Đây là cơ hội tốt để hai bên sớm có được những thỏa thuận hợp tác đầu tư, hỗ trợ và bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Ngày 16-9, UBND tỉnh Thanh Hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa Nhật Bản và Việt Nam”, tại Thanh Hóa.
Dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm liên minh các nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ngài Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, các quan chức phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện các tổ chức xúc tiến và đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhật Bản.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.
Phát biểu chào mừng tại buổi tọa đàm, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm liên minh nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật nêu rõ: Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Hiện nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tốt đẹp chưa từng có. Đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định: Tọa đàm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Thanh Hóa là cơ hội tốt để tỉnh thu hút và xúc tiến các dự án đầu tư từ Nhật Bản. Đồng chí mong muốn, hai bên sớm có được thỏa thuận hợp tác đầu tư, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để cùng phát triển, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng và có nhu cầu hợp tác.
Thay mặt đoàn công tác Nhật Bản, ngài Đại sứ Hiroshi Fukada phát biểu bày tỏ tin tưởng vào nền kinh tế tương lai của Việt Nam, đồng thời khẳng định: các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp vai trò quan trọng để biến mục tiêu này thành hiện thực. Ngài đại sứ mong muốn Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai bên cần tăng cường đối thoại, xây dựng các nội dung hợp tác hết sức cụ thể để triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Tiếp đó, các đại biểu được nghe đồng chí Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giới thiệu những nét cơ bản về đặc điểm tình hình, tiềm năng thế mạnh và cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến 5 yếu tố là: vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đầy đủ và đang từng bước hoàn thiện; sự phong phú về địa hình, hệ sinh thái và các tài nguyên thiên nhiên; nguồn nhân lực dồi dào, đang ở thời kỳ cơ cấu kinh tế vàng với 2,1 triệu lao động trình độ văn hóa tương đối cao; nền kinh tế ổn định và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giới thiệu sâu về Khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng và những lợi thế so sánh, cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: đối với tỉnh Thanh Hóa, Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược hàng đầu. Nhà đầu tư Nhật Bản luôn duy trì, củng cố mối quan hệ và uy tín với chính quyền, nhân dân địa phương thông qua những dự án sử dụng công nghệ hiện đại, kinh nghiệm, trình độ quản lý vận hành tiên tiến, trách nhiệm xã hội cao. Vì vậy, Thanh Hóa luôn hoan nghênh chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng giới thiệu một số cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại dành cho các nhà đầu Nhật Bản gồm: trao đổi thương mại, xuất khẩu hàng hóa trên những lĩnh vực hai bên có nhu cầu và có thế mạnh, kết nối cơ hội cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp Nhật Bản, đề xuất một số dự án ODA, đầu tư hạ tầng du lịch ven biển, phát triển nguồn nguyên liệu và công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản xuất khẩu…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã phân tích về xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư của Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước ASEAN. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, với những tiềm năng, lợi thế hết sức to lớn, Thanh Hóa cần chuẩn bị tốt để đón nhận và tranh thủ tốt cơ hội này, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thời gian tới, Thanh Hóa và VCCI cần xây dựng chương trình phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư nói chung và xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản nói riêng.
Cũng tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu về tình hình hoạt động, định hướng phát triển và đề xuất một số nội dung hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đại diện các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản như JICA, JETRO, các tập đoàn kinh tế lớn như Idemitsu, Itochu, Merubeni, Mitsubishi… phát biểu đánh giá cao tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, nhất là những thành tựu của tỉnh đạt được những năm gần đây trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Các ý kiến cũng giới thiệu về tình hình đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Đối với vấn đề “Thanh Hóa cần làm gì để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài”, các ý kiến cho rằng: quan trọng nhất là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, tăng cường đối thoại và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thấy rõ hơn nữa sức hấp dẫn của tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị Thanh Hóa quan tâm khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành, lĩnh vực tương ứng, ví dụ như lợi thế về nguồn nhân lực sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may, giầy da, dịch vụ tiêu dùng phát triển, lợi thế về địa hình và tính đa dạng của các hệ sinh thái giúp tỉnh có điều kiện phát triển ngành nông – lâm – thủy sản.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu. Đồng thời giải thích, làm rõ thêm một số vấn đề mà phía Nhật Bản đang quan tâm về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xu hướng phát triển của một số hạ tầng thiết yếu và lĩnh vực sản xuất trong tương lai.