Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Đăng lúc: 09:57:55 04/01/2018 (GMT+7)

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập hiện nay. Doanh nghiệp sẽ có điều kiện, tiềm lực kinh tế cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, kết nối thị trường cho nông sản.

 Xác định được điều này, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Tính riêng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.000 tỷ đồng. Thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 583 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa cũng như đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản vào quá trình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã gặt hái được hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. “Cánh chim đầu đàn” trong đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa phải kể đến Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong hợp tác với nông dân nhiều huyện trong tỉnh sản xuất mía đường. Gần đây, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, công ty đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học hiện đại cho nhiều tập thể và cá nhân khác; đồng thời trồng nhiều cây trồng hàng hóa trong nhà lưới trên vùng đồi Lam Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp này còn thuê đất tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, với tổng diện tích 280 ha để sản xuất mía và lúa hữu cơ – một hướng đi mới trong lĩnh vực trồng trọt. Tại các huyện Cẩm Thủy và Thường Xuân, một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Tâm Thuận Thành cũng đang thành công với mô hình đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng tập trung theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích ban đầu 40 ha. Các công ty đầu tư vào lĩnh vực bò sữa như: TH Truemilk, Vinamilk cũng đã và đang khẳng định sự đầu tư đúng hướng vào nông nghiệp bằng các trang trại bò sữa quy mô lớn trên đất Thanh Hóa...

Trên những “bờ xôi ruộng mật” các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống..., nhiều năm nay, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa và Công ty CP Giống cây trồng Trung ương đều thuê đất hoặc liên kết (mỗi vụ khoảng 600 ha) để sản xuất các loại lúa giống, ngô giống, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần canh tác truyền thống. Không để bị động trong nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cũng thuê hàng chục héc – ta ao nuôi mỗi năm để nuôi cá rô phi xuất khẩu. Đa phần các mô hình sản xuất nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống.

Để thuận lợi hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến thời điểm hiện tại, đã có 24 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đạt 8.548 ha; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 2.348 ha, lĩnh vực chăn nuôi 4.552 ha, lĩnh vực thủy sản 1.648 ha. Trên cơ sở đó, các địa phương đã xác lập được nhiều hình thức tích tụ đất đai, gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, góp đất, liên kết sản xuất để 29 doanh nghiệp, 11 HTX và hàng nghìn cá nhân đứng ra tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Trong năm 2017 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tích cực đầu tư vào các địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên từng đơn vị diện tích. Công ty CP Nông sản Phú Gia đã xây dựng được chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn nhiều huyện trong tỉnh. Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt (Hà Nội) đã liên kết với nông dân các huyện: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hậu Lộc..., xây dựng các mô hình trồng khoai tây với tổng diện tích gần 1.000 ha, cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng khoai tây truyền thống, đồng thời bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Gần đây, hàng chục doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng mạnh dạn đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bước đầu cho thấy sự đầu tư đúng hướng khi ngày càng có nhiều khách hàng tin dùng.

Từ những thành quả trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án “Tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 – 2025”. Theo dự kiến, đề án này sẽ trình UBND tỉnh vào đầu năm 2018 để triển khai thực hiện, mở ra kỳ vọng hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp dựa vào doanh nghiệp.

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995