Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển
Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km; phía Tây của tỉnh giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với đường biên giới dài 213,6 km; phía Đông là Vịnh Bắc Bộ với chiều dài bờ biển 102 km. Tỉnh có diện tích tự nhiên 11.111,4 km2, đứng thứ 5 cả nước, được chia thành 27 đơn vị hành chính, gồm: 02 thành phố, 02 thị xã và 23 huyện. Với dân số hơn 3,64 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; lực lượng lao động trên 2,5 triệu người trong độ tuổi vàng, trình độ văn hóa, chuyên môn tương đối cao phù hợp nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái; có vị trí khá thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình gồm: đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, đường thủy (Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT), có Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế; Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước CHDCND Lào, liên thông với nhiều nước trong khối ASEAN. Tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như tài nguyên đất, rừng, biển và nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, rất thuận lợi để phát triển đa dạng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và du lịch.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 01 Khu kinh tế Nghi Sơn và 08 Khu công nghiệp trên địa bàn. Sự phát triển của hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cũng đang tạo ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh. Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển trở thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 08 khu công nghiệp, trong đó có 05 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha và khu đô thị sân bay, với diện tích khoảng 3.000 ha, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 11,2%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; trong đó, tăng trưởng GRDP năm 2020 ước đạt 6,08% đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 126.172 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh ước đạt 58,4 triệu đồng (tương đương 2.510 USD), đứng thứ 2/6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (sau Hà Tĩnh khoảng 65 triệu đồng). Thu ngân sách nhà nước năm 2020 của tỉnh đạt 29.328 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh ước đạt 588.000 tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp (76 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 114.522 tỷ đồng và 3.655 triệu USD. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 134 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 14,2 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI, trong đó có các dự án hạt nhân, có quy mô lớn, tác động lan tỏa không những trong tỉnh mà cả khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ, như: Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 9,0 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (1,5 tỷ USD), Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD) và nhiều dự án quan trọng khác.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được một số kết quả khả quan như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 đạt 6,08%, là mức tăng trưởng khá so với cả nước, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, dịch vụ tuy chịu ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng bởi dịch nhưng vẫn tăng trưởng dương; Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện. Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay chống đại dịch Covid-19, là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, cả nước đang thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch hiệu quả”; tại Hội nghị đã có 19 dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 56,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 15 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 285 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD. Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có số dự án và số vốn thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, đã có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Tập đoàn Exxon Mobil, Tập đoàn Foxcom, Tập đoàn Milennium Energy,… đến tìm hiểu và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá.
Có được kết quả trên là do: Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, trong xúc tiến đầu tư lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng luôn chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án”.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6, bao gồm:
- 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: Thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng.
- 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị.
- 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, gồm:
+ Hành lang kinh tế ven biển, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển, được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển;
+ Hành lang kinh tế Bắc Nam, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam;
+ Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, với trọng tâm là phát triển xa lộ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh;
+ Hành lang kinh tế Đông Bắc, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh Tây Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217;
+ Hành lang kinh tế trung tâm, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị, kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân;
+ Và hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
Nhằm ghi nhận những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đạt được trong giai đoạn qua, đồng thời tạo cơ hội nhiều hơn nữa để Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững; ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hóa trong vùng và cả nước, có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra cho tỉnh thời cơ, vận hội mới để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đây cũng là định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới.