Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2017

Đăng lúc: 10:39:56 08/08/2017 (GMT+7)

Rất nhiều các thông tư, nghị định đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành ban hành có hiệu lực thi hành trong tháng 8 năm 2017. Cụ thể như sau:

 1. Từ năm 2020, cấm Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc

Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2017 và bãi bỏ Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012.
Theo đó, tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty đại chúng có những thay đổi sau:

– Từ ngày 01/8/2020: Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng (hiện tại vẫn cho phép nếu được phê chuẩn hàng năm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên).

– Từ ngày 01/8/2019: Thành viên HĐQT của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 05 công ty khác.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung thêm một số nội dung đáng chú ý như:

– Công bố thông tin thu nhập của Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

– Đại hội đồng cổ đông được trao quyền trong việc thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty do HĐQT xây dựng.

2. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thúc đẩy bao tiêu sản phẩm nông nghiệp là nội dung nổi bật tại Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 22/8/2017.

Theo đó, đối với hợp đồng dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (gọi tắt là hợp đồng DVC) thì nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án DVC phải đảm bảo yêu cầu:

– Tổ chức cung cấp dịch vụ; thực hiện liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp;
– Được quyền quản lý, vận hành dự án; thu phí dịch vụ từ người hưởng dịch vụ (nếu có) nhưng phải bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo thỏa thuận.

Dự án DVC bao gồm ít nhất 2 dịch vụ trong 3 nhóm dịch vụ sau (trong đó phải có dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp):

– Nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp;

– Nhóm dịch vụ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

– Nhóm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nội dung hướng dẫn đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án DVC được quy định tại Phụ lục hành kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BNNPTNT ngày 05/7/2017.

3. Hoạt động bảo lãnh tín dụng của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX

Quyết định 23/2017/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 246/2006/QĐ-TTg thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) và Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ.

Theo đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có thêm chức năng bảo lãnh tín dụng và việc bảo lãnh sẽ được áp dụng cho các HTX, liên hiệp HTX khi:

– Các HTX, liên hiệp HTX được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Có vay vốn trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng.
– Có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn.

– Dự án vay vốn đã được Quỹ thẩm định và đánh giá có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.

– Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án.

– Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, HTX, liên hiệp HTX là chủ đầu tư dự án không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Quyết định 23/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

4. Quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Thông tư 05/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Cụ thể như sau:

– Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Bổ sung loại hình Bên đi vay là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (mã loại hình SOB) vào Nhóm ngân hàng tại điểm 5 phần Hướng dẫn lập báo cáo của Phụ lục 4A và Phụ lục 4B ban hành kèm theo Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.

–  Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Bên đi vay là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

5. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 7,44%

Nghị định 76/2017/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, có 8 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng được tăng thêm 7,44%.

Về kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng: Ngân sách nhà nước bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/10/1995; hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/9QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các đối tượng quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định này; hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/ 12/ 2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/1/2011 và Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ.

Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/10/1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8 và các chế độ này được thực hiện kể từ ngày 1/7/2017.

6. Hướng dẫn hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

Đó là nội dung nổi bật tại Thông tư 16/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Theo đó:

– Tổ chức, cá nhân sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải:

+ Kiểm tra thông tin và lựa chọn các Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đủ điều kiện để thực hiện kiểm định.

+ Kiểm tra thẻ kiểm định viên hoặc chứng chỉ kiểm định viên để đảm bảo kiểm định viên có năng lực phù hợp để thực hiện kiểm định.

– Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có trách nhiệm:

+ Dán tem kiểm định hoặc thể hiện thông tin kiểm định lên đối tượng kiểm định đạt yêu cầu ở vị trí dễ thấy, dễ đọc.

+ Ký kết hợp đồng đối với kiểm định viên để thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; cấp thẻ kiểm định viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho các kiểm định viên làm việc tại tổ chức.

Thông tư 16/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 22/8/2017.

7. Các hình thức công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán NSNN

Thông tư 61/2017/TT-BTC hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách có hiệu lực từ 01/8/2017.

Theo đó, việc công khai dự toán ngân sách, tình hình thực hiện dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức sau:

– Công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

– Phát hành ấn phẩm;

– Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;

– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

– Đưa lên trang thông tin điện tử (đối với đơn vị có Cổng thông tin điện tử thì phải thực hiện công khai ngân sách qua Cổng thông tin điện tử của đơn vị mình).

Thông tư 61/2017/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 21/2005/TT-BTC và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Tổng hợp

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995