Hút đầu tư vào Đà Nẵng: Có những người kinh lắm, gây đủ trò hết!

Đăng lúc: 11:40:23 16/04/2016 (GMT+7)

"Tôi có thể nói môi trường đầu tư ở Đà Nẵng không phải tốt, thậm chí có những lúc, những nơi rất xấu. Còn PCI thì xin thưa là cũng có nhiều chuyện trong đó lắm".

 Mời bạn đọc xem tiếp cuộc trao đổi với ông Trương Hào, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng. Để hiểu vì sao Đà Nẵng có “môi trường đầu tư tốt, PCI tốt” nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà?

PV: Theo ông, để trả lời câu hỏi về nghịch lý “ Đà Nẵng: Môi trường đầu tư tốt, PCI tốt, sao các nhà đầu tư không mặn mà?” , vấn đề quan trọng nhất cần cải thiện trong công tác XTĐT của Đà Nẵng là gì?

Ông Trương Hào: Đó là vấn đề con người. Có những người nói thì nghe có vẻ thông thoáng nhưng thực ra họ cực kỳ khó khăn với nhà đầu tư. Tôi nhớ có lần một ông thầy của ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) dẫn đoàn các nhà đầu tư Nhật Bản từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Nhưng khi tới Văn phòng một Ban nọ mà tôi chưa tiện nêu tên, vì trễ 15 phút nên bị đuổi về. Và nhìn chung Ban đó lâu nay rất khó khăn. Không biết họ nghĩ thế nào nhưng tôi thấy kinh lắm, gây đủ trò hết!

Hut dau tu vao Da Nang: Co nhung nguoi kinh lam, gay du tro het! - Anh 1

Ông Trương Hào, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, trao đổi với PV Infonet về thực trạng môi trường đầu tư của Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Cũng với Ban đó, trước đây có nhà đầu tư nộp hồ sơ, bị ngâm một thời gian rồi không cấp phép. Nhưng khi nhà đầu tư xin lại hồ sơ thì họ không trả. Tôi hỏi vì sao không trả thì người ta bảo “giữ lại kẻo sau này họ kiện mình”. Như vậy là không đúng. Anh từ chối dự án của nhà đầu tư thì có văn bản trả lời chính thức tại sao không được và đủ cơ sở để chịu trách nhiệm về sự từ chối của anh, thì họ kiện cái gì?

Đằng này người ta nộp hồ sơ đầu tư mà họ làm như nộp hồ sơ xin việc, nộp vô không lấy lại được. Tuy đó là việc nhỏ nhưng rất quan trọng với nhà đầu tư. Chẳng hạn nếu đầu tư vào KCN không được thì họ có thể xin đầu tư ở bên ngoài KCN. Hồ sơ pháp lý làm rất tốn thời gian vì phải qua lãnh sự quán này nọ rất phức tạp, nhưng khi nhà đầu tư xin lại hồ sơ gốc thì Ban đó không trả. Vì vậy, thay vì không đầu tư trong KCN được có thể tìm cơ hội đầu tư ngoài KCN thì nhà đầu tư bỏ Đà Nẵng đi luôn!

Hoặc Sở nọ, không phải người ta xấu nhưng do không tự tin trong công việc, không nắm vững vấn đề để xử lý nên việc gì cũng kéo dài. Công ty Deawon xin điều chỉnh tiến độ dự án mà 3 tháng rồi chưa được giải quyết, trong khi hồi tôi làm chỉ mất có 3 ngày. Lúc đầu Sở yêu cầu làm kiểu này, nhà đầu tư làm xong họ lại yêu cầu làm kiểu khác, đổi qua kiểu khác họ vẫn không xử lý mà yêu cầu quay lại kiểu trước đó. Quá bức xúc, Công ty D. gửi thư lên Giám đốc Sở nhưng cũng đã mười mấy ngày không thấy trả lời, chưa biết bao giờ mới xong. Rất khổ cho nhà đầu tư!

PV: Nếu vậy thì tại sao chỉ số năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước, thưa ông?

Ông Trường Hào: Tôi có thể nói môi trường đầu tư ở Đà Nẵng không phải tốt, thậm chí có những lúc, những nơi rất xấu. Còn PCI thì xin thưa là cũng có nhiều chuyện trong đó lắm và theo tôi thì đừng hy vọng vào kết quả PCI nhiều. Đó chỉ là một phần nhỏ trong việc thu hút đầu tư mà thôi!

Trở lại dự án làng ẩm thực Nhật Bản ở phía Nam cầu Cẩm Lệ, nhà đầu tư xin mở một loạt nhà hàng dọc sông, rồi giúp nông dân trồng rau sạch cung cấp cho du khách tới đây. Có thể nói ý tưởng của họ cũng hay, được TP chấp thuận, nhưng họ nộp hồ sơ cả một năm rồi mà đã xong vấn đề đất đai đâu. Hôm qua tôi hởi Sở KH-ĐT thì được trả lời là việc đền bù giải tỏa chẳng có ai lo. Tìm được vị trí đã rất mất công, xin ý kiến các ban ngành lại cứ kéo dài mãi.

Ở Bắc Ninh khi có dự án lớn vào địa bàn, Chủ tịch tỉnh triệu tập tất cả các sở, ngành thảo luận rồi quyết luôn tại chỗ, giao việc cho các ngành thực thi, bao nhiêu ngày phải xong. Chấm hết. Còn mình thì hết xin ý kiến sở này lại qua xin ý kiến sở khác. Nói qua nói lại mãi mới đến Ủy ban, nhưng đến đó rồi thì có khi còn gặp đủ thứ chuyện khác nữa. Vì vậy Tập đoàn Kinderworld xin mở thêm một trường đại học mà cả năm rồi có xong đâu. Những người đi làm cụ thể mới biết được mấy chuyện đó, nhưng nói ra thì mâu thuẫn đủ thứ nên rất khó. Vì vậy chỉ cố gắng làm tốt việc của mình thôi!

PV: Khi còn làm Phó Giám đốc Trung tâm XTĐT Đà Nẵng, ông có phản ảnh với lãnh đạo TP những điều như ông vừa nói không?

Ông Trương Hào: Tôi có nói nhưng chưa thấy có chuyển biến gì. Ngày trước ông Nguyễn Bá Thanh quyết trên nớ, ổng chịu trách nhiệm và giao các ngành xử lý cho nhà đầu tư, truy tận nơi nên anh nào cũng phải chạy, phải làm. Còn bây giờ thì ngược lại, đi từ dưới đi lên nên không biết bao giờ mới tới lãnh đạo TP. Điều tôi muốn nói là dự án được chấp nhận hay không phải trả lời cho nhanh để giữ uy tín của mình mà nhà đầu tư có ra đi cũng vui vẻ, rằng với Đà Nẵng thì cái này không phù hợp.

Nhưng như đã thấy, dự án sản xuất du thuyền của một nhà đầu tư Úc đăng ký vào Đà Nẵng, kéo dài mãi rồi cuối cùng không được. Mỗi năm nhà máy du thuyền này xuất khẩu hàng trăm triệu USD, đóng thuế cho Đà Nẵng biết bao nhiêu mà còn làm cho TP nổi tiếng với các cuộc đua du thuyền vì đây là nhà đầu tư thuộc hàng đại gia nhất nhì trong lĩnh vực du thuyền của thế giới, thị trường rất rộng lớn. Từ dự án này, tôi tin là hình ảnh Đà Nẵng sẽ rất đẹp, nhưng chẳng ai quyết tâm để làm cả, cứ lần quần miết!

Thực ra, được hay không được không phải quan trọng mà cái chính là phải nói thẳng để nhà đầu tư còn tính chuyện khác. Đằng này cứ lờn vờn miết cuối cùng đẩy người ta tới một chỗ không thể nào làm được nên phải ra đi. Trong khi nơi mà nhà đầu tư Úc chọn cho dự án du thuyền thì có một doanh nghiệp ở Đà Nẵng lấy đã 10 năm nay vẫn để không, chẳng làm gì cả. Nếu lấy ở đó một miếng giao cho nhà đầu tư Úc làm dự án sản xuất du thuyền thì rất đẹp, nhưng vấn đề là người ta không quyết liệt giải quyết!

Trong khi đó, tôi thấy các tỉnh phía Bắc gần như “ăn thua đủ” với chuyện thu hút vốn FDI. Lãnh đạo chịu khó ra trung ương xin cơ chế, chinh sách cho nhà đầu tư. Về hạ tầng, với các dự án quan trọng, địa phương bỏ chi phí cho nhà đầu tư trong bao nhiêu năm, thậm chí miễn luôn; rồi hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí đào tạo công nhân. Không rõ họ lấy ngân sách đâu ra nhưng với Đà Nẵng thì tôi không thấy có những việc đó!

PV: Quay trở lại việc Đà Nẵng xác định du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghệ cao, CNTT... là mũi nhọn. Theo ôngĐà Nẵng nên XTĐT trong các lĩnh này như thế nào?

Ông Trường Hào: Đà Nẵng có thuận lợi và xác định đó là mũi nhọn thì nên tập trung vào đó thay vì mở thêm 5 – 7 KCN. Hiện có nhiều dự án ven biển để trống. Theo tôi, lãnh đạo TP đi XTĐT thì cần gặp từng nhà đầu tư, tìm hiểu thật kỹ rồi đưa các dự án đó và mời liên kết cùng làm. Chứ bây giờ có nhiều dự án muốn bán và chuyển đổi nhưng “sợ” TP nên âm thầm mà làm. Sao ta không công khai để giúp họ luôn. Thật ra với các dự án đã có sẵn thì rất đơn giản về điều kiện, giá cả, đất đai; trong khi nhà đầu tư mới thì rất khó, không có đất, hoặc có đất thì phải đấu giá theo quy định mới.

PV: Qua trao đổi với ông, có thể thấy thu hút đầu tư vào Đà Nẵng gặp nhiều chuyện rất khó, cả về khách quan lẫn chủ quan. Theo ông, để gỡ cái thế khó đó thì TP nên làm gì?

Ông Trương Hào: Có những yếu tố khách quan không thể hoặc không phải một sớm một chiều có thể thay đổi, chẳng hạn cảng hay sân bay. Nên cái quan trọng là thái độ, thủ tục của mình khi làm việc với nhà đầu tư để gây được ấn tượng tốt. Nhà đầu tư có không vào được cũng nói tốt về mình. Hiện nay, đó là khâu yếu nhất nhưng người ta ít chú ý mà cứ nói chung chung. Không phải không có dự án muốn vào Đà Nẵng. Có, nhưng làm không được mà cứ để kéo dài mãi!

Thứ hai là cách làm việc của lãnh đạo. Khi có dự án đề xuất thì lãnh đạo TP họp trước với các cơ quan hữu quan, nghe trình bày rõ quan điểm, để khi nhà đầu tư tới thì được hay không là quyết luôn và giao nhiệm vụ cho từng anh, chứ cứ chờ ý kiến anh này, anh khác thì không biết khi nào mới xong. Tất nhiên lãnh đạo không quyết một cách độc đoán mà cần có các cơ quan tham mưu, nhưng nên tập hợp ý kiến và quyết định, sau đó thì triển khai thực hiện. Hiện nay Đà Nẵng chưa làm được việc này!

Thứ ba là Đà Nẵng đừng tưởng mình ghê quá. Có lợi thế gì thì cần tập trung vào đó để làm chứ cứ lan man, đụng đâu cũng muốn phát triển thì không làm được. Trước hết là tập trung cho tuyến ven biển, rồi các lĩnh vực và dịch vụ bên ngoài KCN thì phải có quy định rõ ràng, ước lượng giá cả đất đai vì đây là điều nhà đầu tư rất quan tâm. Khi đi XTĐT mình thường chỉ giới thiệu dự án mà không có nội dung về giá cả đất đai do quy định về đấu giá đất, nên ít thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

PV: Nhưng các nơi khác cũng phải thực hiện theo quy định đấu giá đất mà ông?

Ông Trương Hào: Vấn đề là làm đúng quy định nhưng làm cho nhanh. Cũng với quy định đó, các nơi khác làm nhanh còn ở mình không làm được. Có nghĩa là có chịu làm cho nhà đầu tư hay không. Tôi thấy một số cơ quan của Đà Nẵng, nhiều cán bộ chưa làm được việc này, giống như không có trách nhiệm vì thấy chẳng có lợi gì cho họ cả. Với dự án trong nước, đôi khi họ làm được vì có A, B, C...; còn với dự án FDI thì chẳng được đồng nào mà trời nắng, gió phải đi lại mệt. Nói thẳng là như thế. Ngược lại, có những người không phải xấu nhưng tư duy cũ kỹ, hạn hẹp vì ít chịu học, chịu đọc nên nhiều khi sợ trách nhiệm tới mức không thể hiểu nổi!

Mời đón xem tiếp phần cuối: Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng: Khi Trung tâm Xúc tiến đầu tư phải đi “lạy dạ”!

HẢI CHÂU- INFONET 

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995