Điểm nhấn điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Thọ Xuân

Đăng lúc: 08:34:31 27/04/2020 (GMT+7)

Cảng Hàng không Thọ Xuân (CHKTX) là sân bay dùng chung giữa quân sự và hàng không dân dụng. Sân bay có một vai trò rất quan trọng, bảo đảm về an ninh, quốc phòng trong chiến lược phòng thủ của đất nước; đồng thời, có vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các khu vực lân cận. Với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhu cầu về vận chuyển hàng không qua CHKTX ngày càng tăng cao, chính vì vậy việc lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKTX giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là rất cần thiết.

Điểm nhấn điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Thọ XuânCảng Hàng không Thọ Xuân.
Hiện trạng CHKTX có các công trình đã đầu tư xây dựng, như: Đài kiểm soát không lưu Thọ Xuân, thiết bị dẫn đường và tiếp cận hạ cánh (đài dẫn đường vô hướng NDB, đài dẫn đường đa hướng DVOR/DME và hệ thống hạ cánh bằng thiết bị ILS/DME, CAT 1 đầu 31, giản đơn đầu 13). Khu hàng không dân dụng, nhà ga hành khách CHKTX hiện tại đang khai thác được xây dựng từ năm 2014, đáp ứng 1,2 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng, nâng công suất lên 2 triệu hành khách/năm. Sân đỗ ô tô và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; các công trình điều hành, quản lý: Nhà điều hành cảng, nhà làm việc cảng vụ. Các công trình hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ, như: Hệ thống cấp nước, điện, thoát nước. Kho nhiên liệu, nhà xe ngoại trường, nhà cơ điện, kho hàng hóa; trạm xử lý nước thải và nhà thu gom chất thải rắn. CHKTX có hệ thống đường giao thông nội bộ tương đối tốt và năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng hơn 2,5 km tuyến đường đôi kết nối từ Quốc lộ 47 vào cảng. Hiện nay, tại CHKTX có 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Bamboo Airways) đang khai thác các chặng bay với tần suất khoảng 136 lần cất hạ cánh/tuần. Năm 2013, năm đầu tiên đưa vào khai thác, sản lượng vận chuyển của CHKTX đạt 90.000 lượt hành khách, sản lượng hành khách thông qua cảng đã đạt hơn 1 triệu hành khách năm 2019; tốc độ tăng trưởng trung bình trong 4 năm gần đây khoảng 17,5%. Hệ thống sân đường có thể khai thác các loại máy bay code C, D và code E hạn chế tải trọng. Hiện trạng đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn được xây dựng đã lâu (gần 50 năm), cần phải được duy tu, sửa chữa định kỳ và nâng cấp cải tạo. Hệ thống sân đỗ hiện chỉ đáp ứng được 3 vị trí, để bảo đảm khai thác trong thời gian tới cần phải cải tạo, mở rộng; trong đó cần thiết phải mở rộng và xây mới nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa để đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai.
Vai trò, chức năng tương lai của CHKTX được xác định theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn đến năm 2020 là CHK nội địa; giai đoạn đến năm 2030 là CHK quốc tế đồng thời là CHK dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài. Trên cơ sở các phương pháp dự báo được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế khuyến nghị, căn cứ điều kiện cụ thể tại CHKTX, các chuyên gia hàng không, đơn vị tư vấn dự báo tuyến bay đến năm 2020, như: Mạng đường bay nội địa, Thọ Xuân - đi các CHK Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc. Mạng đường bay quốc tế, mở mới một số chuyến bay quốc tế có chặng bay gần trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia). Đến năm 2025, mạng đường bay nội địa thêm một số tuyến bay Thọ Xuân - Đồng Hới, Phú Bài, Liên Khương, Phù Cát. Mạng đường bay quốc tế, ngoài các chuyến bay quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, mở mới một số tuyến bay đến các nước trên thế giới theo nhu cầu. Dự báo các loại máy bay khai thác là máy bay tầm ngắn và tầm trung khai thác chủ yếu cho mạng đường bay nội địa và mạng đường bay Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á và Úc. Định hướng sử dụng các loại máy bay A320/A321, B737 có khai thác một số máy bay code E (B777, B787-9, A350-900) theo nhu cầu của các hãng hàng không. Dự báo vận chuyển hành khách, hàng hóa đến năm 2030 là 5 triệu lượt hành khách, 27.000 tấn hàng hóa, 35.000 lượt cất hạ cánh. Đến năm 2050 là 20 triệu lượt hành khách, 110.000 tấn hàng hóa, 127.000 lượt cất hạ cánh.
Mặt bằng quy hoạch CHKTX được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, điều chỉnh quy hoạch chi tiết đến năm 2030, cơ bản kế thừa các nội dung của Đồ án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch CHKTX giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 đã được phê duyệt. Trong đó, tính toán lại quy mô các hạng mục công trình đủ đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2, quy hoạch định hướng đến năm 2050, xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh số 2 và hệ thống các đường lăn, sân đỗ...; các công trình đường bộ bảo đảm đáp ứng khai thác tối thiểu 20 triệu hành khách/năm, phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của CHKTX. Đồng thời, có dự trữ quỹ đất phát triển cho giai đoạn sau năm 2050 (xây dựng đường cất hạ cánh số 3 và các công trình đồng bộ khác). Định hướng phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2020 đến 2030, triển khai đồng bộ tất cả các hạng mục công trình để bảo đảm đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm. Các công trình đầu tư gồm: Mở rộng nhà ga hiện hữu, xây dựng mới nhà ga T2. Xây dựng đường lăn thoát nhanh S4A, mở rộng sân đỗ máy bay, nâng cấp, cải tạo hệ thống sân, đường khu bay, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ khai thác CHK theo đúng quy hoạch, đồng thời, đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật các công trình điều hành quản lý bay đáp ứng các yêu cầu khai thác. Giai đoạn 2030 đến 2050, đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ, đáp ứng công suất là 20 triệu hành khách/năm.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết được thực hiện tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); đồng thời, phù hợp với Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước.
Nguồn: Baothanhhoa.vn 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995