Trong quá trình phát triển kinh tế, thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động, tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 9-8-2017; trên địa bàn tỉnh có 70 CCN, diện tích 2.113 ha. Trong đó, vùng đồng bằng 36 cụm, tổng diện tích 1.039,5 ha; vùng ven biển 13 cụm, tổng diện tích 449,8 ha; vùng miền núi 21 cụm, tổng diện tích 647,3 ha. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh số CCN đang xây dựng 45/70 cụm, đạt 64,29%. Các CCN thu hút 289 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy 27,9%, tạo việc làm cho khoảng 36.966 lao động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có nhiều CCN hoạt động hiệu quả, như: CCN Vức, phía Tây Nam, TP Thanh Hóa có 42 dự án thuê đất với diện tích 29,53 ha, tỷ lệ lấp đầy 55,93%, tạo việc làm cho 500 lao động. CCN Hà Phong 1 (xã Hà Phong, huyện Hà Trung) có 8 dự án thuê đất với diện tích 9,43 ha, tỷ lệ lấp đầy 94%, tạo việc làm cho 530 lao động. CCN liên xã Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền (Triệu Sơn), 9 dự án thuê đất với diện tích 9,69 ha, tỷ lệ lấp đầy 20%, tạo việc làm cho 1.026 lao động... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cho thấy, việc thu hút đầu tư vào nhiều CCN vẫn còn gặp khó khăn. Những khó khăn chủ yếu, như: Toàn bộ các CCN đều chưa được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, do vốn đầu tư hạ tầng cho 1 CCN là khá lớn, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu di dời của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, cũng như các doanh nghiệp thành lập mới có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tại các CCN. Hơn nữa nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương còn hạn hẹp; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút dự án vào CCN còn hạn chế nên đến nay mới có 45/70 CCN có dự án đầu tư, một số CCN đã quy hoạch từ nhiều năm nhưng chưa thu hút được dự án nào vào đầu tư. Công tác quản lý Nhà nước trước, trong và sau quá trình đầu tư đối với CCN còn nhiều bất cập, chồng chéo, kém hiệu quả, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các CCN trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2581/2012/QĐ-UB ngày 14-8-2012. Ngoài ra, việc thiết lập chế độ thông tin báo cáo hàng tháng, quý, năm của UBND cấp huyện với Sở Công Thương chưa bảo đảm theo quy định của UBND tỉnh về phát triển CCN trên địa bàn.
Để thu hút đầu tư hiệu quả vào các CCN trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Sau khi nghiên cứu các lợi thế của từng CCN về nguồn nguyên liệu, nguồn lao động, nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp; lợi thế về hạ tầng giao thông, điện, nước..., quy hoạch ngành nghề kinh doanh tại CCN của các vùng trên địa bàn tỉnh. Vùng đồng bằng là nơi có nhiều đầu mối giao thông liên vùng thuận lợi, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217..., cùng hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá thuận tiện. Do đó, dự kiến thu hút đầu tư vào các CCN của vùng này, gồm: Công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, dụng cụ thiết bị y tế, may mặc, da giày, vật liệu xây dựng, phân bón, chế biến thực phẩm, đồ uống, gỗ, giấy bao bì, nghề tiểu thủ công nghiệp... Đối với vùng ven biển, là nơi thuận lợi nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và là vùng có nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, như: Chế biến hải sản, mộc dân dụng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, cơ khí... Do đó, dự kiến thu hút đầu tư vào các CCN của vùng này, gồm: May mặc, da giày, chế biến thủy, hải sản, chế biến cói, mộc dân dụng, sản xuất phân bón, chế biến thực phẩm, đồ uống, gỗ, giấy bao bì, nghề tiểu thủ công nghiệp... Miền núi là vùng khó khăn nhất của tỉnh, các công trình kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, trình độ dân trí thấp... nhưng có lợi thế về nguyên liệu, nguồn lao động dồi dào..., nên dự kiến thu hút đầu tư vào các CCN của vùng này, gồm: Công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, sản xuất hàng thủ công nghiệp.
Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương và vốn vay doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi, nhà ở xã hội phục vụ công nhân làm việc trong CCN. Xây dựng bộ đơn giá quyền sử dụng đất, thực hiện chính sách miễn giảm tiền cho thuê đất trong CCN. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh trong CCN. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực của các cơ sở dịch vụ công. Khuyến khích đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, năng lượng, ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng lao động cho doanh nghiệp tại các CCN. Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao về làm việc. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến để các doanh nghiệp áp dụng có hiệu quả vào sản xuất. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường. Tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý môi trường cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong CCN và các địa phương; đồng thời, ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN.
Báo Thanh Hóa