Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong sản xuất, kinh doanh

Đăng lúc: 07:37:55 18/05/2020 (GMT+7)

Trong bối cảnh vừa chủ động phòng dịch, vừa khắc phục khó khăn để sản xuất, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đang xây dựng các giải pháp để bù đắp sự thiếu hụt về doanh số, sản lượng và bảo đảm đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong sản xuất, kinh doanhSản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH KH Vina, Khu B – Khu Công nghiệp Bỉm Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 15.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đã và đang tác động mạnh đến các DN. Cùng nhìn nhận những thách thức trước mắt và lâu dài, các DN đang nỗ lực huy động nguồn lực kinh tế và trí tuệ để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động.
Công ty TNHH KH Vina, Khu B - Khu Công nghiệp Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) là DN có 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trên địa bàn từ năm 2017. Các sản phẩm chủ yếu của công ty là áo sơ mi và thực hiện tạm nhập - tái xuất sang công ty mẹ tại Hàn Quốc. Với quy mô nhà xưởng 1,2 ha, hiện công ty có 800 công nhân sản xuất tại xưởng và thực hiện đặt hàng gia công tại một số nhà máy trong, ngoài tỉnh. Tuy có công ty mẹ “bảo trợ” cả về nguồn cung nguyên liệu và ưu tiên phân phối sản phẩm, nhưng dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã có những tác động trực tiếp lên hoạt động của công ty, như: Thời gian vận chuyển nguyên liệu kéo dài do công tác kiểm soát phòng dịch tại các cửa khẩu, đơn giá vận chuyển tăng. Để ứng phó với tình hình, công ty đã xây dựng kế hoạch đặt nguyên liệu sớm hơn khoảng 1 tuần so với trước đó, nhanh chóng chuyển một bộ phận dây chuyền sang sản xuất quần áo mặc ở nhà, đồng thời tăng cường các giải pháp quảng bá sản phẩm bằng các kênh online. Ông Lê Đình Linh, phó giám đốc công ty cho biết: Nhờ những giải pháp linh động trên, 4 tháng đầu năm, đơn vị vẫn có đủ nguyên liệu sản xuất ổn định, chưa phải thực hiện việc cắt giảm lao động. Sản lượng ổn định trung bình 150.000 sản phẩm/tháng và công ty vẫn thực hiện tuyển dụng thêm 200 lao động trong năm nay. Cùng với các giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, là môi trường lao động đông công nhân, để bảo đảm công tác phòng dịch, đơn vị đã chủ động dự trữ khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch. Khách ra vào làm việc đều phải thực hiện ghi chép thông tin, sát khuẩn, kiểm tra nhiệt độ trước khi vào khu vực nhà máy. Toàn bộ công nhân vào khu vực làm việc được phân luồng các cửa ra vào và kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn phòng dịch ngày 2 lần. Người lao động có biểu hiện sốt, ho đều phải thực hiện cách ly tại nhà.
Tại Công ty TNHH AEONMED Việt Nam, Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) những ngày này, 40 lao động làm việc tại các phân xưởng, vị trí vẫn tất bật công việc để kịp các đơn hàng. Để bảo đảm an toàn sản xuất, công ty thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để nâng cao hiểu biết cho tất cả cán bộ trong công ty về dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Nâng cao tính tự giác của người lao động về việc khai báo lịch sử đi lại, tiếp xúc. Thực hiện kiểm soát nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay, khử trùng bằng dung dịch khử khuẩn đối với tất cả cán bộ, công nhân viên công ty cũng như khách ra vào cơ quan. Ông Lưu Văn Hoàng, giám đốc công ty, cho biết: Để cung ứng nguyên vật liệu được thông suốt, đơn vị đã chủ động gửi kế hoạch lấy hàng cho các nhà cung cấp trước 1 năm và đẩy kế hoạch hàng về trước tối thiểu 2 tuần để bảo đảm việc khử khuẩn, cách ly theo dõi hàng hóa 2 tuần tại cảng của Việt Nam. Vì đặc thù của sản phẩm, hình thức marketing hiệu quả nhất đối với việc phân phối vẫn là gặp gỡ trực tiếp khách hàng tại các bệnh viện hoặc thông qua các hội chợ của ngành. Vì vậy, dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác marketing của công ty. Công ty đã khắc phục khó khăn bằng các biện pháp: Ưu tiên việc giao tiếp, marketing qua điện thoại, email. Trường hợp cấp thiết, công ty ưu tiên xe đưa đón cán bộ kinh doanh đi công tác để tránh sử dụng xe công cộng, giảm thiểu tiếp xúc xã hội. Đối với cán bộ lái xe và cán bộ kinh doanh phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định chung về phòng dịch. Chủ động liên hệ với khách hàng để lên đơn hàng, giao hàng một cách kịp thời. Nhờ chủ động trong kế hoạch sản xuất, 4 tháng đầu năm, sản lượng của đơn vị vẫn đạt hơn 1,4 triệu lít dung dịch lọc thận, tăng 35% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 17,7 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh vừa chủ động phòng dịch, vừa khắc phục khó khăn để sản xuất, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đang xây dựng các giải pháp để bù đắp sự thiếu hụt về doanh số, sản lượng và bảo đảm đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2020. Điển hình như Tại Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sức tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. 4 tháng đầu năm, công ty chỉ sản xuất được hơn 7,7 triệu lít bia các loại, đạt 20% kế hoạch năm. Trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn và tổng công ty thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch giao, để duy trì và phát triển sản xuất, công ty đã nhanh chóng triển khai đồng loạt các giải pháp cơ cấu lại sản xuất, làm mới sản phẩm, linh hoạt trong phương thức bán hàng nhằm củng cố, phát triển thị trường. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, cho biết: Đây cũng là thời điểm công ty nắm bắt cơ hội, biến “nguy” thành “cơ” để thực hiện chiến lược đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh tình hình mới. Dự kiến trong tháng 5, công ty sẽ có sản phẩm mới ra đời và sẽ có một vài sản phẩm nữa trong năm để bù đắp sản lượng thiếu hụt trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy, trong khó khăn, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt tìm ra các giải pháp phù hợp để vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và chờ cơ hội bứt phá. Đại diện hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sự năng động, sáng tạo, nhanh nhạy về thị trường có vai trò quyết định sự sống còn của DN trong thời điểm này. Nhãn tiền như nhiều DN, do khó khăn về thị trường xuất khẩu đã phát huy lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới ngay trong quý 1, quý 2. Hơn lúc nào hết, các DN đã nhận thức được, thay vì chờ sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước, trước hết DN phải tự đổi mới, cải tổ hoạt động của chính đơn vị mình. Sự nỗ lực duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi DN thời điểm này sẽ là động lực quan trọng đối với quá trình phục hồi nền kinh tế của tỉnh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. 
Nguồn: Baothanhhoa.vn
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995