Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Bỉm Sơn

Đăng lúc: 10:00:58 23/06/2017 (GMT+7)

Với điều kiện giao thông thuận lợi, nằm gần Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, cách Hà Nội 110 km và cách Cảng biển Nghi Sơn 75 km, có hệ thống nhà ga thuận tiện cho việc tập kết và trung chuyển hàng hóa.

 Cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện, thị xã Bỉm Sơn đang trở thành một điểm đến thu hút đầu tư khá lý tưởng. Hiện nay, tại Khu Công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn, nhiều nhà máy, xí nghiệp mới đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, minh chứng cho sức hấp dẫn của vùng đất công nghiệp phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa.

Trên công trường thi công Nhà máy chế tạo cầu và kết cấu thép của Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu Châu Á YADA, nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục nhà xưởng. Có công suất thiết kế 3.000 tấn/năm với số vốn đăng ký đầu tư là 10 triệu USD, đây sẽ là dự án sản xuất nên những sản phẩm kết cấu thép phục vụ cho việc phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. YADA Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cũng như kinh nghiệm xây dựng cầu thép của Nhật Bản cho Việt Nam. Kỹ sư Phạm Hồng Ánh, chỉ huy trưởng công trình, cho biết: Hiện nay, công trình đã thi công được 90% khối lượng. Đơn vị thi công đang tích cực thi công hạng mục còn lại, phấn đấu cuối tháng 5 sẽ bàn giao công trình cho nhà đầu tư để lắp đặt thiết bị và đi vào sản xuất.

Bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh từ năm 2009, Nhà máy Ô tô Veam Bỉm Sơn ngày càng khẳng định vị thế trên thương trường với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh có kết quả tiến triển khá tốt. Hiện nay, nhà máy đang tạo việc làm cho hơn 600 lao động. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải theo quy định mới, thúc đẩy sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh đề ra, song song với việc chủ động điều chỉnh thiết bị phù hợp, công ty đang lên kế hoạch chủ động đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ô tô tải trên thị trường. Năm 2017, Nhà máy Ô tô Veam Bỉm Sơn  phấn đấu doanh thu đạt 2.160 tỷ đồng; tăng thu nhập của người lao động lên 8,2 triệu đồng/người/tháng.

Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông Bỉm Sơn cũng là một đơn vị sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Với công suất 350.000 tấn/năm, với 3 dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ hiện đại gồm: 1 dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy, công suất 100.000 tấn/năm; 1 dây chuyền sản xuất phân bón NPK công nghệ hơi nước, công suất 100.000 tấn/năm, 1 dây chuyền sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao, công suất 100.000 tấn/năm; 1 dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, công suất 50.000 tấn/năm. Tại nhà máy đang sản xuất 16 loại phân bón theo bộ chuyên dùng cho các loại cây trồng. Doanh thu của nhà máy hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, nhà máy đang giải quyết việc làm cho 130 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, KCN Bỉm Sơn đã được điều chỉnh mở rộng lên 1.000 ha, thu hút được 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.418 tỷ đồng; trong đó, có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 23 dự án có vốn đầu tư trong nước. Các nhà máy trong KCN đang tạo việc làm cho 1.439 lao động, với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. KCN Bỉm Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt với các chức năng cụ thể: Khu A được thiết kế với các chức năng lắp ráp xe ô tô, chế biến nông - lâm sản, chế tạo máy, sửa chữa cơ khí, luyện cán thép xây dựng, da giày. Khu B được thiết kế cho các lĩnh vực sản xuất xi măng, dệt may, điện lạnh, hàng gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Cùng với quy hoạch của tỉnh, thực hiện chủ trương xây dựng thị xã Bỉm Sơn trở thành trọng điểm công nghiệp phía Bắc của tỉnh, Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động để triển khai các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư; đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế trên địa bàn.

So với các địa phương khác, bên cạnh thuận lợi về tài nguyên, vị trí địa lý, giao thông, thì chất lượng nguồn nhân lực nơi đây cũng là một ưu điểm nổi trội. Với bề dày truyền thống gần 40 năm thị xã công nghiệp nên trình độ, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động đã được rèn giũa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại KCN Bỉm Sơn cũng đang được đầu tư, hoàn chỉnh, hứa hẹn mang đến sự đồng bộ trong chất lượng hạ tầng KCN. Giá thuê đất tại KCN Bỉm Sơn lại thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác do chi phí giải phóng mặt bằng và san lấp thấp. Để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thị xã Bỉm Sơn sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Thực hiện chính quyền điện tử, tăng cường minh bạch hóa thông tin quy hoạch. Tập trung giải quyết những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự để nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Tăng cường công tác xúc tiến, nhất là các dự án ưu tiên như công nghiệp chế tạo cơ khí, phụ tùng ô tô, lắp ráp điện tử... trên cơ sở bảo vệ môi trường. Quan tâm phát triển các ngành dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, đưa thị xã Bỉm Sơn trở thành điểm đến ổn định, lâu dài của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo Thanh Hóa điện tử

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995