Tăng cường quản lý hoạt động khuyến mại

Đăng lúc: 08:32:07 20/08/2021 (GMT+7)

Việc đăng ký thực hiện khuyến mại được quy định tại Chương II, Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ... phải đăng ký chi tiết chương trình khuyến mại với các đơn vị liên quan trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

245d0191200t71279l0.jpg 
Hệ thống cửa hàng thời trang Savani trên địa bàn TP Thanh Hóa đang thực hiện khuyến mại, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Dưới nhiều hình thức, như: mua hàng được tặng quà, giảm giá sản phẩm, cào hoặc bốc thăm trúng thưởng, đăng ký thông tin trên internet nhận quà hay tích lũy điểm quy đổi thành quà tặng... các chương trình khuyến mại đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh. Chị Lê Thị Xuân, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), cho biết: Hằng năm, vào những đợt giao mùa, lễ, tết, từ chợ truyền thống đến cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại trên địa bàn TP Thanh Hóa thường tổ chức những đợt khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số, tri ân khách hàng. Với mức giảm giá từ 30% đến 70% hoặc bán hàng đồng giá, các cơ sở luôn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Nếu khách hàng biết đón thời điểm, tỉnh táo trong lựa chọn hàng hóa thì những đợt khuyến mại này chính là cơ hội mua sắm ưu đãi. Còn ngược lại, khách hàng sẽ trở thành nạn nhân của những chiêu trò khuyến mại đang được các cơ sở kinh doanh không uy tín sử dụng.

Theo phân tích của nhiều khách hàng, trong các chương trình khuyến mại, chủ yếu là hàng hóa mẫu mã cũ, lẻ size, số nên không phải tất cả mọi đối tượng khách hàng đều phù hợp. Chưa kể đến, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh lợi dụng các chương trình, đợt khuyến mại để “tuồn” những mặt hàng, mẫu mã không bảo đảm chất lượng vào tiêu thụ. Anh Cao Văn Thọ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Nhiều chương trình khuyến mại được quảng cáo rầm rộ, song khi đến thực tế không như mong đợi. Có nơi hàng và giá sản phẩm không đúng mẫu mã quảng cáo, thậm chí bán cả những sản phẩm không thuộc hãng của mình. Ngoài ra, tình trạng ở những đơn vị không có thương hiệu thì tình trạng nâng giá sản phẩm để giảm giá từ 10 - 70% còn xảy ra nhiều. Thông điệp được các cơ sở kinh doanh gắn kèm với các chương trình khuyến mại là “hàng giảm giá không đổi, trả”. Chính vì vậy, nếu không phải là người tiêu dùng thông thái thì khách hàng rất dễ “hớ” khi tiếp cận các chương trình khuyến mại.

Thống kê của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho thấy: 7 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.550 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng ký tổ chức hoạt động khuyến mại, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các chương trình khuyến mại được đăng ký đều phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng thời trang Vy Vy, đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, cho biết: Những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng hóa, mẫu mã tồn nhiều nên cửa hàng đăng ký đợt khuyến mại để tiêu thụ, giải phóng hàng hóa. Chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định về khuyến mại được cơ quan chức năng hướng dẫn, để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận một số trường hợp khiếu nại của khách hàng khi bị vi phạm quyền lợi tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các tranh chấp, khiếu nại đều ở quy mô nhỏ, đối với những sản phẩm không có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng nên việc thực hiện xử lý của cơ quan chức năng chưa triệt để. Tình trạng vi phạm, nhập nhèm chất lượng sản phẩm thông qua các chương trình khuyến mại vẫn tiếp tục diễn ra, gây mất niềm tin của khách hàng, dẫn đến hiệu quả của các chương trình khuyến mại không được như kỳ vọng...

Để tăng cường quản lý hoạt động khuyến mại hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường, cơ quan thuế, công an và UBND các địa phương nơi diễn ra các hoạt động khuyến mại thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị khuyến mại cam kết thực hiện nghiêm quy định nhằm bảo đảm uy tín với khách hàng. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu về chương trình khuyến mại, thực hiện giám sát, kịp thời báo với các cơ quan chức năng nếu phát hiện sai phạm, dấu hiệu bị xâm hại quyền lợi khi tham gia chương trình khuyến mại.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995