Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025

Đăng lúc: 15:50:05 24/03/2016 (GMT+7)

07-Khu Kinh te Nghi Son.jpg
 

Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước, được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 15 tháng 05 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích hơn 18.000 ha, gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn; và hiện đã mở rộng lên 106.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, sửa chữa và đóng mới tàu biển, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu… Với tiềm năng, lợi thế và vị trí thuận lợi, KKT Nghi Sơn sẽ trở thành khu vực phát triển năng động, trọng điểm phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển.

          Để phát triển KKT Nghi Sơn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và cho áp dụng những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhất dành cho các nhà đầu tư. Phát triển KKT Nghi Sơn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa; vì vậy, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang ưu tiên dành nguồn lực cao nhất cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của KKT Nghi Sơn, như các công trình: bến cảng, đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu, các trục giao thông chính, hệ thống cấp nước, cấp điện, các khu tái định cư.... Công tác giải phóng mặt bằng đã và đang được tỉnh Thanh Hóa thực hiện với quyết tâm cao và cam kết bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Đến đầu năm 2016, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 136 dự án đầu tư, trong đó: 127 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 96.302 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 9.86 tỷ USD, trong đó: Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn sản phẩm/năm, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư và vận hành thương mại vào năm 2017. Một số dự án lớn như: Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, công suất 4,3 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Công Thanh, công suất 5,8 triệu tấn/năm; Trung tâm Nhiệt điện, tổng công suất 2.400 MW; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 07 triệu tấn phôi/năm…vv đang hoạt động hoặc triển khai xây dựng, góp phần thúc đẩy KKT Nghi Sơn nhanh chóng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.

          Đến với KKT Nghi Sơn, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một đầu mối” nhanh chóng và thuận lợi. Với tiềm năng và lợi thế đặc thù riêng biệt so với các khu vực khác cùng môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, KKT Nghi Sơn là cơ hội, là điểm đến thành công của các nhà đầu tư.

1. Điều kiện tự nhiên và xã hội của KKT Nghi Sơn

1.1. Vị trí địa lý: KKT Nghi Sơn nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, cách TP Hồ Chí Minh 1.500 km về phía Bắc, phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Như Thanh.

Diện tích tự nhiên 106.000 ha, trong đó 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước.

1.2. Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 23,4oC, độ ẩm không khí trung bình năm 85-86%, lượng mưa trung bình năm 1.833 mm.

1.3. Địa hình: Địa hình đa dạng, bao gồm: Vùng núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Trong đó đất đồng bằng chiếm khoảng 60% tổng diện tích.

1.4. Dân số, lao động: Dân số của KKT Nghi Sơn có trên 80.000 người, trong đó lực lượng lao động khoảng 45.000 người (cả tỉnh có khoảng 2,16 triệu lao động, phần lớn là lực lượng lao động trẻ, có trình độ văn hóa tương đối cao). Tại KKT Nghi Sơn có trường Trung cấp nghề Nghi Sơn đang hoạt động và trường Cao đẳng nghề công nghệ Licogi đang xây dựng, với quy mô đào tạo cho hàng nghìn lao động kỹ thuật.

          Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho KKT, hiện nay Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ KKT Nghi Sơn  và các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt trong năm 2015 bởi UBND tỉnh Thanh Hóa.

2. Hạ tầng kỹ thuật

2.1. Hệ thống giao thông

          - Đường bộ: Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, KKT Nghi Sơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Có hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn giữa các vùng, miền trong tỉnh và khu vực. Các trục đường giao thông nối từ khu đô thị trung tâm đến các Khu công nghiệp và cảng Nghi Sơn, các trục Đông - Tây nối từ cảng Nghi Sơn với đường cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh.

- Đường sắt: Đường sắt quốc gia chạy qua KKT Nghi Sơn có chiều dài trên 15km, trong đó ga Khoa Trường (cách ga Hà Nội 200 km) dự kiến sẽ nâng cấp, mở rộng thành Ga trung tâm của KKT Nghi Sơn:

          - Cảng biển: Cảng Nghi Sơn có 50 bến, các bến tổng hợp số 1, 2, 3 và 02 bến của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT, năng lực xếp dỡ khoảng 10 triệu tấn/năm. Hiện có hàng chục bến cảng tổng hợp, bến chuyên dụng, bến container và khu tổng hợp hậu cần cảng đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

          Từ vị trí cảng Nghi Sơn:

                đến cảng Hải Phòng: 119 hải lý

                đến cảng TP Hồ Chí Minh: 700 hải lý

                đến cảng Hồng Kông: 650 hải lý

                đến cảng Singapore: 1280 hải lý

                đến cảng Tokyo: 1900 hải lý

          - Hàng không: Sân bay Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn cấp 4E, cách KKT Nghi Sơn khoảng 60 km. Tỉnh Thanh Hóa đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc từ sân bay Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn ngày 29/8/2014, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2017.

2.2. Hệ thống điện

          - KKT Nghi Sơn sử dụng mạng lưới điện quốc gia đường dây 500 KV Bắc - Nam và đường dây 220 KV Thanh Hóa - Nghệ An, hiện có trạm biến áp 220/110/22 KV - 250 MVA, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

          - KKT Nghi Sơn được Chính phủ quy hoạch phát triển là trung tâm nhiệt điện lớn, với tổng công suất 2.400MW; trong đó: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, công suất 600 MW phát điện thương mại trong tháng 10/2013; Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II, công suất 1.200 MW do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào 2016. Nhà máy nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW đang được chủ đầu tư khẩn trương san lấp mặt bằng.

2.3. Cấp nước

          - Nước thô: Nguồn nước thô được lấy từ hồ Yên Mỹ (87 triệu m3) và hồ Sông Mực (200 triệu m3) bằng hệ thống đường ống. Tuyến ống giai đoạn 1 cung cấp về hồ Đồng Chùa công suất 30.000 m3/ngày đêm đã xây dựng xong và đưa vào vận hành. Tuyến ống giai đoạn 2 công suất 90.000 m3/ngày đêm đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm 2016.

          - Nước sạch: Có 2 nhà máy cấp nước sạch bao gồm: Nhà máy tại hồ Đồng Chùa đã hoàn thành giai đoạn I và đang cấp nước với công suất 30.000 m3/ngày đêm và sẽ nâng công suất giai đoạn II lên 90.000 m3/ngày đêm; Nhà máy tại Khu hồ Quế Sơn, công suất 60.000 m3/ngày đêm đang xây dựng.

2.4. Dịch vụ viễn thông: Hạ tầng mạng viễn thông - Công nghệ thông tin KKT Nghi Sơn được quy hoạch phát triển với các loại hình dịch vụ tiên tiến, băng thông rộng, tốc độ cao và công nghệ hiện đại; có khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin với chất lượng cao nhất cho khách hàng.

3. Hạ tầng xã hội

          Hệ thống trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại, khách sạn - du lịch... được quy hoạch đồng bộ. Một số dự án đang triển khai xây dựng như: Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn, Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng Bắc đảo Nghi Sơn, Trường cao đẳng nghề công nghệ Licogi, Bệnh viện đa khoa Nghi Sơn, Khu nhà ở cho công nhân, các ngân hàng thương mại, dịch vụ bảo hiểm...  đáp ứng nhu cầu nhà ở, học tập, vui chơi giải trí của cán bộ, chuyên gia và nhân dân trong KKT Nghi Sơn.

4. Quy hoạch

4.1. Quy hoạch chung

          a. Cảng Nghi Sơn: Được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1401/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2010. Tổng diện tích quy hoạch là 2.020 ha, trong đó vùng đất là 916,8 ha, vùng nước là 1.103,2 ha. Cảng Nghi Sơn được quy hoạch bao gồm các khu bến tổng hợp, container và bến chuyên dùng. Có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT, năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm.

          b. Các KCN:

KKT Nghi Sơn được quy hoạch với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 7.400 ha. Trong đó có một số khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết như:

- Khu liên hợp lọc hoá dầu: Diện tích quy hoạch 504 ha; trong đó 394 ha thuộc mặt bằng nhà máy giai đoạn 1 (bao gồm Khu nhà máy, khu cảng và khu đường ống dẫn dầu), 110 ha quy hoạch cho giai đoạn mở rộng công suất lên 20 triệu tấn/năm.

- Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn: Diện tích quy hoạch 347 ha, gồm mặt bằng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 và khu bến cảng chuyên dụng (20 ha);

- Khu liên hợp luyện cán thép Nghi Sơn: Diện tích 630 ha.

- Các KCN tập trung như: KCN số 1 (241 ha), KCN số 2 (128 ha), KCN số 3 (247 ha), KCN số 4 (385 ha), KCN số 5 (462 ha), KCN số 6 (350 ha).

          c. Các khu chức năng khác:

          - Khu đô thị trung tâm: 1.613,28 ha;

          - Khu đô thị số 3: 572,2 ha;

          - Khu Trung tâm dịch vụ công cộng: 38,70 ha;

          - Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn: 100 ha;

          - Khu xử lý chất thải rắn Trường Lâm: 40,03 ha;

          - Khu DV công cộng Bắc Núi Xước: 14,58 ha.

- Các khu chức năng khác như: Khu dân cư, Khu tái định cư, Sân Golf...

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995