Doanh nghiệp làm gì để vượt qua đại dịch COVID-19?

Đăng lúc: 08:31:22 27/03/2020 (GMT+7)

Qua khảo sát tình hình cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Thanh Hóa có thể thấy dịch bệnh COVID-19 đã tác động xấu đến nền kinh tế và sức khỏe của DN.

 Doanh nghiệp làm gì để vượt qua đại dịch COVID-19?
Ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CPMXK Trường Thắng giới thiệu về mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn.
Nó thể hiện dưới nhiều góc độ: Du lịch “đóng băng”, thị trường vận tải thu hẹp, hàng nông sản xuất khẩu ứ đọng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thiếu nguyên liệu, sản xuất kinh doanh đình đốn, lãi suất và nợ ngân hàng gia tăng,… Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong tỉnh rất khó khăn để hoạt động. Một câu hỏi đặt ra là DN “sống” trong đại dịch này như thế nào?
Nhiều DN chọn cách “ngủ đông” trong mùa dịch
“Cơn bão” mang tên dịch COVID-19 đã, đang và được dự báo sẽ còn ảnh hưởng đến ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Nhiều DN kinh doanh du lịch, nhà hàng khách sạn, khách lữ hành đang tạm thời “ngủ đông”.
Nhớ lại 1 năm về trước, thời gian này, TP Sầm Sơn đang chuẩn bị tất bật cho một mùa du lịch sôi động, thành công. Ngày hôm nay, dạo quanh thành phố biển, điểm nổi bật và đập ngay vào mắt chúng tôi là những biển treo: “Khách sạn tạm dừng đón khách”.
Ông Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Công ty CPTM Thanh Bình đã nhiều năm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn cho biết: “Những năm về trước, thời gian đầu mùa hè này khách sạn chúng tôi đã có những doanh thu đáng kể từ nhiều công ty trong và ngoài tỉnh. Nhưng hiện nay khách sạn Thanh Bình Good với 178 phòng của chúng tôi đang treo biển đóng cửa, tạm dừng đón khách theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của thành phố”. Anh cho biết thêm: “Chưa đợi đến những quy định của nhà nước, bản thân những người kinh doanh du lịch chúng tôi cũng ý thức được nên “nghỉ” vào thời điểm này. Tất cả vì một ngành du lịch sạch đẹp, an toàn, chúng tôi nhất quyết không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến du khách. Trong thời gian nghỉ chúng tôi sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cho một mùa du lịch mới khi đại dịch qua đi”.
Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn, Chủ tịch hiệp hội DN TP Sầm Sơn cho biết: “Số lượng DN kinh doanh du lịch, thương mại, vui chơi giải trí, xuất nhập khẩu thủy hải sản, vận tải chiếm số lượng lớn trong cộng đồng DN của Sầm Sơn. Những DN này đang bị thiệt hại đáng kể. Có nhiều DN vẫn phải duy trì bộ máy công nhân đóng bảo hiểm cho người lao động, công nhân không có việc làm họ buộc phải xin nghỉ việc hoặc tạm thời xin nghỉ để làm việc khác”.
Là doanh nghiệp kinh doanh hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Công ty TNHHTM Thủy Sản Long Dương, ở Hoằng Trường, Hoằng Hóa đang trong tình trạng khó khăn khi thị trường nước ngoài đóng cửa. Anh Lê Văn Lý, Giám đốc công ty cho biết: Nếu DN tập trung vào phục vụ thị trường nội địa thì cần phải rất nhiều vốn và thời gian. Hiện công ty đang có số lượng hàng thủy sản tồn trong kho đông lạnh rất nhiều. Anh cũng cho biết khi công ty mình dừng hoạt động thì số lượng công nhân làm tại công ty cũng phải nghỉ theo, đặc biệt là những tàu thuyền đánh bắt vào vụ moi cũng không có việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ.
Nhiều DN tìm cho mình cơ hội mới
Trong một hoàn cảnh và điều kiện cho phép, có nhiều doanh nghiệp lựa chọn chuyển đổi hoặc bổ sung thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế mùa dịch bệnh.
Là DN kinh doanh trong ngành may mặc xuất nhập khẩu, Công ty CPMXK Trường Thắng, huyện Nông Cống là DN chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Đây cũng lúc để doanh nghiệp tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường chuyển “nguy” thành “cơ”.
Ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng cho biết: “Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. Việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm tại nơi công cộng là hết sức quan trọng. Hơn nữa do đặc thù của ngành nghề sản xuất kinh doanh, đứng trước tình hình biến động của dịch bệnh, nhu cầu khẩu trang trong phòng chống dịch bệnh lên cao, thực hiện lời kêu gọi của tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và chung tay vì cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh, công ty chúng tôi đã vào cuộc tham gia sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, may hoàn toàn từ loại vải kháng khuẩn chất lượng của công ty TNHH DV-TM-SX Bách Hợp được cấp giấy kiểm định chất lượng hàng hóa của Viện nghiên cứu dệt may”.
Ông Thắng cho biết thêm: Thời điểm này số lượng công nhân của Công ty có giảm đi chút nhưng không đáng kể.
Để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều DN thủy hải sản trong tỉnh cũng phải chuyển đổi thị trường và mặt hàng để thích ứng với điều kiện thực tế. Dịch bệnh đã khiến nhu cầu tiêu dùng thay đổi, xuất khẩu không thuận lợi, thậm chí “đóng băng”. Ông Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Công ty CPTM Thanh Bình, TP Sầm Sơn cho biết: “Nếu như mặt hàng thủy hải sản lâu nay chúng tôi xuất sang Hàn Quốc và Trung Quốc là chủ yếu thì nay lại tập trung vào thị trường nội địa, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Hơn nữa trong thời gian này nhu cầu hàng thủy sản đông lạnh, đóp hộp, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ tăng cao hơn thủy hải sản tươi sống, vì vậy công ty sẽ nhắm vào những xu hướng đó.
Ông Hùng cho biết thêm, công ty cũng chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu thủy hải sản của nhiều địa phương có dịch COVID-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch, ngành du lịch hồi sinh và thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc “nóng” trở lại để cung cấp ra thị trường.
Bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Cũng như mọi năm, để chủ động dịch vụ cho khách trong thời điểm du xuân, công ty đã nỗ lực xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn, đặc biệt là các tour du xuân, tất cả hợp đồng đều được ký kết vào tháng cuối năm 2019. Đến nay thì các hợp đồng đó đều hủy. Bản thân mình là người kinh doanh du lịch mình cũng không hề muốn làm gì về du lịch lúc này. Tất cả giờ là sức khỏe và sự an toàn nên cầu mong cho dịch bệnh qua nhanh”.
Trong hoàn cảnh không thể khác được, vị nữ giám đốc này đã phải chuyển đổi ngành nghề. Vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết kinh doanh cũng như đảm bảo thu nhập cho nhân viên, công ty du lịch tiếp tục thử sức với một ngành nghề mới. Nắm bắt được thị trường cũng như có mối quan hệ sâu rộng từ ngành du lịch mang lại, vừa qua chị đầu tư 12 tỷ mua 2 chiếc máy làm khẩu trang y tế để làm cùng với cơ cở của một người bạn. Là một người làm du lịch, giờ đây vị giám đốc này Hoài Thương lại đang tất bật với công việc kinh doanh mới, tìm thêm cơ hội mới cho mình.
Rõ ràng “nguy” với “cơ” đi gần nhau. Do vậy DN cần nhìn nhận thách thức rõ nét sẽ tìm ra cơ hội mới.
                                                                                                                                       Nguồn: Baothanhhoa.vn
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995