Có thể nói, chưa bao giờ xứ Thanh có được thế và lực như ngày nay. Điều đó đến từ nhiều yếu tố, song không thể không kể đến sự phát triển lớn mạnh của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ trước những năm 2000, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã nung nấu ý tưởng và có đường hướng hình thành một vùng phát triển công nghiệp tập trung ở khu vực ven biển huyện Tĩnh Gia lúc bấy giờ. Với nhiều nỗ lực trong việc “thuyết phục” các bộ, ngành và Chính phủ, đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu Kinh tế Nghi Sơn. Từ vị trí chiến lược nằm ở vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ, lại có hệ thống cảng nước sâu tiềm năng, Khu Kinh tế Nghi Sơn còn được quy hoạch trở thành 1 trong 7 khu kinh tế động lực của Việt Nam. Sau 10 năm phát triển, khi đã thành hình một khu kinh tế ven biển khá lớn mạnh, tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ cho gộp và đổi tên “Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa” thành “Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa” vào tháng 6-2016. Đây cũng chính là bước ngoặt để Thanh Hóa tiếp tục lấy Nghi Sơn làm đầu tàu, tạo hiệu ứng phát triển 8 khu công nghiệp khác, phân bổ đều trên nhiều vùng miền của tỉnh nhằm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành một trong 5 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm được đề ra. Từ đó, hệ thống hạ tầng 8 khu công nghiệp và Khu Kinh tế Nghi Sơn có sự quan tâm đặc biệt, công tác thu hút đầu tư được chú trọng với nhiều đổi mới. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, giai đoạn 2016–2020, tỉnh đã ưu tiên huy động nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn; riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được bố trí gần 10.000 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng, trong đó có hàng chục tuyến đường giao thông kết nối được cải tạo và xây dựng mới. Đáng nói nhất, phải kể đến hệ thống cảng biển nước sâu tại đây được đầu tư khá hiện đại, tạo ra những tiền đề quan trọng cho thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo quy hoạch, điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2018, hệ thống cảng biển Nghi Sơn sẽ có 60 cầu tàu với các khu bến cảng chuyên dụng, khu bến cảng tổng hợp và khu bến cảng container. Đây sẽ là cảng đa tính năng và là cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ công tác kêu gọi đầu tư cũng như xã hội hóa trong phát triển nên hạ tầng cảng biển ở đây được Bộ Giao thông – Vận tải đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đang có 21 bến đi vào hoạt động; trong đó, có 4 cầu cảng quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có tải trọng đến 3.500 TEU, tương đương gần 40.000 DWT. Hạ tầng cảng biển phát triển, lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng. Cụ thể, năm 2018 đạt hơn 23,5 triệu tấn, năm 2019 tăng lên 29,5 triệu tấn, 9 tháng năm 2020 đã đạt hơn 30 triệu tấn. Đáng nói, từ tháng 5–2019, Tập đoàn CMA – CGM của Pháp đã khai trương tuyến hàng hải container quốc tế đến với Cảng Nghi Sơn, mở ra một giai đoạn mới cho vận chuyển hàng hóa xuất – nhập khẩu của tỉnh và các tỉnh lân cận qua đây.
Ông Phan Đào Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn – một trong những doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển tại Nghi Sơn, cho biết: Từ năm 2010, doanh nghiệp đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn bởi nhận thấy tiềm năng phát triển ở đây rất lớn và đến năm 2015, triển khai xây dựng các hạng mục của dự án cảng biển, tháng 10–2017 bắt đầu hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa. Trong suốt quá trình triển khai dự án cũng như hoạt động kinh doanh, tôi đánh giá cao sự quan tâm và đồng hành của UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành có liên quan của tỉnh... Rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công cũng như vướng mắc thủ tục khi đi vào hoạt động, nhưng đều được phía địa phương giúp đỡ giải quyết. Gần đây, chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cho hãng tàu container quốc tế vào tỉnh đã giúp cảng tiếp cận được bạn hàng lớn, tăng năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng. Chính sự hoạt động của cảng đã đóng góp trở lại cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Với cả 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Nghi Sơn, sự đóng góp cho ngân sách và tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là vô cùng quan trọng. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trong giai đoạn 2015–2020 ước đạt hơn 623.878 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp tại đây dự kiến đạt hơn 7.784 tỷ đồng. Hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp của tỉnh đang tạo việc làm cho khoảng 104.000 lao động. Những đóng góp to lớn ấy đã và đang góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.
Có thể nói, sự phát triển nhanh, vững chắc của Khu Kinh tế Nghi Sơn cùng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2015–2020. Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, thêm 34 dự án lớn trong và ngoài nước đã được trao quyết định đầu tư hoặc ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư. Đến nay, nhiều dự án trong số đó đã được khởi công xây dựng. Một làn sóng mới các dự án lớn vẫn đang tiếp tục được “hút” vào Nghi Sơn, Bỉm Sơn và một số khu công nghiệp, mang theo nhiều kỳ vọng về mục tiêu đưa Thanh Hóa thành tỉnh công nghiệp càng gần. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn cùng những khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ góp phần đưa xứ Thanh ngày càng giàu mạnh, đời sống người dân ngày càng thịnh vượng...Nguồn: Baothanhhoa.vn