Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Thanh Hóa, nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh nổi bật và hấp dẫn của tỉnh; các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh; giới thiệu, cung cấp thông tin về các lĩnh vực, dự án mà tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hội nghị cũng sẽ là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa nhằm tìm kiếm cơ hội, liên kết hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Uông Chu Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Minh Hưng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bên cạnh đó có còn các đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật và Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Bạc Liêu, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Ninh Quảng Nam cùng một số đại diện lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Và lãnh đạo các tổng công ty, các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Boston Consulting Group, Tập đoàn DIMORA…
Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 diễn ra tại quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nói, du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà FLC đặc biệt thành công ở đây.
Mạnh mẽ đầu tư hạ tầng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 03 vùng kinh tế: trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư.
Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào...
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào.
Tỉnh cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đảm bảo hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư; Khu kinh tế Nghi Sơn là khu kinh tế được đặc biệt ưu đãi về thuê đất và các chính sách thuế.
Tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 trung tâm hành chính công cấp tỉnh, trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quy định lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, vào ngày 21 hàng tháng; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
5 trụ cột và 3 nhất
Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giới thiệu, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.
Với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”: (1) Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; (2) Chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; (3) Giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.
Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững, ông Nguyễn Đình Xứng nói.
Sẽ đi nhanh hơn nếu chính quyền Thanh Hóa cùng đồng hành với các doanh nghiệp
Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu về thế mạnh, vai trò của tỉnh Thanh Hóa trong hợp tác phát triển vùng:
Phát triển công nghiệp kinh tế tư nhân đang trở thành một nội dung quan trọng cho nền kinh tế. Một trong những thông điệp của hội nghị đối thoại lần này là sự đồng hành của chính phủ, thủ tướng chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Nói đến Thanh Hóa là nói đến vùng đất địa linh nhân kiệt. Thanh Hóa còn giữ 1 vị trí lý tưởng về địa lý, kết nối toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ với Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cần khơi dậy và phát huy bản sắc truyền thống của địa phương, đi đầu trong phát triển kinh tế, tỉnh sẽ biến điều đó thành sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng phát triển tỉnh ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Mạng lưới hạ tầng giao thông bước đầu được hình thành đồng bộ.
Tiềm năng cơ hội là rất lớn khi Thanh Hóa phát triển trở thành 1 trung tâm để tạo nên sức lan tỏa lớn trong vùng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Về định hướng phát triển chiến lược. Nếu xác định đúng hướng đi thì ta sẽ đi đến đích nhanh hơn. Thanh Hóa đã phát hiện được mục tiêu chính xác để trở thành một cực tăng trưởng của vùng. Cần chuẩn bị về quy hoạch, thể chế, phát triển hạ tầng, năng lượng, nhân lực… để sẵn sàng hấp thụ được các dự án lớn có nguồn đầu tư trong và ngoài nước.
Quy mô kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn do đó cấp độ tăng trưởng của tỉnh cần đẩy lên trên 10%/năm. Thanh Hóa hướng đến năm 2030, quy mô kinh tế của tỉnh đạt mức 50 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người có thể đạt trên 10.000 USD.
Kết hợp với các chuyên gia hàng đầu thé giới, Thanh Hóa sẽ giới thiệu được những định hướng rõ ràng, thu hút nhiều cơ hội tốt.
Tôi nhất trí với 5 trụ cột mà Thanh Hóa đưa ra.
Về phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, trong bối cảnh hiện nay, Thanh Hóa cần tận dụng kết hợp với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và khả năng kết nối hiệu quả về giao thông. Nếu không tận dụng tốt cơ hội này, con đường đến đích sẽ dài hơn rất nhiều.
Với Thanh Hóa, Sầm Sơn là điểm du lịch hấp dẫn nhưng điều đó là chưa đủ khi 100km bờ biển còn chưa được khai thác. Cần khai thác tối đa tiềm năng du lịch kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, tổ chức sự kiện,… phải xây dựng được một mô hình quản lý sản phầm du lịch hợp lý để tạo nên bản sắc riêng.
Về dịch vụ y tế, hiện tại có chất lượng dành cho các đối tượng có mức thu nhập trung bình là định hướng có hiệu quả. Đây là ý tưởng tốt cần triển khai nhanh. Tuy nhiên để tận dụng, tỉnh cần phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thông qua nhiều hình thức phù hợp.
Thanh Hóa có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả cao thay vì giá trị cao, đồng thời thu hút được các doanh nghiệp đầu tư gắn với nông nghiệp liên kết với người dân địa phương, giải quyết được các đầu ra.
Quan trọng nhất với Thanh Hóa về phát triển mô hình này là giải quyết được các vấn đề đất đai, vướng mắc với các doanh nghiệp để người dân địa phương làm quen dần với mô hình công nghệ hiện đại.
Về phát triển hạ tầng, một định hướng phát triển có tầm nhìn thì phải giải quyết được vấn đề then chốt là kết cấu hạ tầng. Tôi cho rằng, Thanh Hóa ko cần phải xây dựng nhiều đường nhưng đường phải có chất lượng, đảm bảo giao thông thuận lợi, kết nối với được các địa phương xung quanh và các tuyến đường trọng điểm. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế nên tỉnh cần có cơ chế tốt để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào đầu tư thông qua hình thức PPP. Thanh Hóa cũng phải quan tâm về phát triển cơ cấu hạ tầng về năng lược, rác thải, … nhằm thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh.
Bài học về môi trường vẫn đang bên cạnh chúng ta một thời gian dài, nên đầu tư cần hướng đến phát triển xanh và phát triển bền vững.
Đối với tỉnh thì không gì quan trọng bằng cơ hội, nếu để cơ hội trôi qua thì rất khó để dừng lại. Nhiệm vụ hiện tại là phải đi thật nhanh để đến đích, để thành công thì không thể đi một mình. Chúng ta sẽ đi nhanh hơn nếu chính quyền Thanh Hóa cùng đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Tôi tin Thanh Hóa sẽ là câu chuyện thành công kỳ diệu về kinh tế"
Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam lên trình bày một số nội dung chính của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040:
3 đột phá chiến lược để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam (Theo báo cáo của Đại Hội Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Kỳ họp thứ XI, 8/1/2016) là:
- Phát triển nguồn nhân lực và năng lực khoa học & công nghệ
- Thu hút đầu tư (trong nước và FDI) và cải thiện môi trường kinh doanh
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: giao thông vận tải, phát triển đô thị, cung cấp điện nước
Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam
Những năm gần đây chứng kiến sự chuyển dịch lịch sử hoạt động chế biến/chế tạo của MNC1 ra ngoài Trung Quốc và hướng tới Việt Nam.
Thị phần ngành công nghiệp nhẹ của Trung Quốc đã giảm dần trong 5 năm trở lại đây do gia tăng chênh lệch lương lao động so với quốc gia lân cận.
Nhu cầu chuyển dịch đầu tư chế biến/chế tạo từ Trung Quốc tạo cơ hội lớn hơn cả khả năng tiếp nhận ở miền Bắc Việt Nam.
Chế biến/chế tạo đã tạo ra 170 nghìn việc làm tại TH trong 5 năm trở lại đây, chiếm ~19% lực lượng lao động Thanh Hóa trong năm 2016.
Về phát triển nguồn nhân lực: Các phương án đào tạo của Thanh Hóa sẽ được điều chỉnh lại để hỗ trợ nhu cầu thị trường lao động tương lai. Đào tạo nghề: 2,1 triệu lao động (1,2 triệu trong chế biến/chế tạo và dịch vụ)
Phổ thông – Đai học: 3,1 triệu lao động (2,6 triệu trong chế biến/chế tạo và dịch vụ) tới năm 2030
Quy hoạch hạ tầng lớn: các dự án PPP quy mô lớn sẽ được thực hiện và hỗ trợ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam
Sự tăng tốc phát triển kinh tế sắp tới là rất lớn đối với tỉnh—Thanh Hóa sẽ tăng từ 3% của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lên 8% vào 2030.
Quy hoạch của Thanh Hóa tuy đầy tham vọng nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ xảy ra. Tôi tin rằng Thanh Hóa sẽ là câu chuyện thành công kỳ diệu về kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhật Bản bắt đầu dành sự chú ý cho Thanh Hóa
Ông Hironobu KITAGAWA, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội lên phát biểu về cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa:
Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO) có 45 văn phòng trong nước và 74 văn phòng nước ngoài đặt tại 55 nước trên thế giới, trong đó tại Việt Nam JETRO có hai văn phòng, một văn phòng ở Hà Nội và một văn phòng ở Hồ Chí Minh. Trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thì văn phòng JETRO Hà Nội phụ trách hoạt động xúc tiến thương mại tại 42 tỉnh và thành phố thuộc miền bắc và miền trung trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là hơn 2.500 công ty. Mỗi tháng số công ty đăng ký tham gia là thành viên của Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là khoảng 10-20 công ty.Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài thì số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong năm 2016 dựa trên giấy phép đã được phê duyệt là 549 dự án, nhiều nhất từ trước tới nay và tiếp tục có nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, đặc điểm đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam gần đây do sự mất giá của đồng Yên và do các doanh nghiệp lớn đã lần lượt đầu tư vào Việt Nam rồi nên hầu hết các dự án đầu tư gần đây đều là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Thực tế trong số 336 dự án đầu tư mới từ Nhật Bản năm 2016 thì có đến 301(gần 90%) dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu đô. Chủng loại ngành nghề thì ngoài những doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất, chế tạo thì gần đây có nhiều doanh nghiệp ở các ngành khác như bán lẻ, hàng ăn, giáo dục, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp có ghé qua văn phòng của chúng tôi để nhận sự tư vấn.
Gần đây cùng với sự rút ngắn thời gian di chuyển trong nước do có đường cao tốc nên các doanh nghiệp đầu tư mới từ Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam bắt đầu dành sự quan tâm cao tới địa điểm đầu tư là các địa phương và tỉnh Thanh Hóa cũng là một trong số đó.
Như các vị đã biết, tỉnh Thanh Hóa có vị trí cách thủ đô Hà Nội chỉ 150Km, là tỉnh cửa ngõ nối miền bắc và miền trung Việt Nam, tỉnh có khu kinh tế Nghi Sơn nhận được sự chú ý rất lớn từ các Doanh nghiệp Nhật Bản.
Mức lương tối thiểu dành cho công nhân của tỉnh Thanh Hóa so với các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng thì thấp hơn 20-30%. Ngoài ra tỉnh Thanh Hóa cũng là tỉnh thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về dân số lao động, đây là một lợi thế rất lớn đối với những Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tập trung.
Theo thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài gần đây thì số lượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thanh Hóa là 14 dự án với tổng số vốn đầu tư là 9,730 triệu USD, cao hơn cả tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cộng lại, vượt qua tất cả các tỉnh thành phố khác và đứng đầu cả nước.
Tại khu kinh tế Nghi Sơn dự án xi măng Nghi Sơn do Taiheiyo Cement và Mitsubishi Materials đầu tư đã đi vào hoạt động.
Cũng tại khu kinh tế này dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn do Idemitsu Kosan và Mitsui Chemicals đầu tư cũng đang bước đầu đi vào hoạt động. Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II do chủ thể chính là Marubeni cũng đang bắt đầu triển khai.
Ngoài ra, trong tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất và chế tạo đã và đang đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa cũng được ban phát về tài nguyên du lịch như bãi biển Sầm Sơn thu hút rất đông khách tham quan vào mùa hè, ngoài ra còn có di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, về trung và dài hạn thì lĩnh vực du lịch cũng sẽ được các nhà đầu tư quan tâm.
Thanh Hóa cũng là tỉnh rất nhiệt tình trong hoạt động thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản. Tháng 10 năm 2016 tỉnh cũng tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Tokyo và Osaka, việc tỉnh rất nỗ lực trong việc phát đi các thông điệp về thông tin môi trường đầu tư là điều đáng được đề cập đến một cách đặc biệt.
Ngoài ra, trong hoạt động thu hút đầu tư, khu kinh tế Nghi Sơn và Ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh thu về một đầu mối thì đối với doanh nghiệp đầu tư là một điểm có lợi và thuận tiện.
Tại Jetro hàng năm chúng tôi đều thực hiện điều tra thực trạng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu á và Châu đại dương sau đó nhận được phản hồi về đánh giá môi trường đầu tư nơi mà doanh nghiệp đó đầu tư.
Năm 2016, trong số các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thì chúng tôi có nhận được phản hồi từ 630 doanh nghiệp.
Trước hết với câu hỏi điểm nào là lợi thế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam thì 63,4% doanh nghiệp trả lời rằng tình hình xã hội, chính trị ổn định là lợi thế lớn nhất, tiếp đến là quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng (57,5%), giá nhân công rẻ (54,1%) mỗi câu hỏi đều có hơn một nửa số doanh nghiệp nhìn nhận những điều trên là lợi thế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Mặt khác, đánh giá về những vấn đề (khó khăn) đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam thì có thể là các vị sẽ cảm thấy không thỏa mái lắm nhưng tôi cũng xin phép được chia sẻ.
Điều mà doanh nghiệp cho là rủi ro nhất đó là sự tăng giá nhân công (58,5%) tiếp theo là gần 50% cho rằng hệ thống luật chưa hoàn thiện và vận hành thiếu minh bạch (48,4%) khoảng hơn 40% cho rằng hạ tầng chưa hoàn thiện (44,4%) và thủ tục hành chính phức tạp (41,8%) là những khó khăn mà doanh nghiệp chỉ ra.
Ngoài ra, 34,9% doanh nghiệp cho rằng nghành công nghiệp hỗ trợ còn non yếu, chưa phát triển điều này thì Việt Nam sếp thứ 4 sau Myanma, Lào và Campuchia theo thứ tự từ dưới lên.
Trên đây là những vấn đề chung toàn Việt Nam, tôi rất mong Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ hợp tác và hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản nếu họ gặp khó khăn liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Doanh nghiệp Nhật Bản thì rất nghiêm túc và nhiệt huyết với công việc mới tại tỉnh Thanh Hóa và họ mong muốn có thể tiến hành công việc mà không gặp khó khăn trở ngại, do vậy tôi rất mong phía tỉnh hiểu chí hướng của những doanh nghiệp này để có biện pháp hỗ trợ họ.
Với những doanh nghiệp đang cân nhắc sẽ đầu tư thì thông thường họ sẽ tham khảo và lắng nghe những ý kiến, đánh giá của các doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa nên một lần nữa tôi rất mong nhận được sự quan tâm từ phía tỉnh đối với những doanh nghiệp này.
Tôi thực sự mong muốn rằng hội nghị lần này cũng là cơ hội tốt để Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa có thể làm sâu sắc thêm sự giao lưu kinh tế.
FLC Sầm Sơn là một minh chứng sống động cho thành công của tỉnh Thanh Hóa
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của nhà đầu tư lớn nhất Thanh Hóa trong nhiều năm trở lại đây:
FLC là một tập đoàn kinh tế tư nhân, hoạt động kinh doanh đa ngành, trong đó cốt lõi là đầu tư kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, Tập đoàn hiện đang triển khai hơn 40 dự án bất động sản, bao gồm các dự án nhà ở, văn phòng tại thủ đô Hà Nội và các quần thể du lịch nghỉ dưỡng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, như Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Bình Định và Quảng Ninh.
Các dự án của FLC đã góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, tạo ra hàng chục ngàn việc làm mỗi năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC
Tại Thanh Hoá, chúng tôi hiện đang là nhà đầu tư trong nước lớn nhất tỉnh, với hơn 10 dự án, tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Dự án tiêu biểu chính là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn rộng hơn 200 hecta, nơi đang diễn ra Hội nghị ngày hôm nay.
Cùng với tập thể cán bộ nhân viên Tập đoàn FLC, cá nhân tôi cũng cảm thấy rất vinh dự và tự hào về những thành tựu đó. Nhân dịp này, tôi xin phép được chia sẻ với quý vị một vài cảm nhận, kinh nghiệm của FLC khi đầu tư vào mảnh đất xứ Thanh này.
Cách đây ba năm, theo lời mời của Tỉnh Thanh Hoá, FLC chúng tôi đã quyết định về đây tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đứng trong khán phòng này, ngày hôm nay, trong tôi vẫn còn nguyên ký ức về chuyến đi khảo sát đầu tiên, khi nhận được lời chia sẻ của đồng chí Trịnh Văn Chiến, lúc đó là Chủ tịch UBND Tỉnh. Đồng chí nói: “Đã có nhiều doanh nghiệp thể hiện ý định đầu tư vào đây, tỉnh đã hết sức tạo điều kiện nhưng đều rút lui. Thanh Hóa chúng tôi hy vọng Tập đoàn FLC biến những lời hứa của mình trở thành hiện thực”.
Với những lời nói đó, khi ấy tôi hiểu đồng chí Trịnh Văn Chiến không chỉ thể hiện sự quan tâm lớn đối với dự án, mà cũng đồng thời phần nào “tạo áp lực” cho FLC - doanh nghiệp được xem là đi tiên phong trong việc thực hiện đầu tư lớn vào thị xã Sầm Sơn bấy giờ.
Thời đó, đứng trước một vùng gần 4 ki-lô-mét bờ biển hoàn toàn vắng lặng, hoang sơ, hầu hết là đầm lầy, chỉ có rất ít hộ gia đình sinh sống, nhiều người đã can ngăn chúng tôi thực hiện dự án này. Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm thi công gần như liên tục 24/24 giờ, giải ngân hơn 5.500 tỷ đồng, hẳn tất cả quý vị đã tận mắt được chứng kiến sự lột xác của vùng đầm lầy này.
Với hơn 1.000 phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao, cùng nhiều tiện ích cao cấp trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf dạng links do các đơn vị thiết kế hàng đầu thế giới thực hiện, FLC Sầm Sơn tự hào đã được chung tay góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch của Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Những hiệu ứng tích cực đến gần như tức thì, lượng du khách đến với Sầm Sơn tăng đột biến, đạt hơn 4 triệu lượt trong năm 2016, vượt mục tiêu đề ra. Kèm theo đó là việc làm và thu nhập cho hơn 3.000 lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để có được những sự thay đổi ngoạn mục này, cần có nhiều yếu tố. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố quan trọng, đó là chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của Thanh Hóa, là sự thông thoáng tạo điều kiện hết sức của các cấp chính quyền tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, vướng mắc của doanh nghiệp, là sự ủng hộ của người dân địa phương.
Đối với nhà đầu tư như chúng tôi, nếu như tiềm năng thị trường là điều kiện cần, thì môi trường đầu tư tại địa phương chính là điều kiện đủ. Một môi trường đầu tư tốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai dự án.
Dự án FLC Sầm Sơn được xem là một minh chứng sống động cho thành công của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.
Kính thưa đồng chí Thủ tướng Chính phủ,
Là một doanh nghiệp đã vinh dự được tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư trên nhiều tỉnh thành cả nước, tôi nhận thấy đây là diễn đàn hiệu quả để các nhà quản lý, các nhà đầu tư trao đổi, đối thoại, nhận diện về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của các địa phương, từ đó đề ra các cơ chế, giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn một năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của đồng chí Thủ tướng, Chính phủ đã thực hiện hiệu quả và triệt để nhiều chương trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động.
Đó sẽ là một luồng gió mới, tiếp thêm sức mạnh khơi dậy niềm tin, ý chí kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong một môi trường kinh doanh mới - nơi Chính phủ kiến tạo và doanh nghiệp thì sáng tạo.
Cuối tháng Tư vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cũng đã nâng mức triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “Ổn Định” lên mức “Tích Cực”. Đây được xem là một thước đo rất quan trọng về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với những quyết sách và hành động của đồng chí Thủ tướng và Chính phủ trong thời gian qua.
Sự kiến Đối thoại của Đồng chí Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp ngày hôm qua cùng những chỉ đạo ngay tức thì đã khiến cộng đồng doanh nhân chúng tôi vô cùng cảm kích, cùng chung tay nỗ lực dựng xây đất nước.
"Tự hào là một phần của sự hợp tác hữu nghị"
Ông DiMora, Người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) phát biểu:
Tôi là Sir Alfred J. DiMora, người sáng lập của DiMora Enterprises, LLC, có trụ sở tại Palm Springs, California. Công ty của chúng tôi tập trung vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất ô tô cao cấp, phát triển bất động sản, năng lượng mặt trời, điện thoại di động…
Tại Việt Nam, ngoài hoạt động sản xuất xe điện, cũng là chủ đề của bài phát biểu của tôi tối nay, chúng tôi cũng đang tập trung vào một dự án phát triển bất động sản rất lớn mà chúng tôi gọi là "DiMora Smart City". Do những hạn chế về thời gian, chủ đề này sẽ được thảo luận sau này. Các dự án này là sự đầu tư đáng kể vào thị trường Việt Nam,
Về chương trình xe điện của chúng tôi, chúng tôi rất tự hào khi hợp tác với công ty Mai Linh, dẫn đầu bởi ông Hồ Huy, để phát triển và sản xuất ôtô điện của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ thay thế đội tàu chở dầu xăng dầu hiện có trong thời gian ba năm tới.
Tôi không thể hình dung ra một đối tác tốt hơn ông Hồ Huy để hướng dẫn chúng tôi thực hiện thành công các khoản đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam. Ông là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, và không có lời nào là đủ để nói về lòng tốt của ông.
Khi chương trình của chúng tôi đang được tiến hành, bên cạnh xe ô tô điện cho các ứng dụng taxi, chúng tôi cũng sẽ cung cấp các mô hình dành cho cộng đồng. Thông tin thêm về tất cả những nỗ lực của chúng tôi sẽ được công bố trong tương lai gần.
Chương trình Xe điện DiMora, mà chúng tôi gọi là "Dự án SunSource”, sẽ không chỉ là một lợi ích lớn vì đó là các ô tô không phát thải khí, mà còn là một ví dụ sinh động về sự lãnh đạo của công ty Mai Linh để giúp cung cấp xe ô tô được chế tạo hoàn toàn Ở Việt Nam với công nghệ tiên tiến, mang lại cho chúng ta sự an toàn về mặt hiện đại và các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
Chúng tôi cũng rất tự hào là một phần của sự hợp tác hữu nghị, hai bên cùng có lợi giữa Mỹ và Việt Nam.
Địa điểm sản xuất của chúng tôi sẽ được công bố vào tháng tới, tuy nhiên đến thời điểm này, tôi tự hào thông báo đường hướng hiện tại của chúng tôi đang hướng tới Khu công nghiệp Nigh Son ở Thanh Hóa.
Chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho chúng tôi và tỉnh Thanh Hoá bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua việc làm và cơ sở hạ tầng.
Dự án xe điện của chúng tôi dự kiến sẽ cần khoảng 500 triệu đô la Mỹ, đây không phải là con số đáng ngại vì chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các đối tác đầu tư, đối tác Việt Nam tuyệt vời, Mai Linh, và các tổ chức chính phủ rất ủng hộ ở cả cấp quốc gia, tỉnh và địa phương.
Khi chúng tôi triển khai chương trình này, chúng tôi sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến tốt nhất có thể để sản xuất xe ô tô an toàn, không ô nhiễm và độ tin cậy cao trên thị trường Việt Nam để bắt đầu và mở rộng ra bên ngoài Việt Nam theo thời gian.
Chính quyền Thanh Hóa luôn xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ
Ông Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa lên phát biểu:
Thanh Hóa là tỉnh giàu tiềm năng với nhiều lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không), cùng với đó sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sở ngành thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tạo điều kiện thuận lợi hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên ký cam kết với VCCI sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020...
Với những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng những lợi thế về tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm qua Thanh Hóa luôn là tỉnh trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư.
Cá nhân tôi vừa là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng đồng thời là một chủ doanh nghiệp, một nhà đầu tư trong tỉnh, tôi nhận thấy sự đổi mới về quan điểm chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền trong những năm gần đây và đặc biệt từ năm 2016 đến nay rất mạnh mẽ, chính quyền luôn xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Năm 2017, để tiếp nhận các phản ánh và giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã bố trí lịch tiếp doanh nghiệp định kỳ vào ngày 21 hàng tháng và giao cho Sở Tư pháp xây dựng quy trình về tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành tiếp nhận đầy đủ và giải quyết cụ thể, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 11.700 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động; nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh; đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa coi việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp Thanh hóa hợp tác, phát triển cả về việc làm, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Thay mặt đội ngũ doanh nhân trong tỉnh, chúng tôi bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển và cùng thắng lợi; cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư và tạo điều kiện cung cấp, trao đổi thông tin để các doanh nghiệp mới đến đầu tư, tiếp cận và triển khai dự án có hiệu quả.
Với trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu xây dưng phát triển doanh nghiệp tỉnh nhà đồng thời tuyên truyền và mở rộng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư về Thanh Hóa.
Chúng tôi mong Thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến tỉnh Thanh Hóa để Thanh Hóa phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phấn đấu Thanh Hóa là một trong những tỉnh khá vào năm 2020.
Thanh Hóa là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lên phát biểu chỉ đạo Hội nghị:
Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô rất lớn.
Không chỉ là số lượng nhà đầu tư trên 1.200, mà còn là chất lượng nhà đầu tư, được chọn lọc kỹ, cũng như đều đã, đang và sẽ đầu tư vào Thanh Hóa.
Tôi tính sơ bộ chỉ trong dịp này, chúng ta đã có hơn 30 dự án lớn được ký giấy phép đầu tư, đây là một kết quả rất lớn, rất đáng trân trọng.
Bác Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Hội nghị này sẽ là viên gạch cho câu nói của Bác.
Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi khẳng định Thanh Hóa là một vùng kinh tế năng động của Việt Nam, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư.
Thanh Hóa thực sự là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ điều kiện phát triển.
Những điều kiện cụ thể của tỉnh, cùng với tầm nhìn quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2040 đã nâng tầm Thanh Hóa và giúp tỉnh phát triển bền vững, ổn định và thành công hơn trong tương lai
Tôi không có đủ điều kiện thời gian để phân tích hết về hạ tầng cứng cũng như hạ tầng mềm của Thanh Hóa, nhưng tôi khẳng định Thanh Hóa là vùng đất của con người cần cù, thông minh, hiếu học, có nhiều thành tích trong khoa bảng trước đây. Còn giờ đây, học sinh Thanh Hóa đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi trong nước vào quốc tế. Đây là yếu tố hứa hẹn nguồn lực chất lượng cho Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai.
Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi như vậy, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, “kiểu mẫu” cũng là từ mà Bác Hồ đã sử dụng khi về thăm tỉnh.
Việc thứ nhất mà Thanh Hóa cần làm là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cụ thể hóa bằng lợi thế rộng lớn về đất đai, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn.
Chính quyền Thanh Hóa phải có quy hoạch tài nguyên đất một cách khoa học, hiệu quả để làm giảm chi phí đất đai cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, về lâu dài không bị mâu thuẫn, ảnh hưởng.
Việc thứ hai là tăng tính minh bạch trong môi trường kinh doanh, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Việc thứ ba là đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đây là điểm then chốt mà Thanh Hóa cần cải thiện. Chính quyền các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh để thu hút đầu tư. Không đươc để sự thụ động làm mất đi cạnh tranh của Thanh Hóa.
Tôi đồng ý với điều trong báo cáo mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu, đó là cần tối ưu hóa nền tảng sẵn có để phát triển lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản nói chung.
Đất đai rộng lớn, người nông dân chiếm tỷ lệ cao trong phát triển nông nghiệp. Chính vị vậy nghiên cứu phát triển nông nghiệp hướng tới nền công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao...
Thứ ba là dịch vụ. Đa dạng hóa loại hình dịch vụ, vì như chúng ta đã biết Thanh Hóa có nhiều di tích như thành Nhà Hồ, khu du lịch di tích lịch sử Lam Kinh, núi Hàm Rồng…
Du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà FLC đặc biệt thành công ở đây. Ngoài ra là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề...
Đó là với Thanh Hóa. Còn với các nhà đầu tư, hôm nay có đầy đủ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tôi đề nghị các quý vị làm ăn bài bản, lâu dài, với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể hôm nay chúng ta ký rất nhiều văn bản, nhưng chúng ta có hành động không? Phải hành động, và hành động mau lẹ, để thực hiện đúng các lời hứa.
Thứ ba, chúng ta luôn nói về mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường. Không thể làm kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Và thứ tư là cùng với Nhà nước đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.
Nhân dịp này, tôi cũng nói đôi điều về chính phủ để các nhà đầu tư yên tâm. Chính phủ cần thực hành một số công việc để góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam, đặc biệt với một tỉnh rộng lớn, đông dân như tỉnh Thanh Hóa.
Trước hết là nhanh chóng triển khai làm đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An. Mở rộng đường sắt, đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đưa tàu đến 10 vạn tấn hoạt động bình thường. Đường ven biển 100 km kết hợp dân sinh và phòng chống thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn ủng hộ quy hoạch chiến lược và chọn lựa danh mục ưu tiên để phát huy hiệu quả. Và Chính phủ tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Chính phủ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, thực hiện đúng Hiến pháp và thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương IV Khóa 12 về các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân.
Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công, không những thành công ở phía Đông ven biển của Thanh Hóa, đồng bằng Thanh Hóa, mà còn thành công ở phía Tây rộng lớn của Thanh Hóa, để đời sống của người dân nâng lên một mức mới.
Đó là khái niệm tăng trưởng bao trùm, đời sống của người dân về cả vật chất và tinh thần sẽ được cải thiện. Đó cũng là định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đưa ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.
Trên tinh thần đó, tôi xin chúc Thanh Hóa đoàn kết, quyết tâm và thành công. Xin trân trọng cảm ơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thanh Hóa là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng
Cam kết đồng hành, tiếp tục là đối tác tin cậy lâu dài của các nhà đầu tư
Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cho biết đây là sự kiện hết sức ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh.
Đảng bộ nhân dân tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhằm đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Ông Chiến cho biết, với tầm nhìn chiến lược, ngay từ lần đầu tiên trong 4 lần về thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò tỉnh Thanh Hóa phải trở thành 1 tỉnh kiểu mẫu. Từ đó đến nay, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đều tâm niệm quyết tâm phấn đấu sớm thực tiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thanh Hóa đang quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ. Các nhà đầu tư hãy cùng Thanh Hóa nắm bắt cơ hội, tiềm năng và thế mạnh để cùng phát triển, hiện thực hóa khát vọng đưa Thanh Hóa trở thành triung tâm kinh tế lớn ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, tiếp tục là đối tác tin cậy lâu dài của các nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao tại tỉnh Thanh Hóa.
Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, và các Ngân hàng thương mại trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho các nhà đầu tư.
Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II tại Khu kinh tế Nghi Sơn và quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng.
Ông Hisatsugu Hirai và ông Khonkoo Lee, Đại diện nhà đầu tư lên nhận Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II tại KKT Nghi Sơn. Dự có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 56.366 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).
Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Miền Trung, đại diện liên danh nhà đầu tư lên nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Dự án có quy mô 530 ha, có tổng mức đầu tư 3.255 tỷ đồng.
Lễ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho các nhà đầu tư
Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo
1. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn lên nhận chủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Dự án có công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 2.681 tỷ đồng.
2. Ông Rodny Scherzer, Đại diện theo ủy quyền của Công ty RS Schonbuch GmbH Co.KG (CHLB Đức) lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Nhà máy có công suất 130 MW, với tổng mức đầu tư 4.751 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp
3. Ông Lin Qiang Gao (Ông Lin Xẻng Kao), Giám đốc điều hành New Hope khu vực Châu Á lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi chế biến thực phẩm tại Xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành. Dự án có quy mô 500.000 con lợn/ năm, có tổng mức đầu tư 1.766 tỷ đồng.
4. Ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón tại Xã Minh Tiến, Ngọc Lặc. Dự án có quy mô 100.000 tấn thức ăn, 200.000 tấn nông sản và 150.000 con heo giống/ năm, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng.
5. Bà Lưu Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án có quy mô 20.000 con bò sữa/ năm, có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng.
6. Ông Lê Thành Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sản xuất rau an toàn, rau cao cấp; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; chăn nuôi lợn thịt. Dự án có quy mô 16.000 con bò thịt và 6.000 con lợn thịt/ năm, tổng mức đầu tư 2.439 tỷ đồng
Trong lĩnh vực du lịch
7. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mặt trời lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En. Dự án có quy mô 1.492 ha, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
8. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Fuhucorp lên nhận định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trạm dừng nghỉ tại KKT Nghi Sơn. Dự án có quy mô 15,5 ha, có tổng mức đầu tư 997 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và đô thị
9. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng Container Long Sơn tại KKT Nghi Sơn. Dự án có quy mô 1 - 1,2 triệu TEU/ năm, có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng.
10. Ông Nguyễn Bảo Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn. Dự án có quy mô 04 bến container và khu hậu cần cảng, công suất 6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.
11. Ông Lê Văn Tám, Đại diện Liên danh Công ty Sông Mã - Công ty Đông Sơn - Công ty đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ lên nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường vành đai Đông - Tây. Dự án có quy mô 137 ha, tổng mức đầu tư 1.127 tỷ đồng.
Bên cạnh 12 dự án vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa:
1. Dự án Nhà máy may Đông Sơn tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn của Công ty TNHH Thiệu Đô, quy mô 23,3 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng.
2. Dự án Trung tâm đào tạo nghề Tập đoàn Hong Fu và Trung tâm khai thác mẫu tại KKT Nghi Sơn của Công ty TNHH giày Annora Việt Nam, quy mô 2.800 học viên/ năm, tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng.
3. Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Yên Thái, huyện Yên Định của Công ty Cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La, công suất 30 MW, với tổng mức đầu tư 810 tỷ đồng.
4. Dự án Trung tâm sản xuất giống và thịt lợn hàng hóa chất lượng cao tại huyện Lang Chánh của Công ty TNHH MTV chăn nuôi RTD, APPE AC, T.I.G.E.R, quy mô 10.000 lợn nái/năm; 83.500 lợn thịt/năm; 160 tấn cá/năm, tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng .
5. Dự án Chuỗi chăn nuôi, giết mổ và chế biến gia cầm tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa của Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, quy mô chăn nuôi 44.000 con gà bố mẹ/năm và giết mổ 2.500 con gà/giờ, có tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng.
6. Dự án Làng ven hồ - Lakeside Village tại KKT Nghi Sơn của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Việt Nam, quy mô 4,27 ha, có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.
7. Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái BID tại xã Bình Minh, huyện Tĩnh Gia, quy mô 16,7 ha, tổng mức đầu tư 530 tỷ đồng của Công ty Cổ phần BID Group.
8. Dự án Bệnh viện đa khoa Hợp Lực tại khu vực Nghi Sơn của Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực, quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng.
9. Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa của Tổng Công ty Cổ phần thiết bị y tế Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, quy mô 500 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 793 tỷ đồng.
10. Dự án Khu dịch vụ y tế chất lượng cao Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa của Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung và Công ty Cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa, quy mô 300 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.
11 và 12. Dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, quy mô 70,69 ha, có tổng mức đầu tư 561 tỷ đồng và dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, quy mô 500 giường bệnh, có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng của Tập đoàn Sao Mai.
13. Dự án Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa của Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung - Công ty Cổ phần IDEC Việt Nam, quy mô 42,38 ha, tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng.
14. Dự án Nhà ở xã hội phường Quảng Thành của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Hợp Lực, quy mô 900 căn nhà chung cư nhà ở xã hội và 60 căn nhà ở thương mại, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng.
Lễ trao cam kết tài trợ vốn tín dụng của các ngân hàng cho các doanh nghiệp với đại diện 4 doanh nghiệp được các ngân hàng thương mại cam kết tài trợ vốn tín dụng lên sân khấu:
1. Ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Miền Trung;
Ông Phạm Quang Dũng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam lên trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho Ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Miền Trung để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung với số tiền 2.735 tỷ đồng.
Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lên trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho Ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Miền Trung để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khai thác hạ tầng Khu công nghiệp số 3 - Khu kinh tế Nghi Sơn với số tiền 700 tỷ đồng.
2. Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn;
Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam lên trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn để thực hiện dự án Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao Lam Sơn của Công ty CP mía đường Lam Sơn với số tiền 248 tỷ đồng.
3. Ông Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Tài chính Công ty CP Gang thép Nghi Sơn;
Ông Nguyễn Thiên Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam lên trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho Ông Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Tài chính Công ty CP Gang thép Nghi Sơn để thực hiện dự án Xây dựng bến số 3, 4, 5 cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn với số tiền 700 tỷ đồng.
4. Ông Phạm Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP nông sản Phú Gia.
Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lên trao hợp đồng nguyên tắc đầu tư tín dụng cho . Ông Phạm Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP nông sản Phú Gia để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trại gà giống Xuân Phú của Công ty CP nông sản Phú Gia với số tiền 200 tỷ đồng.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với các nhà đầu tư
Về phía các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lên sân khấu để thực hiện lễ ký:
1. Ông Dimora, Người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ)
2. Ông Hồ Huy, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư Hồ Huy
3. Ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn xây dựng Miền Trung đại diện Liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi.
4. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Mặt trời.
5. Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Tổng Giám đốc Đầu tư Tập đoàn BRG
Về phía tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lên sân khấu để ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư.
Thông tin về các biên bản đầu tư tại Hội nghị:
1. Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Liên danh Công ty TNHH MTV đầu tư Hồ Huy và Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) về việc đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện tại KCN số 3 - Khu kinh tế Nghi Sơn, quy mô 5.000 - 20.000 xe 5 - 7 chỗ/năm với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).
2. Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Tập đoàn Mặt trời về việc đầu tư các dự án gồm: Dự án Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp kết hợp du lịch biển Sông Đơ kết hợp du lịch biển tại thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ đồng và dự án khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2.000 tỷ đồng.
3. Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Tập đoàn BRG về việc đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện Quảng Xương với tổng mức đầu tư 7.737 tỷ đồng.
4. Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi về việc đầu tư dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng.
Tổng số dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 là 31 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ USD). Các ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn tín dụng cho 10 dự án, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, cảng biển, hạ tầng... với tổng số tiền trên 10.500 tỷ đồng.
Với số lượng dự án và tổng vốn đầu tư thu hút được, chắc chắn tỉnh Thanh Hóa sẽ có bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo bizlive.vn