Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2017

Đăng lúc: 10:19:52 06/04/2017 (GMT+7)

 
  1. Cấp sổ đỏ trong 15 ngày, 5 loại “đất dù” có vướng mắc vẫn được cấp sổ đỏ

Từ 3/3, theo Nghị định 01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất đai, cấp sổ đỏ không được quá 15 ngày.

Cụ thể, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng sổ đỏ và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày (quy định cũ là 30 ngày).

Việc đăng ký, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất cũng giảm xuống còn 15 ngày thay vì 20 ngày như trước.

Riêng, thủ tục cấp lại sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất giảm 2/3 thời gian, xuống còn 10 ngày thay vì 30 ngày.

Ngoài ra, Nghị định 1/2017 có hiệu lực từ ngày 3/3 cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với Giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

  1. 50 km cao tốc phải có một trạm cấp cứu

Thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc.

Theo đó, hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.

Mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu, được tổ chức như sau:

Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm trạm y tế xã/phường; trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm cấp cứu 115; bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân.

Tối thiểu, 50 km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Thông tư này có hiệu lực từ 1/3.

  1. Bảo hiểm được giao dịch điện tử

Từ 1/3, Nghị định 166/CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hộ, bảo hiểm y tế (và bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Người dân có thể đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm; cấp sổ; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm.

Nghị định cũng quy định các trường hợp nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ Bảo hiểm xã hội điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ Bảo hiểm xã hội điện tử gửi đến.

  1. Bảo hiểm cho người lao động trên công trường

Cũng từ ngày 1-3, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trước khi người lao động thực hiện công việc. Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp này là 100 triệu đồng/người/vụ. Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định.

Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu đã bồi thường cho người lao động.

(Thông tư 329/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1-3).

  1. Từ 1/3/2017, áp dụng danh mục mới về bệnh cần chữa trị dài ngày

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 46/2016/TT-BYT về Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày có hiệu lực từ ngày 1/3/2017.

Theo đó, bãi bỏ Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày kèm theo Thông tư 14/2016/TT-BYT, ban hành Danh mục mới bổ sung thêm nhiều loại bệnh vào các nhóm bệnh như:

Nhóm bệnh Thai nghén, sinh đẻ và hậu sản: Biến chứng sau xảy thai, chửa trứng, chửa ngoài tử cung;

Nhóm bệnh tâm thần: Rối loạn ám ảnh nghi thức; Rối loạn stress sau sang chấn; Các rối loạn nhân cách đặc hiệu;

Nhóm bệnh tai và xương chũm được đổi thành nhóm bệnh lý tai mũi họng. Đồng thời bổ sung bênh: Papilome thanh quản; Viêm tai giữa mạn tính; Sẹo hẹp khí quản vào nhóm bệnh này.

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày là cơ sở để áp dụng các chế độ, quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.

  1. Bảo lãnh Chính phủ về đầu tư dự án

Chính phủ bảo lãnh đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.

Riêng với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo quyết định đầu tư. Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên, mức bảo lãnh tối đa 60% tổng mức đầu tư. Đối với các dự án khác, mức bảo lãnh tối đa 50% tổng mức đầu tư.

Để được cấp bảo lãnh Chính phủ, người vay phải đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thành lập hợp pháp tại Việt Nam có thời gian hoạt động ít nhất ba năm; dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh phải có tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư trong cơ cấu vốn của dự án; doanh nghiệp phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế…

(Nghị định 04/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-3).

  1. Cưỡng chế vi phạm hành chính được hưởng 100.000-150.000 đồng

Thông tư 05/2017 của Bộ Tài Chính có hiệu lực từ 2/3, hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 166/2013 của Chính phủ. Thông tư quy định rõ mức chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia và bảo vệ cưỡng chế.

Đối với cán bộ, công chức của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế được huy động, lực lượng công an, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế: Người chủ trì mức 150.000 đồng/người/ngày; đối tượng khác mức 100.000 đồng/người/ngày.

  1. Không tính tiền chậm nộp thuế

Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn, dẫn đến nợ thuế thì không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp thuế tính trên số tiền thuế còn nợ, nhưng không vượt quá số tiền ngân sách Nhà nước chưa thanh toán.

Cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nếu phát hiện người nộp thuế đã được đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thanh toán nhưng không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước thì ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp.

(Thông tư 06/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-3).

  1. Không được vay ngân hàng để mua vàng

Từ 15-3, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vay vốn như: Để mua vàng miếng; Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; Để trả nợ khoản nợ vay tài chính mà tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình; Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác…

Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay, mà không có mức trần lãi suất cho vay cụ thể như trước đây.

Với trường hợp vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng và khách hàng cũng được thỏa thuận về lãi suất nhưng không vượt quá lãi suất cho vay tối đa do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

(Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 15-3).

  1. Người Việt được đặt cược bóng đá quốc tế

Từ 31-3, người Việt được đặt cược bóng đá quốc tế tối đa 1 triệu. Người chơi phải đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Người chơi phải xuất trình giấy tờ cá nhân để chứng minh thuộc đối tượng được phép tham gia đặt cược khi doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Mức đặt cược tối thiểu cho một lần đặt cược là 10 nghìn đồng, tối đa là 1 triệu đồng.

Theo quy định, bóng đá quốc tế là những trận đấu, giải thi đấu bóng đá được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc được các tổ chức quốc tế đứng ra tổ chức trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược mới được kinh doanh đặt cược.

(Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực ngày 31-3.)

  1. Thu nhập 10 triệu được đánh bạc trong casino

Từ 15-3, sẽ thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại điểm kinh doanh casino. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino.

Để được vào chơi tại điểm kinh doanh casino, người Việt Nam phải là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Không thuộc đối tượng bị người thân trong gia đình là bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con ruột hoặc bản thân có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh casino không cho phép chơi tại Điểm kinh doanh casino;

Người chơi phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên; phải mua vé tham gia chơi với mức vé 1 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người…

(Nghị định 03/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh casino, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3.)

  1. Được vay tiền đi học, mua phương tiện đến 100 triệu

Từ 15-3, ngân hành cho vay đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua (mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở), sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng không được vượt quá 100.000.000 đồng.

Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995