Quy hoạch phát triển ngành hoá chất tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến 2020 theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 25/01/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

Đăng lúc: 14:25:13 24/10/2014 (GMT+7)

I. Quan điểm quy hoạch:
- Quy hoạch phát triển ngành hoá chất phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, quy hoạch của các ngành có liên quan.
- Quy hoạch phát triển sản phẩm hoá chất phải theo hướng chọn lọc, dựa trên việc khai thác các lợi thế đặc thù của tỉnh về điều kiện tự nhiên, lao động. Thực hiện phân loại sản phẩm theo thứ tự ưu tiên bằng các tiêu chí tổng hợp làm cơ sở điều hành thực hiện qui hoạch. Bố trí sản phẩm theo qui mô từ nhỏ đến lớn, công nghệ sản xuất hợp lý từ tương đối đơn giản đến hiện đại để thu hút rộng rãi sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các cơ sở của địa phương.
- Quy hoạch phát triển ngành hoá chất phải đảm bảo sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an toàn sử dụng hoá chất; hạn chế hoặc không đầu tư các dự án có nguy cơ phát thải chất thải nguy hại quá mức độ cho phép. Xác định các khu vực cấm thực hiện sản xuất hoá chất có phát thải chất thải nguy hại hoặc sản xuất hoá chất nguy hiểm ở thượng nguồn của lưu vực hệ thống sông ngòi trong tỉnh, các khu vực có hoạt động bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái.
II. Định hướng quy hoạch:
- Giai đoạn đến hết năm 2010: Tập trungkhởi động triển khai qui hoạch, thực hiện đầu tư một số dự án đã đăng ký, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện thủ tục đầu tư của dự án lọc hoá dầu và một số dự án lớn khác cho khởi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2008-2011-2015.
- Giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến 2020:Xây dựng ngành hoá chất hiện đại, hình thành các KCN hoá chất tập trung, các tổ hợp sản xuất hoá chất có quy mô từ trung bình trở lên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường khu vực.
III. Mục tiêu quy hoạch:
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 25 - 26 % /năm giai đoạn 2006-2010, tăng 70-71%/năm giai đoạn 2011-2015, tăng 47 - 48%/năm giai đoạn 2011- 2020; đưa tỷ trọng của công nghiệp hoá chất trong công nghiệp toàn tỉnh từ 2 - 3% năm 2010 lên 17 - 18% năm 2020.
- Hiện đại hoá thiết bị và áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến; mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến hoá chất trên địa bàn tỉnh, gia tăng sản phẩm và giá trị hàng hoá xuất khẩu của tỉnh Thanh Hoá.
IV. Quy hoạch phát triển ngành hoá chất đến 2015, định hướng đến năm 2020.
4.1. Sản phẩm dầu mỏ tinh chế:
- Giai đoạn đến hết năm 2010: Chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng, hình thành Nhà máy lọc hoá dầu số 2 - Nghi Sơn, Cụm phân phối khí thiên nhiên (LNG) và sản xuất, phân phối nhiên liệu khí DME, LPG … từ nguyên liệu nhập khẩu.
- Giai đoạn 2011 - 2016: Xây dựng nhà máy lọc dầu và tổ hợp Cracker (sản xuất sản phẩm hoá dầu thượng nguồn) công suất 930.000 tấn/năm với các sản phẩm: Ethylene, Propylene, tổ hợp BTX (Benzen, Toluen, Paraxylen); ngoài ra, phát triển thêm các sản phẩm khác như: Phtalic Acid Pure (PTA) công suất 250.000 tấn/năm, nhựa đường 1 triệu tấn/năm, than đen 50.000 tấn/năm, phụ gia Octan pha xăng 50.000 tấn/năm, mở rộng công suất Cụm sản xuất, phân phối LNG, DME, LPG …
- Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục mở rộng sản xuất và phân phối sản phẩm khí, hoàn thiện sản phẩm thượng nguồn công nghiệp hoá dầu.
4.2. Các sản phẩm cao su và Plastic
4.2.1 Sản phẩm cao su
- Cao su sơ chế: Đầu tư mở rộng Nhà máy sơ chế cao su Cẩm Thuỷ và xây dựng mới 1 nhà máy để bảo đảm năng lực sản xuất 15.000 tấn /năm trong giai đoạn đến hết năm 2010.
- Xây dựng nhà máy sản xuất cao su kỹ thuật: Băng tải, dây curoa và nhà máy sản xuất lốp ô tô theo công nghệ radial có công suất 2 - 3 triệu bộ/năm; Nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su latex như găng tay, đệm mút, ống dẫn cao su dùng trong y tế và công nghiệp…
4.2.2 Sản phẩm Plastic
Quy hoạch sản xuất các sản phẩm từ plastic bao gồm: Sản xuất nhựa nguyên liệu các loại (PP, PVC, PE, PET, PS…); sản xuất nhựa sản phẩm và sợi tổng hợp từ các loại nhựa nguyên liệu.
- Giai đoạn đến hết năm 2010: Xây dựng nhà máy sản xuất chi tiết nhựa kỹ thuật (linh kiện ôtô…)
- Giai đoạn 2011-2015: Sản xuất nhựa nguyên liệu (PE, PP …) khoảng 750.000 tấn/năm, xơ sợi PET 150.000 tấn/năm, sản phẩm nhựa xây dựng 100.000 tấn/năm, màng BOPP công suất 20.000 tấn/năm, nhựa gia dụng khác ….
            - Giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất nhựa nguyên liệu PS, PVC (180.000 tấn/năm), các sản phẩm plastic công nghiệp và dân dụng, xuất khẩu…
4.3. Các sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng.
4.3.1. Sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp:
a) Phân bón: Tăng cường đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá công nghệ và thiết bị các đơn vị sản xuất hiện có để nâng cấp chất lượng sản phẩm, kết hợp tăng sản lượng hợp lý. Đối với đầu tư mới tập trung cho 2 dòng sản phẩm là:
Sản xuất phân lân nung chảy: giai đoạn đến hết năm 2010, xây dựng nhà máy phân lân nung chảy công suất 300.000 tấn/năm, sau đó có thể xem xét mở rộng thêm công suất.
Sản xuất phân NPK: giai đoạn đến hết năm 2010, đẩy nhanh các dự án đầu tư sản xuất phân NPK theo công nghệ mới; Giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục phát triển thêm 1 đến 2 dự án NPK sử dụng công nghệ hiện đại.
b) Sản xuất muối biển: Đầu tư hiện đại hoá từng bước ngành sản xuất muối bằng việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng, nâng cấp công nghệ sản xuất; đầu tư sản xuất muối sạch thay dần công nghệ cũ và duy trì sản lượng từ 28.000 - 30.000 tấn/năm đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.
c) Hoá chất bảo vệ thực vật và hoạt chất kích thích tăng trưởng:
Đầu tư các nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm an toàn bằng công nghệ cao với tổng sản lượng từ 20.000 - 25.000 tấn/năm (bao gồm sản phẩm hoá chất hoạt động bề mặt, các chế phẩm bảo vệ thực vật, sản xuất chất điều hoà sinh trưởng cho cây trồng).
4.3.2. Sản phẩm hoá chất phục vụ công nghiệp
a) Sản phẩm khí công nghiệp.
Đầu tư sản xuất khí ô xi, nitơ lỏng, khí hiếm … cho nhu cầu tự dùng hoặc kinh doanh của các dự án sản xuất công nghiệp, xem xét sản xuất khí acetylen từ đất đèn tại các khu vực miền núi nơi tập trung các nguồn nguyên liệu, tận thu sản phẩm CO2 , tận dụng nguồn khí hydro từ sản xuất lọc hoá dầu.
b) Sản phẩm bột khoáng các loại: Trên cơ sở tiềm năng nguyên liệu sẵn có, phát triển sản xuất các sản phẩm bột khoáng nhóm canxi cacbonat, đôlômit, barit, phenspat, thạch anh, caolin, macsalit ….
Giai đoạn đến hết năm 2010: Hạn chế, không cho phát triển đối với các loại hình sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiến tới loại bỏ hẳn qui mô sản xuất nhỏ, thay thế bằng dự án được hiện đại hoá và tăng qui mô. Bố trí hợp lý một số nhà máy tập tại khu vực miền núi.
c) Sản phẩm cồn, nguyên liệu thay thế xăng, dầu diesel và khí thiên nhiên nguồn gốc khoáng:
- Giai đoạn đến hết năm 2010: Đảm bảo sản lượng sản xuất bằng công suất của nhà máy cồn Lam Sơn 15 triệu lít/năm trở lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, xúc tiến chuẩn bị dự án lọc cồn khan phục vụ pha xăng E5.
- Giai đoạn từ 2011 - 2015: Đầu tư năng lực sản xuất để có sản lượng cồn từ 28 - 30 triệu lít/năm; Xây dựng dây chuyền sản xuất cồn khan để có sản lượng xăng pha E5, sản xuất dầu thực vật công suất 120.000 tấn/năm và nghiên cứu sản xuất biodiesel. Đến 2020 phấn đấu sử dụng thông dụng xăng pha E5.
- Tiếp tục phát triển biogas qui mô nhỏ, nghiên cứu xây dựng cơ sở sản xuất qui mô bán công nghiệp và công nghiệp, có sản phẩm chế biến và phân phối thay thế một phần LPG.
d) Nhóm các sản phẩm phụ gia và chất có hoạt tính.
Tập trung phát triển 2 loại sản phẩm là Bentonit - zeolit và than hoạt tính
Xây dựng dự án khai thác chế biến sét Bentonit Cổ Định công suất ban đầu 20.000 tấn/năm. Xúc tiến nghiên cứu sản xuất zeolit từ caolin.
Đối với sản phẩm than hoạt tính từ than bùn làm lọc nước sạch, xửc lý nước thải và: phân bón: Do tính chất công nghệ và thiết bị không quá phức tạp, đặc thù phân bố nguyên liệu; khuyến khích sản xuất theo quy mô nhỏ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thực hiện, đặc biệt ở địa bàn miền núi, nơi tập trung nguồn nguyên liệu tự nhiên cũng như có điều kiện tận thu các phụ phẩm trong quá trình khai thác lâm sản.
e) Vật liệu nổ công nghiệp: Trong thời kỳ quy hoạch, thực hiện dự án sản xuất thuốc nổ năng lượng cao ABS 15 công suất 6.000 tấn/năm của Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng tại Cẩm Thuỷ.
4.3.3. Nhóm sản phẩm hoá chất tiêu dùng
a) Sản phẩm sơn, bột màu:
- Sản phẩm sơn: Sản xuất một số loại có nhu cầu tại chỗ như sơn giao thông, công nghiệp tàu thuỷ, ôtô, xây dựng… Lựa chọn sản phẩm theo xu thế: giảm độc tố chì, đi dần vào sơn bột, phát triển sơn điện ly, sơn nhũ tương.
Giai đoạn 2015 - 2020: Sản xuất nguyên liệu sơn từ hoá dầu Nghi Sơn, nhựa alkyd, nhựa acrylic, nhựa epoxy và một số loại nhựa khác cho ngành sản xuất sơn.
- Bột màu: Giai đoạn đến hết năm 2015: Xây dựng nhà máy sản xuất Bicromat natri và bột màu crom từ quặng cromit công suất 20.000 tấn/năm. Đối với bột màu hữu cơ, khuyến khích khôi phục và phát triển nghề trồng và chế biến bột màu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
b) Sản phẩm keo công nghiệp và hoá chất cho sản xuất sơn
Phát triển các sản phẩm sử dụng nguyên liệu sau công nghiệp lọc hoá dầu, bao gồm: nhũ tương và trợ chất cho sơn, keo polyvinyl Acetate PVAc, keo khô nhanh Cyanoacrylate CA, chất phủ bóng hệ UV và hệ nước …
c) Sản phẩm hoá dược
Tiếp tục củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất của Công ty CP Dược vật tư y tế hiện có với quy mô và công nghệ hiện đại; phấn đấu tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới có sản phẩm xuất khẩu.
Kêu gọi các dự án nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hoá dược của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đầu tư tại Thanh Hoá, như các dự án sản xuất sorbitol, sản xuất vitamin C, sản xuất tá dược cao cấp. 
4.4 Bố trí các dự án hoá chất theo các vùng kinh tế trên địa bàn Tỉnh
4.4.1. Nguyên tắc: Phát triển công nghiệp hoá chất đi đôi với phát triển KT-XH bền vững, tập trung bố trí các dự án hoá chất lớn trong các KCN, Cụm công nghiệp (CCN) tại vùng đồng bằng và ven biển, hạn chế hoặc bố trí hợp lý một số dự án tại miền núi, không bố trí sản xuất hoá chất thuộc nhóm nguy hại vào các khu vực đầu nguồn nước các sông suối. 
4.4.2. Định hướng bố trí:
- Xây dựng 2 trung tâm công nghiệp hoá chất: Phía Nam và phía Bắc Tỉnh, còn lại các dự án nhỏ, lẻ ít ảnh hưởng đến môi trường có thể xem xét bố trí tại các địa bàn khác:
·      Phía Nam: Bao gồm KKT Nghi Sơn và khu vực ngoại vi (KCN Tây Nam và các CCN dọc đường ngang Hồ Chí Minh Nghi Sơn-Bãi Trành, huyện Tĩnh Gia). Các dự án lớn chủ yếu ưu tiên bố trí vào KKT Nghi Sơn, gồm:  SX sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu thượng nguồn và nguyên liệu hạ nguồn, bicromat, chế biến khí. Tại khu vực ngoại vi KKT Nghi Sơn (hoặc KCN Bỉm Sơn) bố trí: Một số dự án khác về sản phẩm nhựa, xơ sợi tổng hợp, thuốc màu, cao su sản phẩm, biodiesel hoặc chất tẩy rửa, mỹ phẩm, chất BVTV, kích thích sinh trưởng ...
·      Phía Bắc: KCN Bỉm Sơn và các CCN lân cận (Hà Trung, phía đông Thạch Thành): Bố trí các dự án hoá chất trọng điểm, như : Sản phẩm nhựa công nghiệp, giả da công nghiệp và dân dụng, vật liệu xây dựng tổng hợp, sơn, cao su sản phẩm ...
·      KCN Lam Sơn: Cồn và ethanol pha xăng, biodiesel, một số cao su sản phẩm, tinh dầu, phân bón, bột màu, một số khí công nghiệp … 
·      Các địa bàn khác:
ü        Khu vực TP Thanh Hoá và lân cận: Hoá dược, khí công nghiệp.
ü      SX một số sản phẩm tại một số huyện có tài nguyên hoặc điều kiện khác:
o          Sản phẩm chế biến từ đá vôi (Bột nhẹ, đất đèn ...), cao su nguyên liệu sơ chế: Cẩm Thuỷ, Như Thanh, Bỉm Sơn, Nga Sơn.
o          Sản phẩm từ barit Bãi Trành: Như Xuân
o          Sản phẩm từ than bùn chế biến: Tại các địa bàn lân cận mỏ.
o          Tinh dầu, dầu thực vật, hương liệu: Quế (huyện Thường Xuân và các huyện miền núi Tây Nam), bạc hà, gừng, trẩu, sở, bạch đàn chanh .... (các huyện trung du, miền núi có quĩ đất trống, đồi trọc lớn ).
o          Vật liệu nổ công nghiệp, chất bảo vệ thực vật: Cẩm Vân, Cẩm Thuỷ.
o          Phân bón: Nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá các cơ sở hiện có. Sản xuất phân lân nung chảy tại khu vực Yên Thái, Nông Cống.
o          Vôi bón ruộng: Các khu vực cách xa các đô thị, thị trấn huyện.
4.4.3.                  Khoanh một số vùng cấm đầu tư dự án SX hoá chất tạo ra chất thải nguy hại hoặc SX hoá chất nguy hiểm:
a)      Sông Mã: Từ biên giới Việt Lào đến ngã ba Giàng, gồm: Các lưu vực sông, chi lưu và suối thuộc hệ thống sông Mã từ huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá, phía Bắc Hoằng Hoá.
b)      Sông Chu: Lưu vực hệ thống sông Chu từ biên giới Việt Lào đến ngã ba Giàng, gồm các huyện: Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hoá.
c) Sông Bưởi-Sông Con: Lưu vực từ thượng nguồn đến ngã ba Cầu Công.
d)      Thượng nguồn sông Mực (Hồ Bến En).
đ) Thượng nguồn sông Thị Long (Hồ Yên Mỹ)
4.5 Các dự án đầu tư chủ yếu của ngành công nghiệp hóa chất tỉnh Thanh Hoá:
Tổng số có trên 62 dự án đầu tư chủ yếu thuộc 03 lĩnh vực SXHC và 5 dự án ứng dụng khoa học công nghệ SXHC qui mô thực nghiệm. ( có phụ lục kèm theo).
V. Hệ thống các giải pháp thực hiện quy hoạch
- Các giải pháp về tài chính, tín dụng: Giải pháp chung về tài chính và tín dụng là khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo khả năng có thể; có các ưu đãi cụ thể và ổn định nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; nguồn vốn ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư các công trình trọng điểm.
- Các giải pháp về khoa học - công nghệ: Đối với các dự án mới, khuyến khích tiếp cận và sử dụng thiết bị - công nghệ tiên tiến đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và an toàn cho người sản xuất, người sử dụng và môi trường. Các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu có thời hạn đến năm 2010 để nâng cấp, hiện đại hoá phù hợp với yêu cầu. Tổ chức tốt công tác nghiên cứu triển khai công nghệ ở các cấp độ từ nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học, các đơn vị chuyên ngành cho đến các doanh nghiệp.
- Nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực: Thực hiện tiêu chuẩn hoá sử dụng lao động trong ngành hoá chất theo quy trình và tiêu chuẩn chuyên ngành; các trường đào tạo chuyên nghiệp trong tỉnh có kế hoạch bố trí, đào tạo và đào tạo bổ sung chuyên ngành hoá chất để phục vụ nhu cầu của Nhà nước và doanh nghiệp.
- Về vật tư - nguyên liệu: Đối với nguyên liệu không tái tạo (khoáng sản): thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức khai thác, chế biến trong tỉnh theo đúng quy hoạch và quy định hiện hành. Với các tài nguyên tái tạo thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch phát triển đến tổ chức thực hiện phát triển và khai thác cung cấp cho sản xuất.
- An toàn hoá chất trong sản xuất và sử dụng: Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát vấn đề an toàn cho môi trường đối với tất cả các dự án hoá chất, đặc biệt là các dự án đầu tư vào các khu vực cần được bảo vệ môi trường nghiêm ngặt như khu vực đầu nguồn của lưu vực hệ thống sông ngòi, các khu vực có hoạt động bảo tồn thiên nhiên.
VI. Tổ chức thực hiện quy hoạch
- Sở Công nghiệp: Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý theo dõi thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến công khai quy hoạch; lập chương trình, kế hoạch vận động, kêu gọi đầu tư các dự án đã xác định trong quy hoạch. Tổng hợp tình hình thực hiện quy hoạch và có kế hoạch trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết.
-Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Y tế, Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp để xử lý theo đề xuất của cơ quan chủ trì.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Trực tiếp quản lý quy hoạch và gọi đầu tư trên địa bàn, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi tr­ường, sở Xây dựng trong việc quy hoạch quỹ đất cho xây dựng các dự án trong quy hoạch khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Giao sở Công nghiệp căn cứ mục tiêu, quan điểm, định hướng và quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định này, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện quy hoạch.
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995