kỳ; trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng 135,8 nghìn tấn, giảm 2,7%; thịt gia cầm giết bán 43,5 nghìn tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

2.2. Lâm nghiệp

Năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, sự cố gắng của các chủ dự án, hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng khá so cùng kỳ. Diện tích trồng rừng tập trung 10.480 ha, vượt 4,8% kế hoạch, giảm 0,2% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán 2,0 triệu cây, giảm 7,4%; diện tích rừng được chăm sóc 42,6 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 3,7%... Khai thác lâm sản: Gỗ 530,4 nghìn m3, vượt 0,1% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ; tre luồng 49,4 triệu cây, vượt 0,7% và tăng 3,9%; nguyên liệu giấy 73,6 nghìn tấn, vượt 2,2% và tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hanh kéo dài làm khô nỏ vật liệu cháy, nên năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy rừng, với diện tích cháy 1,6 ha rừng trồng.     

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên. Năm 2017 không xảy ra các vụ chặt phá rừng với quy mô lớn; tuy nhiên, do địa bàn rộng; một số khu vực giáp ranh với các tỉnh và nước bạn Lào địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế nghèo nàn; nên vẫn xảy ra các vụ chặt phá rừng nhỏ lẻ. 

2.3. Thủy sản

Năm 2017, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản; mặt khác, ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới, thay mới và cải hoán nhiều tàu thuyền có công suất lớn, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, nên sản lượng thủy sản khai thác tăng khá so với cùng kỳ; tuy nhiên, đợt mưa lũ từ ngày 09-12/10 do anh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nên sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm so với cùng kỳ. Song, nhìn chung kết quả sản xuất thuỷ sản năm 2017 tăng so với cùng kỳ. Tổng sản lượng 159,1 nghìn tấn, vượt 0,9% kế hoạch, tăng 5,2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 109 nghìn tấn, vượt 2,5% và tăng 8,8%; riêng khai thác xa bờ 48,7 nghìn tấn, tăng 8,2%; sản lượng nuôi trồng 50,1 nghìn tấn, đạt 97,5% kế hoạch và giảm 1,9% so cùng kỳ.  

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; từ đầu năm đến nay, đã ký hợp đồng tín dụng với 10 chủ tàu; lũy kế đến nay đã ký hợp đồng tín dụng với 56 chủ tàu, giải ngân 586 tỷ đồng, hạ thủy 47 tàu (gồm 23 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ gỗ) và đang đóng mới 9 tàu vỏ gỗ. 

Theo kết quả tổng hợp nhanh điều tra thuỷ sản thời điểm 01/11/2017, toàn tỉnh có 7.027 tàu thuyền có động cơ khai thác hải sản, với tổng công suất 494,5 nghìn CV; so với cùng kỳ giảm 2,9% về số tàu (giảm 213 tàu), tăng 13,3% về công suất; trong đó, tàu xa bờ (từ 90 CV trở lên) có 1.545 tàu, với tổng công suất 357 nghìn CV; so với cùng kỳ tăng 9,8% về số tàu (tăng 138 tàu), tăng 17% về công suất; tàu dịch vụ hậu cần có 131 tàu, với tổng công suất 55,6 nghìn CV; so với cùng kỳ giảm 26,8% về số tàu (giảm 48 tàu), giảm 21,5% về công suất.

3. Sản xuất công nghiệp

Năm 2017, sản xuất công nghiệp tương đối ổn định; năng lực sản xuất của ngành công nghiệp có thêm một số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất kinh doanh cuối năm 2016 và trong năm 2017, nên sản xuất công nghiệp chung toàn tỉnh tăng so với năm 2016. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính năm 2017 tăng 9,32% so với năm 2016; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,89%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,63%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,20%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,68% so cùng kỳ. Trong toàn ngành công nghiệp, các ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,88%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 12,38%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,31%; sản xuất trang phục tăng 9,77%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 9,59%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,56%; sản xuất xe có động cơ tăng 6,53%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,20%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 5,17%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,08%;... Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: In và sao chép bản ghi các loại giảm 34,51%; sản xuất kim loại giảm 11,00%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,11%; sản xuất đồ uống giảm 3,05%;...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2017 dự kiến tăng 20,12% so với năm 2016; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng tương đối cao là: Sản xuất kim loại tăng 42,74%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 33,42%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 25,04%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 19,07%; sản xuất trang phục tăng 13,92%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,35%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ năm 2017 giảm so với năm 2016 gồm: In và sao chép bản ghi các loại giảm 19,75%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,21%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 4,15%; sản xuất đồ uống giảm 2,46%. 

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2017 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,96% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung là: Sản xuất trang phục gấp 4,67 lần; sản xuất đồ uống gấp 2,30 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 78,88%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 46,62%; sản xuất xe có động cơ tăng 41,01%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,82%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là: Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 9,16%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,99%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 70,64%;...

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2017 tăng 12,11% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 3,30%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 34,60%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,86%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 10,53% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,96%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,06%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,40%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, ước tính đến hết năm 2017 thành lập mới 3.026 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 16.984 tỷ đồng, so với cùng kỳ gấp 2,06 lần về số doanh nghiệp (tăng 1.560 doanh nghiệp) và tăng 86,3% về vốn đăng ký. Trong năm, có 558 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn; 111 doanh nghiệp giải thể và 420 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động.

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2017 của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 46,0% doanh nghiệp đánh giá kết quả SXKD tốt lên; 34,2% doanh nghiệp giữ ổn định và 19,8% khó khăn hơn so với quý III/2017, chỉ số cân bằng dương 26,2%. Bên cạnh đó, quý I/2018 được dự báo khả quan hơn so với quý IV/2017 khi có tới 57,9% doanh nghiệp lạc quan cho rằng tình hình SXKD tốt lên; 16,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ số cân bằng dương cao hơn nhiều so với quý trước (+41,2%); trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ dự báo về sản xuất kinh doanh tốt nhất, tiếp đến là khu vực ngoài nhà nước và sau cùng là khu vực doanh nghiệp nhà nước.

5. Hoạt động dịch vụ

5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ

Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 82.994 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ (chưa loại trừ yếu tố giá). Trong đó, kinh tế Nhà nước 1.602 tỷ đồng, giảm 26,9%; kinh tế tập thể 55 tỷ đồng, tăng 6,6%; kinh tế cá thể 48.193 tỷ đồng, tăng 16,2%; kinh tế tư nhân 32.866 tỷ đồng, tăng 17,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 278,8 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 15,0%; khách sạn nhà hàng tăng 16,9%; du lịch lữ hành tăng 19,4%; dịch vụ tăng 17,6% so với cùng kỳ.  

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thời điểm cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 15047/UBND-KTTC ngày 08/12/2017 về việc tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát. Tỉnh giao các sở, ban, ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát, đánh giá nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn những tháng cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, chủ động xây dựng phương án bảo đảm cân đối cung cầu, tập trung vào những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng trực tiếp nhu cầu người dân; đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ, gây tăng giá cục bộ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. 

5.2. Hoạt động khách sạn - du lịch lữ hành

Năm 2017, hoạt động du lịch diễn ra sôi động; hạ tầng các khu, điểm du lịch, đặc biệt là khu du lịch biển FLC Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa tiếp tục được quan tâm đầu tư, giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao. Ước tính năm 2017 doanh thu lưu trú đạt 1.869,6 tỷ đồng, tăng 15,0%, số lượt khách khách sạn phục vụ đạt 5.669,8 nghìn lượt khách, tăng 13,1% so với cùng kỳ, ngày khách phục vụ đạt 9.420 nghìn ngày khách, tăng 13,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 104 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ, lượt khách du lịch theo tour đạt 51.840 lượt khách, tăng 16,4% so với cùng kỳ, ngày khách du lịch theo tour đạt 162.157 ngày khách, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Dự ước năm 2017, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 8.828 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hàng hoá đạt 52,1 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.699,1 triệu tấn.km, tăng 9,2% về hàng hoá vận chuyển, tăng 2,4% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hành khách 39,6 triệu người, luân chuyển hành khách 2.344,8 triệu người.km, tăng 8,9% về hành khách vận chuyển, tăng 11,4% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ. Sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 9.051,1 nghìn tấn, tăng 41,6% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 8.745,7 nghìn tấn, tăng 45,9%; cảng Lễ Môn 305,4 nghìn tấn, giảm 23,3% so cùng kỳ. 

Cảng hàng không Thọ Xuân từng bước ổn định về lượng hành khách đi và đến, đáp ứng yêu cầu khai thác thực tế của tỉnh Thanh Hóa. Tính đến ngày 31/10/2017, Cảng đã đón được 725,9 nghìn lượt hành khách đi và đến, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

5.4. Bưu chính viễn thông

Năm 2017, phát triển mới 354,1 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao dự kiến đến hết năm 2017 lên 2.889,3 nghìn thuê bao, tăng 1,7% so với cùng kỳ; thuê bao internet đạt 960,2 nghìn thuê bao, tăng 20,7% so với cùng kỳ. 

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Đầu tư và xây dựng

Kế hoạch đầu tư công năm 2017 được UBND tỉnh giao kế hoạch chi tiết sớm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm; bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp như: Dự án đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; Dự án đường ven biển (đoạn nối đường 513 với đường ven biển thuộc địa phận tỉnh Nghệ An), Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa một số huyện; Dự án nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn từ km 0 - km 31+260; Dự án Đại lộ Nam Sông Mã; Dự án nạo vét Sông Lạch Trường… Mặt khác, năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ. Vì vậy, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2017 đối với nguồn vốn Nhà nước thuộc Trung ương và địa phương quản lý và vốn của khu vực ngoài Nhà nước tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 giảm mạnh so với cùng kỳ, do Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng, chuẩn bị chạy thử. Dự ước năm 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 105.175,6 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 12,1% so với cùng kỳ, trong đó các đơn vị địa phương quản lý 12.943,4 tỷ đồng, tăng 6,6%; các đơn vị trung ương quản lý 16.550,3 tỷ đồng, tăng 8,6%; vốn ngoài Nhà nước 52.245,3 tỷ đồng, tăng 20,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 23.426,6 tỷ đồng, giảm 52,0% so với năm 2016.   

Các dự án lớn khởi công trong năm 2017 gồm: Dự án đường giao thông ven biển nối thành phố Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, dự kiến thời gian thi công trong 4 năm.

Các dự án lớn hoàn thành trong năm 2017 gồm: Khai trương Trung tâm thể dục thể thao công nghệ cao Thanh Hóa Sun Sport Complex tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Tổ hợp công trình thể dục - thể thao - giải trí có tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 4,2 ha với các khu vực riêng biệt phục vụ nhiều loại hình thể dục, thể thao như: tennis, bóng đá, bơi lội, gym…; dự án đường giao thông từ cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; có chiều dài gần 66 km, thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, được thực hiện theo hình thức xây dựng, chuyển giao (BT) có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4.335 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Tối ngày 18/5/2017, tại Trung tâm hội nghị FLC Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Hội nghị  diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (dự án FDI) đăng ký mới, với số vốn đăng ký là 3.059,4 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 80 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.981 triệu USD, trong đó có 55 dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, 25 dự án đang triển khai thưc hiện.

2. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.144 tỷ đồng, tăng 1,0% so cùng kỳ. Các khoản thu tăng so cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp Nhà nước trung ương tăng 6,3%; thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 18,8%; thu phí và lệ phí tăng 35,8%; thuế bảo vệ môi trường tăng 15,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Một số khoản thu giảm như: thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 13,4%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 57,7%; thuế thu nhập cá nhân giảm 18,2% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương năm 2017 ước đạt 26.452,3 tỷ đồng, giảm 20,2% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển giảm 49,6%; chi khác giảm 62,5% so với cùng kỳ; riêng chi thường xuyên tăng 10,9% so với cùng kỳ.

3. Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai các cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động liên quan các ngân hàng trên địa bàn Thanh Hóa theo chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ước tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 72.560 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2016; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 91.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016.

4. Giá tiêu dùng

4.1. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2017 tăng 0,21% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa, có bốn nhóm hàng hóa giá cả tăng là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39% (lương thực tăng 4,77%, thực phẩm giảm 0,48%); nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,21%; nhóm nhà ở điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,17%; nhóm giao thông tăng 0,57%.Năm nhóm hàng hóa giá cả ổn định không tăng là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Hai nhóm hàng hóa giá cả giảm là: nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2017 tăng 3,70%  so với tháng cùng kỳ; tăng 2,31% so với tháng 12 năm 2016.

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng các tháng có sự biến động như sau: có Tám tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng trước từ 0,02% đến 1,70% là tháng 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10, 11. Ba tháng có chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước từ 0,40% đến 0,97% là tháng 4, 5, 6. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2017 tăng 2,87% so với bình quân cùng kỳ. Đây là một trong những năm có chỉ số giá tiêu dùng bình quân Mười Một tháng đạt mức tăng thấp trong nhiều năm qua (năm 2011 tăng 16,49%; năm 2012 tăng 8,54%; năm 2013 tăng 10,68%; năm 2014 tăng 3,89%; năm 2015 tăng 0,41%; năm 2016 tăng 2,05%).

4.2. Chỉ số vàng và đô la Mỹ 

Chỉ số giá vàng tháng 11/2017 giảm 0,11% so với tháng trước, tăng 2,17% so với cùng kỳ và tăng 6,27% so với tháng 12/2016. Chỉ số giá giá vàng bình quân 11 tháng đầu năm 2017 tăng 3,11% so với bình quân cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,63% so với cùng kỳ và tăng 0,04% so với tháng 12/2016. Chỉ số giá giá Đô la Mỹ bình quân 11 tháng đầu năm 2017 tăng 1,71% so với bình quân cùng kỳ.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động, việc làm

Dân số trung bình năm 2017 ước đạt 3.540,5 nghìn người, tăng 12,2 nghìn người so với năm 2016, tốc độ tăng dân số 0,35%. Năm 2017, sắp xếp được khoảng 65,5 nghìn lao động có việc làm mới, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,52% so với năm 2016; trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 10 nghìn người, đạt 100% kế hoạch, giảm 0,18% so với năm 2016.

2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời; nhất là các chính sách ưu đãi, trợ giúp các xã đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số cơ sở hạ tầng, kỹ thuật mới đưa vào khai thác, sử dụng; nên đời sống dân cư cơ bản ổn định. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, mưa nhiều gây lũ ống, lũ quét xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, làm thiệt hại về nhà cửa và hoa màu, nên một bộ phận dân cư, nhất là khu vực miền núi và nông thôn vẫn còn khó khăn. Tính chung 12 tháng năm 2017, tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,086%, tăng 0,07% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 (theo chuẩn mới nghèo đa chiều) ước còn 8,40%, giảm 2,57% so với năm 2016 (tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 10,97%).

Năm 2017, các cấp các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội có hiệu quả như: Thực hiện tốt việc trợ cấp thường xuyên cho trên 196 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền là 18,9 tỷ đồng; chúc thọ, mừng thọ, tặng quà cho 54.179 người cao tuổi,với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; chăm sóc, nuôi dưỡng 949 đối tượng tại 6 cơ sở trợ giúp xã hội. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được tỉnh chỉ đạo và các cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt đối với các đối tượng chính sách xã hội, người có công và người nghèo, cụ thể như: Trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 80 nghìn người có công, thực hiện đầy đủ các chính sách về chăm sóc sức khỏe, ưu đãi giáo dục. Thực hiện chính sách ưu đãi cho 3.319 thân nhân liệt sĩ, tuất thương, bệnh binh, chế độ mai táng phí, nuôi dưỡng, chăm sóc; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà với số tiền là 6.867 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn thăm và tặng quà tết cho 103 nghìn người có công là đối tượng chính sách, người có công và thân nhân người có công, tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng (trong đó, quà của Chủ tịch nước là hơn 21 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên 12 tỷ đồng). Thực hiện tốt các hoạt động tri ân, biểu dương, vinh danh và chăm sóc đối với người có công nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

3. Giáo dục, đào tạo

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cơ bản ổn định; chất lượng giáo dục, đào tạo được quan tâm, đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2016 - 2017, học sinh Thanh Hóa  đạt 52 giải gồm: 2 giải Nhất, 12 giải Nhì, 20 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay Quốc gia năm 2017, học sinh Thanh Hóa đạt 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Tham gia các kỳ thi Olimpic quốc tế và khu vực năm 2017, tỉnh Thanh Hóa có 3 học sinh dự thi, kết quả cả 3 học sinh đều đạt giải, gồm 1 huy chương Vàng môn Toán học; 1 Huy chương Bạc môn Sinh học và 1 giải Khuyến khích môn Vật lý. 

Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 28.347 học sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ  97,82% (tăng 0,48% so cùng kỳ). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, Thanh Hóa đạt 97,43% (tăng 0,54% so cùng kỳ). Trong kỳ thi này, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh đạt điểm xét tuyển đại học 30/30 (3 thí sinh trong tổng số 11 thí sinh cả nước); đứng thứ 4 cả nước về số lượng thí sinh đạt điểm 10, với 199 điểm 10 tuyệt đối; có 39 thí sinh đạt từ 29 - 30 điểm xét tuyển đại học. 

Dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 1.270/2.117 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 59,92%, tăng 4,51% so với cùng kỳ (tăng 99 trường), trong đó: Mầm non 367 trường, tăng 11,2% so với cùng kỳ (tăng 37 trường); Tiểu học 553 trường, tăng 2% so với cùng kỳ (tăng 11 trường); THCS 326 trường, tăng 17,3% so cùng kỳ (tăng 48 trường) và THPT 24 trường, tăng 14,3% so cùng kỳ (tăng 3 trường). 

Các trường học trong tỉnh khai giảng năm học mới 2017 - 2018 an toàn, kiết kiệm, đúng theo kế hoạch và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường. Đến nay, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, Đại học Hồng Đức xét tuyển nguyện vọng 1 được 1.205 thí sinh, đạt 68,3% so với chỉ tiêu, tăng 33,3% so với năm trước; Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét tuyển được 116 thí sinh, giảm 152 thí sinh so với năm trước; Cao đẳng Y tế Thanh Hoá xét tuyển được 333 thí sinh, giảm 314 thí sinh so với năm trước. 

4. Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Năm 2017, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới được chuyển giao cho bệnh viện các tuyến; công tác y tế dự phòng được tằng cường, vật tư, hóa chất được cung cấp đầy đủ cho các đơn vị để chủ động phòng, chống, khoanh vùng và có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời nên dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh một số bệnh thông thường. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến 05/11/2017 toàn tỉnh ghi nhận 3.136 ca sốt xuất huyết tại 577 xã thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 313 ca nguyên phát tại 120 xã thuộc 21 huyện), không có trường hợp nào tử vong; 11 ca bệnh do liên cầu lợn ở người trong đó 01 ca tử vong; 9 ca sởi; 705 ca mắc tay chân miệng; 5 ca tử vong do bệnh dại; 7 ca liệt mềm cấp (LMC) nghi bại liệt; 42 ca uốn ván; 197 ca vi rút viêm gan B; 21 ca vi rút viêm gan C; 12 ca viêm não Nhật bản; 29 ca viêm não vi rút khác trong đó 2 ca tử vong.

Dự kiến năm 2017, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới giai đoạn 2011 - 2020) đạt 75,6%, đạt kế hoạch và tăng 13,23% so với năm 2016. 
Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt trong năm, điển hình như: triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt 2 năm 2017; hưởng ứng tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm 2017; hướng dẫn chỉ đạo các bệnh viện tham gia nghiên cứu toàn cầu về nhiễm khuẩn bà mẹ do WHO tài trợ; tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá năm 2017 - 2018.

5. Văn hóa thông tin

Năm 2017, ngành Văn hoá thông tin, Truyền thông tổ chức tuyên truyền các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm, lễ, tết, trọng tâm là: Nghị quyết TW4, Nghị quyết TW5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu 2017; kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động, 110 năm lễ hội du lịch Sầm Sơn, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017; kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, 72 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Thông qua các hoạt động này đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, lòng tự hào và truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển. Tính đến ngày 31/10/2017, toàn tỉnh có 49/50 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt 70% kế hoạch năm; 152 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, đạt 95% kế hoạch năm; 18/20 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 90% kế hoạch năm, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tối 13/12/2017, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, TP. Sầm Sơn đã diễn ra chương trình Khai mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (LHTHTQ 37) với sự tham gia của đông đảo người làm truyền hình toàn quốc. Sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, tối 16-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, LHTHTQ 37 đã chính thức khép lại với lễ bế mạc và trao giải. Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao 27 giải Vàng, 50 giải Bạc, 133 Bằng khen cho các tác phẩm dự thi ở 9 thể loại, gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình. Trong đó, Đài PT-TH Thanh Hóa có 3 tác phẩm đạt giải Vàng, gồm: "Sông mòn" ở thể loại Phóng sự; "Cuộc chiến đưa người chết vào quan tài" ở thể loại Chương trình Chuyên đề khoa giáo; "Bản tình ca Hàm Rồng" ở thể loại Chương trình Ca múa nhạc và 1 tác phẩm đạt giải Bạc là "Nghị quyết Du lịch bản" ở thể loại Chương trình truyền hình Tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài các tác phẩm đoạt giải ở từng thể loại, Ban tổ chức cũng trao giải cuộc thi ảnh "Những người làm truyền hình" cho các tác giả đạt giải.

6. Thể dục thể thao

Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển; năm 2017 đã tổ chức 17 giải cấp tỉnh, 165 giải cấp huyện, 1.700 giải cấp xã/phường; 100% xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT... tạo không khí vui tươi phấn khởi và góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc, sức khỏe cho nhân dân. Số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm gần 38,2% dân số, tăng 1,2% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến ngày 5/12/2017, thể thao thành tích cao Thanh Hoá tham gia thi đấu 122 giải quốc gia, quốc tế; đạt 894 huy chương các loại, gồm: 324 huy chương Vàng, 268 huy chương Bạc, 302 huy chương Đồng. Đội Bóng chuyền nữ Tiến Nông thi đấu giải vô địch quốc gia, xếp thứ 3/6 đội; thi đấu giải bóng chuyền tỉnh Đắk Lắk mở rộng, xếp thứ 1/8 đội. Kết thúc giải Giải vô địch quốc gia Toyota V.League 2017, Đội bóng đá FLC Thanh Hóa xếp thứ 2/14 đội, giành huy chương Bạc.

7. An toàn giao thông

Tháng 11, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 11 xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, giảm 10,5% so với cùng kỳ; làm chết 15 người, tăng 66% so với cùng kỳ; bị thương 31 người, tăng 41% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 511 vụ tai nạn giao thông, làm 156 người chết và 419 người bị thương (giảm 0,9% về số vụ, giảm 2,5% người chết, giảm 4,1% về số người bị thương so với cùng kỳ).

Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, quá tải, xe khách chở quá số người qui định.

Tháng 11/2017, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động đã kiểm tra, xử lý 6.036 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.562 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 248 trường hợp; số tiền phạt vi phạm nộp ngân sách 5.895,5 triệu đồng. Lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính 118 trường hợp, xử phạt 47 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 3.44,2 triệu đồng. 

8. Thiệt hại do thiên tai

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 đợt thiên tai làm chết 23 người, mất tích 3 người và bị thương 14 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3.843,9 tỷ đồng; trong đó, riêng đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 09-12/10 gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản; làm 16 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương; ước tính sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 3.335 tỷ đồng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”; thời gian qua, các địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội; các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã dành cho đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất để góp phần nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Tổng số tiền và hiện vật hỗ trợ các đợt thiên tai gồm: 123,75 tỷ đồng, 300 tấn hạt giống ngô nếp, ngô ngọt; 100 tấn hạt giống ngô có thời hạn sinh trưởng ngắn, sinh khối lớn, chịu dày; 40 tấn hạt giống rau, đậu các loại...; ngoài ra còn có thuốc men, hóa chất khử trùng, bình phun tạo áp, trang phục bảo hộ... chủ yếu được hỗ trợ cho các hộ dân có cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại.

9. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường: Trong năm 2017, Chi cục Bảo vệ Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ Môi trường đến các tổ chức, cá nhân; đồng thời tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hoạt động, hành vi của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ vi phạm môi trường (huyện Hoằng Hóa 1 vụ, huyện Hà Trung 1 vụ, TP. Thanh Hóa 1 vụ), xử phạt hành chính 88,3 triệu đồng. Tính chung 11 tháng trên địa bàn tỉnh xảy 40 vụ vi phạm môi trường, xử phạt 3.908,2 triệu đồng.

Tình hình cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ: Tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy (TP. Thanh Hóa 2 vụ; TP. Sầm Sơn 2 vụ, huyện Hoằng Hóa 1 vụ); tổng  thiệt hại khoảng 20,5triệu đồng. Tính chung 11 tháng trên địa bàn tỉnh 76 vụ cháy, 2 vụ nổ thiệt hại 7.078,1 triệu đồng, làm chết 1 người.

Khái quát lại, năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; đặc biệt là Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa và ”Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017”; nên kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải... tăng so với năm 2016. Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai gây ra rất nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống nhân dân; khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giá thịt lợn hơi xuống thấp và khó khăn trong tiêu thụ, gây thất thiệt cho các đối tượng nuôi; một số dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất tiến độ thực hiện chậm, trật tự an toàn giao thông tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp./. 

 

 

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995