Xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Đăng lúc: 09:47:16 11/09/2017 (GMT+7)

Hiện nay Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành một số chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), tỉnh cũng có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh, đây là động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN.

 Ngày 8-12-2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/NQ-HĐND về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Theo đó, hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a; riêng CCN thị trấn Mường Lát, được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại; mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 0,7 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện đồng bằng và các huyện ven biển, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng/ha. Sau đó, đã có một số nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý đầu tư kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN hưởng ứng, như: Công ty TNHH BNB Hà Nội, chủ đầu tư dự án hạ tầng CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc). Theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 9-8-2017, CCN Hòa Lộc có diện tích 20 ha. Hiện nay, CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định thành lập CCN. Công ty TNHH BNB Hà Nội, đang tiến hành thủ tục đầu tư theo tiến độ dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư hạ tầng CCN, như: Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Hóa, làm chủ đầu tư CCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa), có diện tích 50 ha và CCN Thọ Minh (Thọ Xuân), có diện tích 18 ha. Công ty CP Bê tông xây dựng A&P (doanh nghiệp trực thuộc A&P Group) làm chủ đầu tư CCN Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), có diện tích 19 ha.

Hiện nay, Sở Công Thương đang tích cực thực hiện các giải pháp vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN. Theo đó, sẽ tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN; cập nhật, bổ sung nhu cầu sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị; rà soát, điều  chỉnh quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các CCN trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN, nhất là CCN của 11 huyện miền núi. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi, nhà ở xã hội phục vụ công nhân làm việc trong CCN. Xây dựng bộ đơn giá quyền sử dụng đất, thực hiện chính sách miễn giảm tiền cho thuê đất trong CCN. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng trong CCN. Nâng cao năng lực của các cơ sở dịch vụ công. Khuyến khích đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, năng lượng, các ngành sử dụng nhiều lao động, sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng lao động cho doanh nghiệp CCN, nhất là thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động. Tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý môi trường cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng CCN, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong CCN và các địa phương.

Báo Thanh Hóa

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995