Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKT NS&CKCN) trên địa bàn tỉnh đang trở thành lựa chọn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm đến. Đó chính là kết quả của quá trình thu hút đầu tư ngày càng đổi mới của tỉnh, các địa phương và các ban, ngành chức năng liên quan.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh như Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Thanh Hóa, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa... triển khai nhiều chương trình kêu gọi đầu tư về tỉnh nhà. Trong năm qua, ban đã hoàn thiện đề cương chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 11847/UBND-THKH ngày 14-10-2016. Ban cũng đã cập nhật, biên soạn bổ sung tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh và dịch sang tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu các thông tin để đầu tư vào Thanh Hóa. Thời gian gần đây, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa còn thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đầu tư giữa ban với các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể: Ký MOU với Tập đoàn Hyosung về triển khai các hoạt động nghiên cứu đầu tư; ký MOU với Tập đoàn Ecotech – Mỹ về việc nghiên cứu đầu tư Dự án hệ thống xử lý nước thải KKTNS, ký MOU với Công ty Royale Star Holding Limited – Singapore; ký MOU với Công ty CP Solftech... Để thuận lợi cho các tổ chức tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thông tin, tìm hiểu các thông tin cần thiết về Thanh Hóa, đầu tháng 3 – 2017, UBND tỉnh đã đồng ý để Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa thành lập văn phòng đại diện tại tầng 22 Tòa nhà Lotte, 54 Liễu Giai (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Phụ trách tại văn phòng là một tiến sĩ đã hoàn thành khóa du học từ Vương quốc Anh, có khả năng ngoại ngữ tốt. Đây là đơn vị cấp phòng, trực thuộc Ban Quản lý KKTNS & CKCN tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chức năng là đầu mối giao dịch với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức tài chính phi chính phủ và quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại TP Hà Nội. Bên cạnh đó, văn phòng cũng là nơi tham mưu cho Trưởng Ban Quản lý KKTNS & CKCN tỉnh Thanh Hóa trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, tiếp nhận, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư vào KKTNS & CKCN trong tỉnh. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ vận hành bàn đàm phán Nhật Bản (Japan Desk) và đàm phán với các nhà đầu tư khi tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa... Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục hành chính và sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa.
Ngay trong những tháng đầu năm này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có các cuộc tiếp xúc và làm việc với nhiều đoàn công tác quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á; công ty, tập đoàn của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... để tranh thủ vận động tài trợ, thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác với các tỉnh trong nước và khu vực. Cùng thời điểm, tỉnh cũng tổ chức thành công chương trình gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với kiều bào Thanh Hóa nhằm kêu gọi bà con đầu tư về quê nhà. Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để trực tiếp nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nhân, nắm bắt những phản ánh, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Những đổi mới mạnh mẽ trong thu hút đầu tư đã và đang gặt hái nhiều “quả ngọt” với hàng loạt các dự án được đầu tư vào KKT NS&CKCN tỉnh. Một trang mới trong thu hút đầu tư của tỉnh đã và đang mở ra, mang theo kỳ vọng lớn về sự phát triển trên nhiều mặt.
Báo Thanh Hóa điện tử