Thực hiện các giải pháp tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Đăng lúc: 08:20:39 18/02/2019 (GMT+7)

 Năm 2018, lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những bước thành công vượt trội. Bên cạnh sự góp mặt với giá trị lớn của Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và những sản phẩm phụ trợ, các ngành công nghiệp truyền thống trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các giải pháp ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê của Sở Công Thương, có tới 18/32 sản phẩm chủ lực đạt và vượt kế hoạch đề ra, đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về giá trị sản xuất công nghiệp. Cùng với sự đầu tư thích đáng cho công nghệ sản xuất, nhiều sản phẩm công nghiệp trong tỉnh đã sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đưa giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tăng 42,5% so với cùng kỳ và tăng 48,4% so với kế hoạch năm.

Thực hiện các giải pháp tăng trưởng sản xuất công nghiệpDây chuyền sản xuất bia tại Công ty CP Bia Thanh Hóa.

Trên đà tăng trưởng ấy, cùng với sự kỳ vọng năm 2019 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành đạt từ 80-90% công suất, tỉnh ta xây dựng mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 129.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm xăng, dầu khi những doanh nghiệp phân phối xăng, dầu trong nước đã ký hợp đồng nhập khẩu dài hạn từ trước. Sự tụt hậu về công nghệ của một số sản phẩm công nghiệp truyền thống trong điều kiện năng lực tài chính còn hạn hẹp, chậm được đầu tư đổi mới. Sự biến động về thị trường tiêu thụ với sản phẩm ô tô, đường, một số mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc vào các đối tác trung gian và thị trường Trung Quốc. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm được đầu tư. Một số dự án lớn chậm tiến độ như: Nhà máy thép Nghi Sơn, Nhà máy thức ăn gia súc Ngọc Lặc, Dự án Thủy điện Hồi Xuân... Kết quả kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp lớn sau Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa rõ nét, chưa có thêm các dự án sản xuất chế biến, chế tạo lớn. Thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản cũng chưa đạt kết quả cao nên tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua sơ chế như dăm gỗ, cói, thủy sản sơ chế... còn lớn, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.

Tại hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2018, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những khó khăn, nguyên nhân, những hạn chế khiến sản xuất công nghiệp trong tỉnh chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ nội tại của doanh nghiệp như hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chậm tiếp cận công nghệ và kỹ năng quản trị thì một số nguyên nhân khách quan cũng được đề xuất tháo gỡ, như: Quy định pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thiếu chặt chẽ, không phù hợp thực tiễn nên khó triển khai thực hiện; việc sửa đổi chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại còn chậm; số doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh còn hạn chế...

Nhằm khắc phục những hạn chế, tiệm cận những thuận lợi để phát huy lợi thế, ngành công thương đã đề ra nhiều giải pháp sát sườn với thực tiễn. Trong đó, các cấp, các ngành sẽ ưu tiên, chú trọng tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định và thực hiện tốt khâu phân phối sản phẩm. Đồng thời, bám sát tình hình hoạt động, tiêu thụ của các doanh nghiệp truyền thống để rà soát, có giải pháp kịp thời với các nhóm sản phẩm đang gặp khó khăn hoặc phụ thuộc chỉ tiêu từ các tổng công ty để đấu mối tăng chỉ tiêu sản xuất cho doanh nghiệp Thanh Hóa. Tham mưu ban hành danh sách cấp điện ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất khi thiếu nguồn, chỉ đạo cấp điện đủ, kịp thời cho sản xuất và sinh hoạt. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án công nghiệp trọng điểm, như: Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thép Nghi Sơn, các dự án điện mặt trời, Thủy điện Hồi Xuân, dây chuyền số 3, 4 Xi măng Long Sơn... Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại và các hoạt động khuyến công và tiết kiệm năng lượng. Tăng cường công tác tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng lợi thế các hiệp định dự kiến có hiệu lực từ năm 2019 như: VEFTA, CPTTP... Nghiên cứu, đổi mới và nhân rộng các mô hình tổ chức kết nối cung - cầu, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chỉ thị “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa” để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung một số lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng may mặc, giầy da; sản xuất chế biến nông, lâm sản; chế biến tre, luồng; công nghiệp phụ trợ ngành may, giầy da, ô tô, máy kéo... Đôn đốc, thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện theo quy hoạch. Sở Công Thương cũng sẽ nghiên cứu, tham mưu ban hành Quy chế lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo baothanhhoa.vn

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995