Chiều 26/8/2021, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới”. Đồng chí Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội thảo. Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh.
Sau khai mạc chào mừng của đại diện Bộ Ngoại giao, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là thị trường đầy sức hút. Năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 29 tỷ USD và là 1 trong 20 nước có thu hút FDI nhiều nhất thế giới. 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng kết quả thu hút đầu tư FDI rất khả quan.
Hiện nay đã có 9/15 quốc gia Trung Đông đã mở đại sứ quán tại Việt Nam. Trên lĩnh vực đầu tư, hiện các quốc gia Trung Đông đã có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn trên 900 triệu USD nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều vì hình thức góp vốn qua bên thứ 3. Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kết quả trên là chưa xứng với tiềm năng hợp tác giữa 2 bên.
Thông qua hội thảo có tính “mở đường, đồng hành” và để ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ ngành và doanh nghiệp mời gọi, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số…
Tại hội thảo, đại sứ quán các nước đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam; đồng thời giới thiệu về tình hình đầu tư và nhu cầu tìm thị trường đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sở tại ra các nước khác, mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội thảo ở điểm cầu Thanh Hóa.
Hiện nay, các quốc gia Trung Đông đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh, sạch và tái tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài với một số quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa mong muốn trong thời gian tới, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý đầu tư của các quốc gia Trung Đông, các quỹ đầu tư vùng Vịnh để tổ chức các hội nghị, hội thảo, nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư theo chuyên đề về ngành, lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, như: cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển), du lịch, khoa học và công nghệ, năng lượng sạch và tái tạo, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế... Đây cũng là những lĩnh vực mà tỉnh Thanh Hóa có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Trung Đông.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng rất mong tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương và giới thiệu nguồn lao động trẻ, có năng lực, trình độ đi làm việc tại các quốc gia Trung Đông.
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa