Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế - những thành công và hiệu ứng phát triển kinh tế - xã hội

Đăng lúc: 07:32:36 03/06/2020 (GMT+7)

Mỗi sáng sớm trước giờ lên ca, trên khắp các ngả đường của huyện Hoằng Hóa bỗng trở nên đông đúc bởi những lao động địa phương điều khiển xe mô tô, đi xe ô tô đưa đón công nhân đến các nhà máy.

Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế - những thành công và hiệu ứng phát triển kinh tế - xã hộiCảng chuyên dụng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Khung cảnh ấy xuất hiện nhiều năm qua, từ khi Khu Công nghiệp (KCN) Hoàng Long (TP Thanh Hóa) thu hút được nhiều doanh nghiệp may mặc và giầy da hoạt động. Từ những xã gần KCN đến những xã cuối huyện, mỗi địa phương đều có hàng trăm người tham gia làm công nhân tại KCN này. Gia đình chỉ cần 2 người làm công nhân, hằng tháng cũng có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, bằng cả năm sản xuất nông nghiệp truyền thống. Nhờ vậy, điều kiện kinh tế của hàng chục nghìn gia đình trong huyện cũng dần khá lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Chị Lê Thị Tuyết, ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa), chia sẻ: Từ khi tôi được nhận làm công nhân giầy da với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng mỗi tháng, gia đình tôi có thêm khoản chi tiêu, đỡ túng thiếu hơn nhiều so với trước kia chỉ phụ thuộc vào đồng ruộng.
Được biết, KCN Hoàng Long chủ yếu thu hút các doanh nghiệp may mặc và giầy da lớn, nhất là hệ thống nhà máy của Tập đoàn HungFu, Tập đoàn Hồng Mỹ, đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tương tự, các doanh nghiệp tại KCN Lễ Môn cũng giải quyết việc làm cho nhiều người dân ở TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, TP Sầm Sơn... Đó là những tác động tích cực dễ nhận thấy mà các KCN mang lại. Mặt khác, nguồn đóng thuế vào ngân sách chủ yếu từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, mà phần lớn các nhà máy, công ty đều phân bổ ở các KCN.
Ngoài Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN với tổng số hơn 400 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 97.000 lao động, với mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Ước tính từ Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ của KKT Nghi Sơn và 8 KCN trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 577.034 tỷ đồng, trong đó KKT Nghi Sơn khoảng 390.413 tỷ đồng, các KCN hơn 186.622 tỷ đồng. Từ sự thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn và các KCN, mang về nguồn ngoại tệ, phát triển mạnh các dịch vụ trung gian như vận chuyển, kho bãi, cảng biển... Cũng từ sự phát triển ấy, nguồn đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 5 năm qua lên tới 56.397 tỷ đồng, trong đó riêng KKT Nghi Sơn đã đóng góp 51.863 tỷ đồng. Điển hình nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nộp ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng trong lộ trình đưa Thanh Hóa thoát dần tỉnh phải nhận hỗ trợ từ Trung ương.
Sớm nhận thấy tầm quan trọng trong phát triển các KCN và KKT Nghi Sơn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đưa “Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” thành 1 trong 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh. Đây được coi là “chìa khóa” để tạo bước đột phá trong nhiệm kỳ để phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các KCN và KKT Nghi Sơn. Với khoảng 196.000 tỷ đồng đã được đầu tư, nhiều công trình hạ tầng xã hội tại các KCN, KKT được xây dựng trong giai đoạn gần 5 năm qua. Đó cũng chính là hạ tầng, là điều kiện để tỉnh, các địa phương có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê từ Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng tại KKT Nghi Sơn lên tới 9.842 tỷ đồng, đến nay, đã hoàn thành 17 dự án, đưa tổng số dự án hạ tầng đã hoàn thành và khai thác tại đây lên 60 dự án.
Riêng hệ thống giao thông đối ngoại từ các KKT, KCN đã mở ra sự kết nối phát triển giữa các vùng, thúc đẩy nhanh sự phát triển chung toàn tỉnh. Điển hình trong số đó phải kể đến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn đã phá thế “cô lập” cho phần lớn huyện Nông Cống, một phần các huyện Như Thanh, Tĩnh Gia và Triệu Sơn, giúp khơi dậy tiềm năng phát triển của các vùng khó. Tuyến đường chạy dọc ven biển từ KKT Nghi Sơn nối với KCN Đông Hồi của tỉnh Nghệ An cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Hàng chục tuyến đường nội khu trong KKT Nghi Sơn cũng giúp người dân trong vùng có hạ tầng giao thông khang trang, đẩy mạnh việc giao lưu phát triển kinh tế.
Cũng nhờ phát triển hạ tầng xã hội tại các KKT, KCN, người dân ở các địa phương trong vùng đã được hưởng lợi trực tiếp. Nhiều khu tái định cư khang trang, các khu cư xá, khu nhà ở công nhân được xây dựng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cũng như phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Riêng tại KCN Lễ Môn, đã có 2 tòa nhà ở xã hội dành cho công nhân đã đi vào hoạt động. Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân khác đang được đầu tư xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực được kêu gọi đầu tư tại KKT Nghi Sơn có máy móc thiết bị hiện đại, với quy mô giai đoạn 1 là 300 giường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Gần đây nhất là năm 2019, tốc độ sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh tăng tới 32,6%. Sự hoạt động hiệu quả của những dự án lớn, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, dây chuyền 1 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các doanh nghiệp may mặc và giầy da trên địa bàn tỉnh... đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Cụ thể, trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt (GRDP) 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, mà cụ thể hơn là sự phát triển của các KKT, KCN đã và sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu đưa kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Nguồn: Baothanhhoa.vn
 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995