Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa được Chính phủ quy hoạch 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 2.000 ha; trong đó có 5 KCN được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về thu hút đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, đã có 299 dự án đầu tư trong nước và 18 dự án đầu tư FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký thực hiện là 13.412 tỷ đồng và 330,5 triệu USD. Kết quả đạt được trong thu hút vốn đầu tư từ các địa phương khác trong nước và nước ngoài vào Thanh Hóa đã nói lên nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp...
Tại KCN Hoàng Long cũng thuộc TP. Thanh Hóa, từ nhiều năm qua, các dự án may mặc và giầy dép xuất khẩu của Tập đoàn Hung – Fu đến từ Đài Loan cũng không ngừng phát triển lớn mạnh, hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 10.000 người. Hàng nghìn lao động là con em Thanh Hóa trước đây phải làm việc tận các tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh nay có cơ hội trở về quê làm việc, không phải ly hương xa gia đình, và chi phí ở trọ.
Nằm ở cực Bắc của tỉnh, KCN Bỉm Sơn với nhiều thuận lợi về giao thông, cơ chế khuyến khích của tỉnh cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp tỉnh ngoài đến phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, có thể kể đến Nhà máy Ô tô Veam Bỉm Sơn với công suất 33.000 xe tải/năm; nhà máy kết cấu thép Yada; nhà máy sản xuất máy kéo hạng trung... Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, đã có 23 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn hàng trăm triệu USD đầu tư vào KCN Bỉm Sơn, trong đó đa phần là các dự án của các nhà đầu tư ngoại tỉnh. Phát triển nhanh và hiệu quả phải kể đến Nhà máy bánh kẹo Tràng An 3 của Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 3 Việt Nam (TP. Hà Nội) đầu tư về KCN Bỉm Sơn vào cuối năm 2013 và đi vào sản xuất liên tục đến nay. Với nguồn vốn đăng ký đầu tư chỉ 50 tỷ đồng nhưng mỗi năm, nhà máy cho doanh thu khoảng 140 tỷ đồng từ sản xuất khoảng 3.000 tấn bánh trứng sữa, 2.000 tấn bánh bỏng... Với xưởng sản xuất chỉ chiếm hơn 2,5 ha đất đồi Bỉm Sơn mà cho doanh thu hơn 100 tỷ đồng mỗi năm là một thành công lớn của nhà máy cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh nhà.
Những thành công nói trên chính là kết quả của công tác vận động, xúc tiến đầu tư và các hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh trong những năm qua luôn được chú trọng. Không thụ động chờ doanh nghiệp đến đầu tư, mỗi năm các đoàn công tác của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đã chủ động đến với các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước để thu hút đầu tư. Còn nhớ cách đây chưa lâu, Thanh Hóa chủ động đến với các tập đoàn, công ty bò sữa: Vinamilk và TH Truemilk để mời gọi đầu tư, ngay sau đó các tập đoàn, doanh nghiệp này đã đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn tại Như Thanh, Yên Định... Được sự quan tâm, tạo những cơ chế ưu đãi đặc thù, những trang trại hiện đại này không ngừng lớn mạnh về quy mô cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh. Gần đây, các tập đoàn lớn như Vingroup, Vin com, Sungroup... cũng đang hướng về đầu tư tại Thanh Hóa với những dự án lớn trên nhiều lĩnh vực. Ít tháng tới, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành, đi vào hoạt động, mở sang trang mới cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Nhận thấy Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, cơ chế khuyến khích và đang đổi mới mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cũng như các thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều đoàn công tác của các tổ chức, tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, như: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới; Công ty TNHH CAN Holdings, tỉnh Gunma (Nhật Bản); Tập đoàn Hiosung, Công ty Sandeulnuri (Hàn Quốc); tập đoàn Dimora Enterprises (Hoa Kỳ)... đã chủ động đến Thanh Hóa tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Cũng trong các tháng đầu năm, ngành công nghiệp tỉnh nhà đón nhận thêm nhiều tin vui khi Nhà máy Xi măng Long Sơn và nhiều nhà máy trong lĩnh vực may mặc đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn cũng đưa vào chạy thử 2 tổ máy với tổng công suất 130 MW...
Có thể nói, các dự án của các nhà đầu tư quốc tế, trong nước đầu tư về Thanh Hóa đang “nở hoa, kết trái”, ngày càng “bén duyên” với mảnh đất xứ Thanh mặn mà tình đất, tình người. Một chương mới trong thu hút đầu tư của tỉnh thực sự đã và đang mở ra, mang theo nhiều kỳ vọng đưa Thanh Hóa thành tỉnh phát triển, có nền công nghiệp hiện đại trong tương lai không xa.
Báo Thanh Hóa điện tử