Trong những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có sự phát triển kinh tế xã hội ấn tượng. Từ một tỉnh nghèo, năng lực cạnh tranh thấp, bằng nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, chính quyền địa phương đã từng bước đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Để khắc họa rõ nét hơn bức tranh kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư của Thanh Hóa trong năm vừa qua, PV báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Xin ông cho biết những thành tựu về kinh tế của Thanh Hóa trong năm 2016.
Năm 2016 là một năm thế giới và Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong phát triển kinh tế. Trong bối cảnh như vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa vẫn nỗ lực không ngừng vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những kết quả khích lệ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo đánh giá so sánh năm 2010 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 8,39% so với cùng kỳ); trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,52%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,96%; các ngành dịch vụ tăng 8,83%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 9,16%. Trong 9,05% tăng trưởng của năm 2016, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,11 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 3,05 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,44 điểm phần trăm.
Tỷ trọng các ngành trong GRDP năm 2016: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 16,6%, giảm 1,2%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 40,5%, tăng 1,2%; các ngành dịch vụ chiếm 38,5%, bằng năm 2015; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,4%, bằng năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt 34,2 triệu đồng, theo USD đạt 1.544 USD.Tính chung 11 tháng 2016 tỷ lệ hộ thiếu đói 0,01%, giảm 0,02% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 (theo chuẩn mới nghèo đa chiều) ước còn 11,00%, đạt mục tiêu đề ra và giảm 2,51% so với năm 2015.
Năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, bằng 97,7% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 11.100 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán, tăng 0,1% so cùng kỳ. Các khoản thu tăng so cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp Nhà nước trung ương tăng 8,4%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,9%; thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 7,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 61,6% so với cùng kỳ.Ước tính đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 61.750 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2015; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 73.150 tỷ đồng, tăng 19,0% so với năm 2015...
Những năm gần đây Thanh Hóa được biết đến là địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước rất mạnh, ông có thể trao đổi kỹ hơn về lĩnh vực này.
Năm 2016, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thanh Hóa đạt 113.870,6 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ, trong đó các đơn vị địa phương quản lý 12.043,3 tỷ đồng, tăng 16,8%; các đơn vị trung ương quản lý 15.233 tỷ đồng, tăng 27,6%; vốn ngoài Nhà nước 37.846,4 tỷ đồng, tăng 17,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 48.747,9 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ngoài Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ; riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ là do dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện việc đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị tập trung chủ yếu trong các năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016; cuối năm 2016 dự án cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư, chuẩn bị chạy thử để vận hành thương mại trong quý III năm 2017.
Các dự án lớn khởi công trong năm 2016 gồm: Dự án Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) do tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư (vốn do Chính phủ Việt Nam tài trợ); Dự án Trung tâm thương mại Vincom; dự án Trụ sở làm việc của Thành ủy - HĐND - UBND và các đoàn thể thành phố Thanh Hóa, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT); khu đô thị Sao Mai, Triệu Sơn; dây truyền 2 Nhà máy xi măng Long Sơn. Các dự án lớn hoàn thành trong năm gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1); Dự án xây dựng Khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Thọ Xuân; Nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu; dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương; không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 1); đường Trần Nhân Tông, thị xã Sầm Sơn.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (dự án FDI) đăng ký mới, với số vốn đăng ký là 148 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 66 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.528 triệu USD, trong đó có 26 dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp với số vốn đầu tư đăng ký trên 10.165 triệu USD; 40 dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp với số vốn đăng ký 363 triệu USD.
Xin ông chia sẻ những giải pháp Thanh Hóa đã thực hiện để thu hút đầu tư như trên?
Có thể nói môi trường đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Cùng với sự phát triển kinh tế, Thanh Hóa chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn sát cánh cùng nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ…. Tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động đối ngoại. UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch... các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính trong và ngoài nước như KCCI, JETRO, WB, ADB, JICA và các tổ chức lớn khác để cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ chế, chính sách, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm vào địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Thanh Hóa đã chỉ đạo giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, bổ sung và ban hành mới nhiều cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, DN đầu tư vào KKT Nghi Sơn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn từ 11 năm đến 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề dự án; Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. DN cũng sẽ được hưởng mức thuế suất thu nhập DN 10% trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập DN 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, DN được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo tài sản cố định; Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi dự án đi vào sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế.
Ngoài KKT Nghi Sơn, DN đầu tư vào các KCN cũng sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước; Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 7 - 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động, tùy theo lĩnh vực ngành nghề dự án. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với dự án thuộc một số lĩnh vực theo quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, với mong muốn thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, Thanh Hóa cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, gọn nhẹ; Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Cung cấp đủ quỹ đất và hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi; Cung ứng đủ nguồn nhân lực có chất lượng; Đảm bảo an ninh trật tự.
Nhằm củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư, Thanh Hóa xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh và đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trực tiếp, có trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách nhằm đến một mục tiêu duy nhất: “Thành công của DN chính là thành công của tỉnh. Lợi ích của DN là mục tiêu trước mắt và lâu dài của tỉnh Thanh Hoá”.
Cảm ơn ông.
Theo Pháp luật Online