Thanh Hoa

Japan desk

Doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát thực địa, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa

Đăng lúc: 10:25:30 09/03/2022 (GMT+7)

Chiều 3-3, 30 doanh nghiệp của Nhật Bản đã đi khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tiếp và cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát có đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh.

 

1.jpg
Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát thực địa tại Khu Công nghiệp số 3 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, 30 doanh nghiệp của Nhật Bản đã đi khảo sát thực địa tại Khu Công nghiệp số 3, Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Tổng kho xăng dầu Anh Phát, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng Anh Phát.

2.jpg
Các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu về những lợi thế của Khu kinh tế Nghi Sơn.

Khu kinh tế Nghi Sơn có diện tích tự nhiên 106.000 ha, cách TP Thanh Hóa 40 km, cách Thủ đô Hà Nội 190 km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Khu kinh tế Nghi Sơn được xây dựng với mục tiêu trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu, xây dựng các khu đô thị, khu du lịch… gắn với việc xây dựng khai thác có hiệu quả cảng biển.

3.jpg
Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát, tìm hiểu thông tin về Khu Công nghiệp số 3 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về hệ thống giao thông, Khu kinh tế Nghi Sơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai thi công đi qua; đường ven biển kết nối vùng kinh tế Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đường Nghi Sơn - Bãi Trành kết nối với đường Hồ Chí Minh; đường Nghi Sơn - Sân bay Thọ Xuân. Hệ thống giao thông nội bộ được kết nối liên hoàn giữa cảng Nghi Sơn với các Khu công nghiệp và khu đô thị. Cùng với đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng chạy qua Khu kinh tế Nghi Sơn có chiều dài trên 30 km; hệ thống đường sắt kết nối từ các ga hàng hóa tại cảng Nghi Sơn với ga trung chuyển, ga hành khách, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cho Khu kinh tế Nghi Sơn.

4.jpg
Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.

Đặc biệt, tại Khu kinh tế Nghi Sơn có Cảng Nghi Sơn đã xây dựng và đưa vào khai thác các bến chuyên dụng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy xi măng Nghi Sơn và các bến tổng hợp, bến container có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 DWT, năng lực xếp dỡ hiện tại 30 triệu tấn/năm. Ngoài ra có hàng chục bến cảng tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container cùng hệ thống logistic được quy hoạch đồng bộ với các khu bến đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

Hiện nay đã có hãng tàu CMA-CGM mở các tuyến vận tải container quốc tế từ Nghi Sơn đi Singapore; từ Nghi Sơn đi Châu Âu, Bờ Tây nước Mỹ, Châu Phi thông qua cảng trung chuyển Singapore. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Nghi Sơn còn được kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân. Đây cũng là một thuận lợi lớn để phục vụ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

5.jpg
Các doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát thực địa tại Tổng kho xăng dầu Anh Phát.

Về chính sách đầu tư, Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ Việt Nam cho áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất dành cho các nhà đầu tư.

Giá thuê đất, thuê mặt nước theo khung giá quy định của UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành và ổn định trong nhiều năm. Thời gian thuê tối đa 70 năm, hết thời hạn trên có thể gia hạn nếu nhà đầu tư có nhu cầu.

Đồng thời miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước; miễn từ 11 đến 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề dự án. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư mới được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ (đáp ứng tiêu chí theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐ-CP, ngày 26-12-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng bằng thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới.

Miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo tài sản cố định, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ phục vụ dự án đầu tư, phương tiện đưa đón công nhân... Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi dự án đi vào sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

6.jpg
Các doanh nhiệp Nhật Bản bước đầu đã nhìn thấy cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.

Qua chuyến khảo sát thực địa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các doanh nhiệp Nhật Bản bước đầu đã nhìn thấy cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa; đặc biệt là những tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.

Với nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành, cùng với hạ tầng đồng bộ, Thanh Hóa là một trong những địa phương đang tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995