Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2018

Đăng lúc: 08:41:42 08/05/2018 (GMT+7)

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 1.1. Nông nghiệp a. Kết quả sản xuất vụ đông Vụ đông 2017 - 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, do ảnh hưởng của bão số 10 trong tháng 9 và áp thấp nhiệt đới trong tháng 10, đã gây ra mưa lớn và ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

 

Diện tích nhiều cây trồng vụ đông mới trồng bị ngập úng, mất trắng, phải gieo trồng lại. Trước những khó khăn của sản xuất vụ đông năm nay do mưa bão, ngập lụt gây ra, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất vụ đông; bên cạnh đó là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân; nên sản xuất vụ đông 2017 - 2018 đã đạt được những kết quả nhất định. Tổng diện tích gieo trồng 46.005 ha, đạt 97,5% kế hoạch, giảm 8,6% so với vụ đông 2016 - 2017; trong đó, diện tích ngô 14.830 ha, đạt 74,2% kế hoạch, giảm 25,2%; diện tích khoai lang 3.050 ha, giảm 25,7%; diện tích lạc 1.288 ha, giảm 13,2%; diện tích rau các loại 19.984 ha, tăng 8,6%; diện tích cây ớt 2.171 ha, tăng 17,5%; diện tích cây thức ăn gia súc 3.240 ha, tăng 52,8%… Tính đến ngày 12/01/2018, toàn tỉnh đã thu hoạch được 3.337 ha ngô, 373 ha đậu tương, 331 ha lạc, 586 ha khoai lang, 8.085 ha rau đậu các loại…      
b. Tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân
Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hiện nay, bà con nông dân đang tích cực thu hoạch vụ đông, giải phóng đất, bảo vệ và tiếp tục chăm sóc trà mạ xuân sớm, xuân chính vụ; chuẩn bị cho gieo cấy lúa vụ chiêm xuân năm 2018. Tính đến ngày 12/01/2018, diện tích đã làm đất khoảng 79.898 ha, đạt 68,3% diện tích gieo cấy; diện tích mạ đã gieo 750 ha, tương ứng 18.068 ha diện tích cấy. Thời tiết diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành cần chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống rét và chăm sóc mạ đã gieo; tiếp tục gieo mạ trà chính vụ và chuẩn bị gieo mạ trà xuân muộn; đồng thời chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân.
Các nhà máy sản xuất chế biến đường đã thu hoạch được 568,2 nghìn tấn mía nguyên liệu, tăng 0,9% so với cùng kỳ; trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã thu mua được 252 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 240 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống 76,2 nghìn tấn. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua được 104,1 nghìn tấn; trong đó Nhà máy sắn Bá Thước thu mua được 27 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân thu mua được 25,1 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ngọc Lặc thu mua được 52 nghìn tấn.
c. Chăn nuôi
Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên nên không có dịch bệnh xảy ra. Mùa đông năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp; các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm phòng chống dịch bệnh và rét cho gia súc, gia cầm nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
1.2. Thủy sản
Tháng Một, giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá so sánh 2010 ước đạt 450,2 tỷ đồng, tăng 7,8% so tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 14.768 tấn, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 6,0% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt 10.063 tấn, tăng 8,1% so với tháng trước, tăng 8,3% so với cùng kỳ (trong đó, khai thác xa bờ đạt 4.948 tấn, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ); sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 4.705 tấn, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ.   
1.3. Lâm nghiệp
Ngày 04/01/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND  về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Mậu Tuất năm 2018; với yêu cầu thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Toàn tỉnh phấn đấu trồng được từ 1 triệu cây trở lên trong dịp tổ chức “Tết trồng cây”.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng Một, các đơn vị tăng sản xuất mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán; vùng nguyên liệu mía, sắn đang trong thời gian thu hoạch rộ, phục vụ sản xuất của các nhà máy chế biến; hầu hết các sản phẩm chủ lực như: Đường, bia, quần áo may sẵn, giầy thể thao xuất khẩu… sản lượng tăng so với tháng trước. Mặt khác, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Định Dậu 2017 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm trọn trong tháng 01/2017, nên sản xuất công nghiệp tháng 01/2018 tăng khá cao so với tháng 01/2017. 
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 01/2018 tăng 5,27% so với tháng trước, tăng 12,37% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,35% so với tháng trước, tăng 8,01% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,56% so với tháng trước, tăng 13,04% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,05% so với tháng trước, tăng 5,95% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,48% so với tháng trước, tăng 9,89% so với tháng cùng kỳ. Trong toàn ngành công nghiệp, các ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu gấp 2,93 lần; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 64,70%; sản xuất xe có động cơ tăng 40,69%; sản xuất đồ uống tăng 31,88%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 26,04%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 24,86%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 23,88%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,42%; sản xuất trang phục tăng 13,34%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,35%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 5,95%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,75%;... Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 27,75%; sản xuất kim loại giảm 21,83%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 11,88%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2018 dự kiến tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 39,4% so với tháng cùng kỳ; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng tương đối cao so với cùng kỳ gồm: Sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu gấp 4,05 lần; sản xuất kim loại gấp 2,4 lần; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 79,52%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 58,43%; sản xuất xe có động cơ tăng 58,07%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 46,38%; sản xuất đồ uống tăng 21,89%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,37%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 19,82%;... Các ngành có chỉ số tiêu thụ tháng 01/2018 giảm so với cùng kỳ gồm: Chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 33,92%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 20,33%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 10,10%;... 
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/01/2018 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,56% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm cao so với mức tăng chung là: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 98,23%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 79,12%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 79,07%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 72,96%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 61,15%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 55,40%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,81%;… Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng là: Sản xuất đồ uống tăng 55,05%; sản xuất trang phục tăng 48,15%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,16%;...
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2018 tăng 21,73% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,31%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 92,82%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,84%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 18,65% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 23,51%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,05%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,46%.
3. Đầu tư 
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương tháng 01/2018 ước đạt 460,5 tỷ đồng, bằng 7,3% kế hoạch năm và tăng 35,0% so với cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 216 tỷ đồng, tăng 47,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 129,8 tỷ đồng, tăng 20,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 114,7 tỷ đồng, tăng 31,9%.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tháng Một, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa tăng 8,7% so với cùng kỳ, thu tiền sử dụng đất tăng 18,1% so với cùng kỳ; chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.166,4 tỷ đồng, bằng 99,5% so với cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên bằng 94,4% so với cùng kỳ.
5. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
5.1 Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 01/2018 ước đạt 6.975 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và giảm 5,3% so với cùng kỳ; trong đó, kinh tế Nhà nước 146 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và giảm 2,7% so cùng kỳ; kinh tế tập thể 4,8 tỷ đồng, tăng 0,4% và tăng 2,5%; kinh tế cá thể 3.999 tỷ đồng, tăng 2,0% và giảm 5,2%; kinh tế tư nhân 2.800 tỷ đồng, tăng 1,1% và giảm 5,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 24,7 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và giảm 48,7% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ tăng 1,8% và giảm 8,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,4% và tăng 15,2%; du lịch lữ hành giảm 2,8% và tăng 11,4%; dịch vụ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã thành lập các đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi, các chợ đầu mối, nơi giao nhận hàng hóa trên các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo cung cầu hàng hóa thị trường, ổn định giá cả phục vụ tốt nhất nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 tăng 0,25% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa, có sáu nhóm hàng hóa giá cả tăng (nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,30%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,16%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 11,94%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,20%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%); hai nhóm hàng hóa giá cả ổn định không tăng (nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục); ba nhóm hàng hóa giá cả giảm (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,37%; trong đó, nhóm lương thực giảm 0,03%, nhóm thực phẩm giảm 0,57%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,17%; nhóm giao thông giảm 0,20%).
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 12/2017 tăng cao so với tháng trước (tăng 11,94%) do tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 83/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Thanh Hóa, được quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế.
Năm 2017, do giá nhóm hàng thực phẩm giảm mạnh (giảm 3,49%); tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí theo Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021; các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh tăng học phí vào tháng 3, tháng 8 và tháng 10, đã tác động làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2017 tăng 40,18% so với cùng kỳ; bình quân năm 2017, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 28,83% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng các tháng có sự biến động như sau: có chín tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 0,02 đến 1,70% so với tháng trước (tháng 1, 2, 3, 7, 8, 9,10, 11, 12); ba tháng còn lại chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 0,40 đến 0,97% so với tháng trước (tháng 4, 5, 6). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 tăng 2,56% so cùng kỳ, bình quân năm 2017 tăng 2,84% so với cùng kỳ; mức tăng giá này tuy cao hơn năm 2015 và 2016 (năm 2015 tăng 0,43%, 2016 tăng 2,19%), nhưng thấp hơn các năm từ 2010 - 2014 (năm 2010 tăng 8,56%; 2011 tăng 16,39%; 2012 tăng 8,24%; 2013 tăng 10,74%; 2014 tăng 3,71%).
Chỉ số giá vàng tháng 12/2017 giảm 0,34% so với tháng trước, tăng 5,91% so với cùng kỳ; bình quân năm 2017 tăng 3,35% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 0,05% so với cùng kỳ; bình quân năm 2017 tăng 1,57% so với cùng kỳ.
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Dự ước tháng 01/2018, vận chuyển hàng hoá đạt 4,8 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 240 triệu tấn.km, tăng 1,2% về tấn và tăng 0,8% về tấn.km so với tháng trước; tăng 6,5% về tấn và tăng 0,1% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 3,3 triệu người, luân chuyển hành khách 197,9 triệu người.km, tăng 1,3% về hành khách và tăng 1,6% về hành khách.km so với tháng trước; tăng 7,5% về hành khách và tăng 8,2% về hành khách.km so với cùng kỳ.
Bốc xếp qua cảng tháng 01/2018 ước đạt 930,9 nghìn tấn, tăng 5,3% so tháng trước, tăng 35,7% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 912,3 nghìn tấn, tăng 5,4% so với tháng trước, tăng 37,3% so cùng kỳ; cảng Lễ Môn 18,6 nghìn tấn, tăng 0,6% so tháng trước, giảm 13,4% so cùng kỳ. 
Năm 2017, Cảng hàng không Thọ Xuân từng bước ổn định về lượng hành khách đi và đến, đáp ứng yêu cầu khai thác thực tế của tỉnh Thanh Hóa. Tính đến ngày 31/12/2017, cảng đã đón được 864,1 nghìn lượt hành khách đi và đến, tăng 5,1% so với năm 2016.
5.4. Hoạt động lưu trú - du lịch lữ hành
Tháng Một, số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 503,9 nghìn lượt khách, giảm 1,9% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 827,9 nghìn ngày khách, giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8.315 triệu đồng, giảm 2,8% so tháng trước, tăng 11,4% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 4.389 lượt khách, giảm 3,7% so tháng trước, tăng 9,0% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 13.340 ngày khách, giảm 3,4% so tháng trước, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
6. Một số tình hình xã hội
6.1. Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 01/2018, đời sống nhân trong tỉnh cơ bản ổn định, toàn tỉnh không phát sinh hộ thiếu đói. Đây là tháng giáp Tết Nguyên đán nên cấp uỷ, chính quyền các cấp đã và đang chuẩn bị tổ chức triển khai thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách… Các địa phương quan tâm, động viên nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, chuẩn bị đón tết Ngyên đán Mậu Tuất vui vẻ, an toàn, tiết kiệm. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 03/01/2018 về việc phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng của mưa, lũ trong tháng 10/2017; với tổng số gạo hỗ trợ 328.740 kg; số tháng hỗ trợ là 1 tháng cho 5 huyện: Thường Xuân, Thọ Xuân, Quan Hóa, Thiệu Hóa và Hà Trung; số hộ được hỗ trợ gạo là 7.727 hộ tương ứng với 21.916 nhân khẩu; mức hỗ trợ gạo là 15 kg/người/tháng. 
Hưởng ứng phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa phát động, mới đây Câu lạc bộ Tâm thiện nguyện du lịch Thanh Hóa phối hợp với Công ty Hải Đăng, đóng tại tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo tại 2 xã Trung Xuân và Trung Hạ, huyện Quan Sơn. Tại 2 xã, đoàn thiện nguyện đã trao tặng mỗi hộ nghèo 20 kg gạo; tổng số gạo hỗ trợ là 5 tấn, trị giá khoảng 60 triệu đồng. 
6.2. Y tế
Tháng Một, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác khám chữa bệnh được duy trì, chất lượng từng bước được nâng lên, bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Theo báo cáo của ngành Y tế, tính từ đầu tháng đến ngày 15/01/2018, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 ca mắc sốt xuất huyết. Ngành Y tế cần chủ động phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách phòng chống dịch để người dân tự bảo vệ sức khỏe. 
Để tăng cường an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm phục vụ nhân dân; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, tập trung kiểm tra các nhóm hàng như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, rau, củ, quả, thịt... Thời gian triển khai từ ngày 10/01/2018 đến hết ngày 02/4/2018, trên phạm vi toàn tỉnh.
6.3. Giáo dục
Tháng Một, ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành tốt việc tổ chức thi học kỳ I năm học 2017 - 2018 ở các cấp, bậc giáo dục phổ thông; triển khai nhiệm vụ học kỳ II và tổ chức thành công các cuộc thi, hội thi, cụ thể như: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 91 dự án tham gia dự thi; kết quả, có 69 dự án đoạt giải, ban tổ chức đã chọn ra 09 dự án tham gia thi cấp quốc gia năm học 2017 - 2018. Thi nghề phổ thông cho học sinh lớp 12 THPT năm học 2017 - 2018, tại 115 hội đồng thi với tổng số trên 32 nghìn thí sinh đăng ký dự thi; kết quả, có 25.272 thí sinh (đạt tỷ lệ 77,67%) xếp loại giỏi; 7.238 thí sinh (đạt tỷ lệ 22,25%) xếp loại khá; 10 thí sinh (chiếm tỷ lệ 0,03%) xếp loại trung bình và 17 thí sinh (chiếm tỷ lệ 0,05%) không đạt. Hội thi học sinh giỏi Thể dục Thể thao bậc tiểu học và THCS năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có trên 1.600 vận động viên của 27 huyện, thị xã, thành phố tham gia dự thi ở 3 nội dung: Điền kinh, thể dục Aerobic và bóng đá Nam.
6.4. Văn hoá - Thể dục thể thao
Ngành Văn hoá - Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trọng tâm là: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI; Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 29/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; nhằm góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong triển khai nhiệm vụ. 
Một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật nổi bật trong tháng Một, như: Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2018 với chủ đề: "Tình đất nước quê hương"; chương trình sân khấu thiếu nhi với vở diễn”Alibaba và những tên cướp”; phát sóng kịch ngắn sân khấu truyền hình chiều thứ bảy; tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, lễ hội, chương trình xây dựng nông thôn mới và phục vụ công chúng tại các địa phương trong, ngoài tỉnh; đặc biệt nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Phong trào thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện; tính đến nay, có 19/29 đơn vị đã tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp huyện; xây dựng Kế hoạch chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia các giải quốc gia, quốc tế, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII; triển khai công tác tuyển chọn vận động viên các môn thể thao.
6.5. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 12/2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết và 18 người bị thương (giảm 35,6% về số vụ, giảm 36,4% về số người chết và giảm 51,4% về số người bị thương so với cùng kỳ). Tính chung cả năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 540 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 163 người chết và 437 người bị thương (giảm 3,7% về số vụ, giảm 4,7% về số người chết và giảm 7,8% về số người bị thương so với cùng kỳ). Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do các phương tiện vi phạm phần đường, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, vượt sai quy định. 
Năm 2017, lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xe ô tô chạy quá tốc độ, xe chạy sai phần đường qui định, xe quá khổ quá tải, xe chở quá số người qui định... Qua kiểm tra đã phát hiện, xử phạt 4.341 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 86 xe ô tô, tổng số tiền phạt vi phạm thu nộp vào ngân sách Nhà nước 25,2 tỷ đồng.
6.6. Thiệt hại do thiên tai
Từ ngày 08/01 đến sáng 10/01/2018, không khí lạnh có cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Thanh Hóa, gió Bắc đến Đông Bắc ven biển và ngoài khơi cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8, biển động mạnh; đã làm 5 tàu cá và 1 bè mảng bị chìm cùng với 26 ngư dân gặp nạn. Ngay sau khi gặp nạn, 10 lao động trên tàu và 1 lao động trên bè mảng bị chìm đã được cứu và đưa vào bờ an toàn; 15 lao động bị mất tích. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 thi thể ngư dân, 12 ngư dân còn lại hiện vẫn đang mất tích.
6.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Môi trường: Tháng 12/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ vi phạm môi trường (huyện Quan Hóa 3 vụ, huyện Thiệu Hóa 2 vụ; TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, huyện Đông Sơn, huyện Hậu Lộc mỗi địa phương 1 vụ); xử phạt hành chính 274,5 triệu đồng. Tính chung cả năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 49 vụ vi phạm môi trường, xử phạt 4.672,7 triệu đồng.
Cháy, nổ: Tháng 12/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy (TP Thanh Hóa 1 vụ; TX Bỉm Sơn, huyện Nông Cống, huyện Hoằng Hóa mỗi địa phương 2 vụ), làm 3 người chết và 2 người bị thương, thiệt hại ước tính 890 triệu; trong đó, vụ cháy xảy ra tại Công ty Bánh kẹo Tràng An 3 (TX Bỉm Sơn) đã làm 3 người chết và thiệt hại rất lớn về tài sản, hiện vẫn chưa thống kê được giá trị thiệt hại. Tính chung cả năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 83 vụ cháy, 2 vụ nổ làm 4 người chết và 2 người bị thương, thiệt hại tài sản sơ bộ 7.968 triệu đồng.
Khái quát lại, Tháng Một, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tham gia sản xuất kinh doanh, chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nên nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ như: chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, doanh thu vận tải... Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai gây ra, nên diện tích gieo trồng vụ đông không đạt kế hoạch và giảm so với năm trước; trật tự an toàn giao thông tuy có chiều hướng giảm, song còn diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Các ngành, các cấp cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018./.

 

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995