Huyện Nông Cống phát triển các sản phẩm OCOP

Đăng lúc: 13:58:19 04/10/2021 (GMT+7)

Xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, góp phần giúp người dân cải thiện đời sống; ngay từ khi tham gia Chương trình OCOP, huyện Nông Cống đã tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu.

 Huyện Nông Cống phát triển các sản phẩm OCOP.jpg
Sản phẩm OCOP 3 sao Miến gạo Thăng Long

Gạo tím thảo dược mang thương hiệu “Gạo quê nông thôn” được xem là một trong những sản phẩm nổi tiếng của xã Minh Khôi. Được triển khai từ vụ xuân năm 2019 với diện tích 0,5 ha, đến nay mô hình sản xuất lúa tím thảo dược hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét và được mở rộng lên 12 ha. Quá trình sản xuất, với việc không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe người dùng nên mô hình nhận được sự ủng hộ tích cực từ người tiêu dùng cũng như góp phần tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng. Để đặc sản quê hương đến với đông đảo người tiêu dùng và trở thành sản phẩm tiêu biểu của xã, gia đình anh Đỗ Quang Trung - chủ cơ sở sản xuất gạo tím thảo dược “Gạo quê nông thôn” đã đầu tư hàng trăm triệu đồng điều chỉnh quy trình sản xuất, xây dựng kho sấy, máy hút chân không, gian hàng trưng bày sản phẩm... Vừa qua, sản phẩm “Gạo quê nông thôn” đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm đạt tiêu chí OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Anh Trung cho biết: Gia đình đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy sấy, nhà sấy áp dụng công nghệ sấy tiên tiến để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng và thơm ngon hơn. Cùng với đó, cơ sở đã và đang phát huy tốt lợi thế về nguyên liệu, nhân lực, kinh nghiệm và liên kết kinh doanh để tạo ra giá trị cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh (hiện đã liên kết với hàng chục hộ). Đặc biệt, từ khi sản phẩm “Gạo quê nông thôn” đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, tình hình sản xuất, kinh doanh chuyển biến hẳn với mức tiêu thụ gần gấp 3 lần trước, thị trường cũng tiếp tục được mở rộng ra TP Hà Nội, các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình...

Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy cây dưa chuột giống Nhật Bản thuộc dòng AIKO là giống mới, được thị trường các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng... ưa chuộng và có tiềm năng xuất khẩu. Từ năm 2019, HTX sản xuất rau củ quả, hoa, cây ăn quả an toàn công nghệ cao Chung Thủy (đóng tại thị trấn Nông Cống) đã đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích hơn 500m2. Xác định các giống dưa chuột có nguồn gốc từ Nhật Bản nhạy cảm với thời tiết nên yêu cầu môi trường trong lành, ổn định và áp dụng điều kiện chăm sóc khắt khe. Do đó, công ty đã thực hiện canh tác các giống dưa này bằng quy trình kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi đã chứng minh được mô hình dưa lưới mang lại hiệu quả hơn hẳn các loại cây màu khác, chủ mô hình này đã bắt tay vào mở rộng sản xuất và tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP. Anh Lê Huy Chung, Giám đốc HTX sản xuất rau củ quả, hoa, cây ăn quả an toàn công nghệ cao Chung Thủy, cho biết: Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, HTX đã thực hiện kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác... Ngoài bán quả tươi, HTX cũng sẽ chế biến thêm dưa bao tử muối để đa dạng hóa sản phẩm và có hàng bán trong mọi thời điểm.

Thực tế, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nông Cống đã trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tham gia OCOP đã giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu làm đa dạng hóa và làm gia tăng giá trị hàng hóa nông sản. Nhờ đó, thúc đẩy mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị, doanh thu và thị trường tiêu thụ, doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt sao tăng từ 35% - 40%. Hiện nay, huyện Nông Cống có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh, gồm: “Miến gạo Thăng Long”, xã Thăng Long; “Gạo tẻ Hương Quê”, xã Trường Sơn và gạo tím thảo dược “Gạo quê nông thôn”, xã Minh Khôi. Đồng thời, đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm: dưa Aiko của HTX sản xuất rau củ quả, hoa, cây ăn quả an toàn công nghệ cao Chung Thủy, thị trấn Nông Cống; ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành; thịt lợn an toàn VietGAHP Xuân Hiếu của Công ty TNHH Xuân Hiếu, xã Hoàng Giang để trình UBND tỉnh xem xét, công nhận đạt tiêu chí sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Mỗi người sản xuất đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Đồng chí Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995