Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII đã xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là một trong 4 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hơn 2 năm qua, tỉnh, các ngành, các cấp đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, bước đầu gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong các năm 2016 và 2017, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch cải cách hành chính, đưa ra nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, thậm chí nó còn được coi là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương. Riêng trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1025/QĐ-UBND để xây dựng và thực hiện “Kế hoạch hành động trong đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020”. Sự kiện khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa vào ngày 28 – 11 – 2017 chính là kết quả đáng ghi nhận nhất cho các nỗ lực cải cách hành chính tỉnh nhà. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Trong năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chất lượng hơn 1.500 thủ tục hành chính do các sở, ban, ngành dự thảo trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Tỉnh cũng chỉ đạo khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với một số dịch vụ công năm 2017 để kịp thời rút kinh nghiệm. Từ những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính đã thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh nhà.
Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh chính là đầu mối quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Đơn vị đã có nhiều chuyển biến trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng xây dựng “nền hành chính phục vụ”, nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Trong năm, ban đã rà soát, trình công bố mới 28 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 35 thủ tục hành chính; giảm tối thiểu từ 30%-60% thời gian giải quyết so với quy định; tiếp nhận, giải quyết 1.151 hồ sơ đúng thời gian quy định, không có hồ sơ chậm hoặc không giải quyết.
... tăng hiệu quả thu hút đầu tư
Trong các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành, chính các chủ đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng khẳng định, thủ tục hành chính của Thanh Hóa ngày càng được đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh vào ngày 21 – 11 – 2017 vừa qua, ông Yota Ono, Cục trưởng Cục Tài nguyên và Năng lượng, thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết: Tôi có nhiều năm được giao phụ trách các dự án và lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, nhận thấy Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng. Gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thanh Hóa. Đây không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp thấy có sự đồng hành, quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản. Riêng Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có sự góp vốn lớn từ phía Nhật Bản, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh và các ngành chức năng. Sự hỗ trợ và ủng hộ nhiệt tình từ phía tỉnh chính là động lực để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Thanh Hóa.
Hơn 2 năm qua, sau khi xác định và thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc. Trong 2 năm (2016 – 2017), toàn tỉnh đã thu hút đầu tư hơn 3 tỷ USD từ các dự án nước ngoài; thu hút hơn 16.800 tỷ đồng từ các dự án đầu tư trong nước. Riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút tổng số 40 dự án đầu tư mới. Tính riêng trong năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 245 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 32.846 tỷ đồng và 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký 3.059,4 triệu USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, như: Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn có vốn đầu tư 214 triệu USD; Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 với số vốn đầu tư 2.793 triệu USD...
Những năm gần đây, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành một trong những địa phương trong tốp đầu về thu hút các dự án đầu tư của cả nước. Đó là hệ quả tất yếu của những nỗ lực tạo điều kiện cũng như đồng hành cùng nhà đầu tư và các doanh nghiệp.