Kết nối để quảng bá hàng Việt

Đăng lúc: 08:50:45 18/01/2021 (GMT+7)

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; các hoạt động xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Là một trong những đơn vị chủ lực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay, lượng hàng Việt được bày bán tại siêu thị chiếm 95% cơ cấu hàng hóa. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: Trong việc lựa chọn nhà cung cấp, siêu thị luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ ISO, HACCP,... Những mặt hàng rau, củ, quả, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có giấy chứng nhận rau an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Song song với các chương trình ưu tiên dùng hàng Việt Nam, siêu thị còn thực hiện phát triển hàng hóa của các địa phương trên địa bàn tỉnh; hiện, có 10 nhà sản xuất đang thực hiện cung cấp hàng hóa cho siêu thị, như: Bia Thanh Hoa, Công ty CP Dạ Lan, sứa Xuân Thanh,... Để quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng trong tỉnh, siêu thị đã triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bằng hình thức bán hàng lưu động với 12 chuyến đến các địa phương, như: Cẩm Thủy, Như Thanh, Hoằng Hóa, Quảng Xương,... với 100% các sản phẩm được sản xuất trong nước; các chương trình giảm giá, khuyến mãi,... nhằm kích cầu tiêu dùng. Từ đó, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa nhà sản xuất trong nước với người tiêu dùng, góp phần giúp các sản phẩm sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tạo dựng niềm tin với người dân.
Bên cạnh các siêu thị trên địa bàn tỉnh như BigC, Vinmart, Co.opmart,... thì hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã chú trọng đến việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã,... tăng cường quảng bá các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Là một trong số ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đang được bày bán tại nhiều siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như Vinmart, BigC, Mega Market, AEON,... Anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: Với các sản phẩm chủ lực như nước mắm, mắm tôm, mắm tép,... chúng tôi luôn xác định tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách làm hiệu quả để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng như quảng bá cho sản phẩm của quê hương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để có cơ hội hợp tác với các nhà phân phối lớn.
Trên thực tế, ở hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, số lượng hàng Việt đang được bày bán luôn đạt tỉ lệ trên 90%; đối với kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm trên 60%. Tâm lý “chuộng hàng ngoại” của một bộ phận người dân đã dần thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn và tin tưởng vào sản phẩm Việt Nam, như: thực phẩm, dược phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, sản phẩm dệt may, rau, quả, đồ gia dụng;... Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Để có được kết quả đó, năm qua, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, các địa phương tuyên truyền đến người tiêu dùng về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trong đó, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, danh mục máy móc thiết bị sản xuất trong nước để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa, định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa Việt Nam khi mua sắm, tiêu dùng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh, như: chợ, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn,... các mặt hàng được sản xuất trong nước đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa chất lượng cao, nguồn hàng thực phẩm được chọn lọc, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;... Nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh. 16 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã được xây dựng và duy trì hoạt động, 3 phiên chợ hàng Việt đã được tổ chức tại các huyện Cẩm Thủy và Bá Thước,... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh có hệ thống phân phối hàng hóa tại các huyện cũng thường xuyên đưa hàng Việt đến các địa phương, nhất là các huyện miền núi, như: Công ty CP Tập đoàn Miền Núi, Công ty CP Thương mại Thiệu Yên, Công ty TNHH MTV Co.op Mart Thanh Hóa, Công ty CP Bia Thanh Hóa, Công ty TNHH TM Long Anh,... Đối với các sản phẩm OCOP, đã có 6 điểm được lựa chọn bày bán các sản phẩm, qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, như: sản phẩm mắm và nước mắm Lê Gia, miến gạo Thăng Long, chè lam Phủ Quảng;... Mặt khác, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm hàng Việt; đồng thời, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt. 
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995