Xúc tiến phát triển thương mại theo hướng hiện đại

Đăng lúc: 10:29:09 04/10/2021 (GMT+7)

Cùng với việc huy động nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, thời gian qua, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử đã được ngành công thương, các doanh nghiệp (DN) định hướng là nhiệm vụ trọng tâm.

 Xúc tiến phát triển thương mại theo hướng hiện đại.jpg
Siêu thị The City, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) được đầu tư khang trang, hiện đại.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, hơn 100 cửa hàng đang hoạt động, đáp ứng tiêu chí loại hình kinh doanh siêu thị, 512 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 303/388 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 78%). Trong đó, có 229 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại theo hướng xã hội hóa đã từng bước đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sự hình thành các chuỗi phân phối, bán lẻ hiện đại do các DN đầu tư, như: siêu thị Vinmart, siêu thị điện máy HC, siêu thị Pico, siêu thị Long Tơ, siêu thị A&S Mart Thọ Xương, siêu thị VinPro... và nhiều kênh phân phối bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng.

Hiện nay, 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, như: vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển kênh giao dịch điện tử và một số DN kinh doanh xăng dầu sử dụng hình thức không tiền mặt, thanh toán tiền mua xăng dầu qua thẻ Flexicard... Đến nay, đã có 70% DN trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% DN tham gia website, thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; 10% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

Thực tế cho thấy, tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, như: quỹ đất tại trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm các huyện còn nhiều tiềm năng khai thác, sức mua của người dân ngày càng tăng và đã có thay đổi trong việc lựa chọn mua sắm. Vì vậy, những năm gần đây, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, như: ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư khi gặp vướng mắc trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, ngành công thương tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục định hướng phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất thời kỳ công nghiệp hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước, gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của Nhân dân cùng nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của DN. Trong đó, bên cạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ duy trì và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngành công thương cũng sẽ thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, trong nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995