Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Singapore (từ ngày 28 - 30/8), ông Nguyễn Tiến Minh, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, trao đổi về ý nghĩa của chuyến thăm, cũng như tác động của hội nhập kinh tế khu vực lên hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore.
Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Singapore?
Thứ nhất, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm sau khi tuyên thệ. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Singapore, cũng như Việt Nam đánh giá rất cao vị thế của Singapore trong khu vực cũng như trong quan hệ song phương của cả hai bên.
Thứ hai, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng là cuộc gặp gỡ giữa đại diện Ban lãnh đạo mới của hai bên. Vào tháng 9/2015, phía Singapore tiến hành Tổng tuyển cử, bầu ra nội các mới và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Phía Việt Nam cũng vừa kết thúc xong Đại hội Đảng lần thứ XII và Ban lãnh đạo của chúng ta cũng vừa tuyên thệ, nhậm chức. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước cũng là dịp gặp gỡ giữa Ban lãnh đạo mới của hai bên, là cơ hội hai bên trao đổi với nhau để tìm ra những biện pháp và phương thức tăng cường hợp tác hơn nữa, đưa hai nước thực hiện các mục tiêu của mình trong thời gian tới.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hoạt động được 8 tháng, theo đó phần lớn thuế nhập khẩu đã giảm hoặc bãi bỏ. Như vậy, các nước thành viên sẽ phải sử dụng sức mạnh nội tại của mình để thu hút đầu tư. Ông đánh giá thị trường Việt Nam quan trọng thế nào với các doanh nghiệp Singapore?
Singapore là bạn hàng thương mại rất quan trọng và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam. AEC sẽ mở ra triển vọng hợp tác rất lớn giữa hai nước. Khi Việt Nam và Singapore hợp tác trong khuôn khổ AEC, thì hàng hóa của hai nước khi liên doanh với nhau sẽ được xuất khẩu trong nội khối ASEAN và 6 đối tác của ASEAN (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand và Australia).
Với dân số hơn 600 triệu người, ASEAN còn có hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao là RCEP giữa ASEAN với 6 nước đối tác này. Ngoài ra, Singapore và Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tôi tin là, khi các FTA này được thực hiện thì thị trường cho hàng hóa của Việt Nam và Singapore sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.
Singapore là một quốc đảo, nên bản thân thị trường trong nước của họ khá nhỏ và đã bão hòa. Do đó, với lượng vốn dồi dào và nhiều kinh nghiệm, các doanh nghiệp Singapore có nhu cầu rất lớn trong việc mở rộng thương mại và đầu tư ra bên ngoài. Trước kia họ đầu tư rất nhiều vào thị trường Trung Quốc và Indonesia. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Singapore đang đặc biệt chú ý đến thị trường Việt Nam. Trong khi Singapore có vốn và công nghệ, thì Việt Nam lại có nhiều nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên và lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp Singapore đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản Việt Nam. Điều gì đã hấp dẫn họ như vậy?
Hiện nay, doanh nghiệp Singapore đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Theo số liệu mà Đại sứ quán chúng tôi có được thì đầu tư của Singapore vào Việt Nam là 36 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, khoảng 16 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực chế tạo và chế biến, chiếm 44%. Tiếp theo là lĩnh vực bất động sản (11 tỷ USD, chiếm 31%). Ngoài ra, Singapore còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác, như dịch vụ và xây dựng các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp VSIP của Singapore tại Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, họ còn đầu tư vào cảng biển, dịch vụ vận tải ven biển, hàng không. Họ còn muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch đô thị và các dịch vụ bảo vệ môi trường.
Singapore phát triển rất mạnh về bất động sản. Đất nước họ có rất nhiều dự án bất động sản nổi tiếng, nếu họ đưa các dự án tương tự tại Singapore sang Việt Nam thì sẽ rất tuyệt vời. Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản, khách sạn, du lịch, resort nhà hàng phát triển lên. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp bất động sản Singapore, tôi tin rằng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sớm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Singapore sẽ đầu tư tại Việt Nam trong những lĩnh vực gì?
Như tôi vừa nói, bất động sản chỉ là một trong nhiều thế mạnh của các nhà đầu tư Singapore. Như số liệu mà tôi vừa nêu thì các doanh nghiệp Singapore đang rất mạnh trong các ngành công nghiệp chế tạo và chế biến, sau đó là những lĩnh vực dịch vụ khác.
Trong thời gian tới, để thu hút thêm đầu từ Singapore, tôi cho rằng, quan hệ hai nước cần được đưa lên một tầm cao mới, tương xứng với mức độ hợp tác chiến lược hiện nay của hai bên. Chẳng hạn, Singapore đang xây dựng khu công nghiệp tại Việt Nam thì họ có thể thêm lĩnh vực mới là innovation (sáng tạo).
Trên thực tế, họ đang thúc đẩy khu công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội và TP.HCM. Sắp tới có thể xem xét mở ở Đà Nẵng. Ngoài ra, hai nước đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và sẽ cố gắng đẩy mạnh hợp tác sang lĩnh vực nông nghiệp. Hiện Singapore đang có nhiều khu chế xuất thực phẩm tại Trung Quốc. Chúng tôi mong rằng, các khu chế xuất như vậy sẽ được xây dựng tại Việt Nam.