Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp ở khu vực miền núi

Đăng lúc: 08:10:48 06/08/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực miền núi có xu hướng tăng. Có được kết quả trên là do nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút DN đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 
Công nhân làm việc tại Công ty CP Dohata Thanh Hóa (Thường Xuân). 
 
Như Thanh là một trong những huyện còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm trong công tác chỉ đạo của UBND huyện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, giao thông thuận lợi, tạo điều kiện để huyện Như Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Qua đó, 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 25 DN mới được thành lập, nâng tổng số DN trên địa bàn huyện lên 270 DN. Nhiều DN mới được thành lập đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào ngân sách của địa phương, như: Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hoàng Sơn, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Tiến, Công ty TNHH Chế biến lâm sản Xuân Quyền... 
 
Công ty TNHH may Minh Nguyên tại Khu phố Vĩnh Long 1, thị trấn Bến Sung là một trong những DN mới được thành lập trên địa bàn huyện Như Thanh, với sản phẩm túi bao bì được xuất khẩu sang các nước, như: Pháp, Nhật Bản, Braxin... Anh Hà Văn Thành, giám đốc DN cho biết: “Khi mớt bắt đầu thành lập công ty, tôi đã được UBND huyện Như Thanh ủng hộ, tạo điều kiện nhanh chóng đăng ký giấy phép kinh doanh và mặt bằng để xây dựng xưởng may”. Việc thành lập DN đã giúp anh tiếp cận với thị trường quốc tế, từ đó mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, DN của anh còn tạo việc làm và thu nhập cho gần 100 lao động trên địa bàn và các huyện lân cận với thu nhập bình quân từ 3 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được hiệu quả trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút DN, UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 12-9-2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển DN trên địa bàn huyện Như Thanh”. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp, như: Đầu tư xây dựng, sửa chữa một số tuyến giao thông trọng điểm. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại DN trên địa bàn, từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện đã chủ động phối hợp với các DN mở 3 lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư, tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực đầu tư phát triển vào các lĩnh vực, như: Thương mại, dịch vụ, công nghiệp gắn với chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. 
 
Đối với huyện Thường Xuân, việc xây dựng môi trường kinh doanh “thông thoáng” đã trở thành động lực thu hút các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, UBND huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh, khai thác lợi thế, tiềm năng của huyện để “mời chào” các nhà đầu tư. Nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn, 6 tháng đầu năm 2018, trong tổng số 100 DN đăng ký thành lập, đã có 9 DN đi vào hoạt động; doanh thu của các DN là 300 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ. 
 
Sự nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển DN của các địa phương ở khu vực miền núi thể hiện rõ qua sự phát triển cả về số lượng DN và quy mô. Trong 6 tháng đầu năm 2018, khu vực miền núi có 145 DN thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ và bằng 37% so với kế hoạch. Sự phát triển trên đã thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, cung ứng kịp thời những mặt hàng thiết yếu với giá cả tương đối ổn định. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền núi. Để có được sự phát triển lâu dài, theo ông Nguyễn Hoàng Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Như Thanh: Thời gian tới, huyện Như Thanh sẽ tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục hồ sơ thành lập DN, tạo điều kiện tốt nhất để các DN mới được thành lập phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ưu tiên nguồn vốn, huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hoặc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối với các địa phương lân cận. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết vướng mắc, kiến nghị của DN. 
Báo Thanh Hóa điện tử
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995