Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình sơn được chuyển đổi từ 6/2016 đến nay đã tròn 4 năm, từ đó đến nay HTX đã gặp không ít khó khăn, thời tiết khí hậu biến đổi khó lường, giá cả thị trường nông sản không ổn định, vật tư nông nghiệp tăng cao, dẫn đến HTX kinh doanh dịch vụ, chỉ đạo bà con sản xuất nông lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy- UBND huyện, phòng Nông nghiệp, Đảng ủy-UBND xã Bình Sơn, HTX đã mạnh dạn, phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, về vị trí địa lý, thổ nhưỡng đất canh tác, sự cần cù chịu khó của nhân dân địa phương trong lĩnh vực Nông lâm nghiệp, trong đó mũi nhọn là cây Chè và Mật ong hoa rừng nguyên chất. Năm 2020, HTX đã mạnh dạn đăng ký 2 sản phẩm Chè sạch Bình Sơn và Mật ong hoa rừng nguyên chất, kết quả cả 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Sản phẩm OCOP Chè sạch Bình Sơn được xếp hạng: 3 sao
Sản phẩm OCOP Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất được xếp hạng: 3 sao
Cơ sở sản xuất: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Sản phẩm Chè sạch Bình Sơn
Giới thiệu chung
Cây chè Bình Sơn được đưa vào trồng tại xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1992. Sau gần 30 năm, xã Bình Sơn đã phát triển được 350 ha chè, mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Sản phẩm chè khô Bình Sơn thơm, ngon, đậm đà pha lẫn với vị chát nhẹ tạo nên mùi vị, thương hiệu riêng của vùng. Để nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Bình Sơn, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đã quan tâm, triển khai nhiều lớp tập huấn để người dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chè đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cây chè Bình Sơn được chú trọng đầu tư trở thành cây trồng chủ lực và phát triển chè khô thành sản phẩm lợi thế của địa phương. Sản phẩm chè của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Hoạt động sản xuất:
Xã Bình Sơn có khoảng 500 hộ dân trồng chè, trung bình mỗi hộ có từ 0,5 đến hơn 1 ha chè. Để mở rộng, phát triển cây chè, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nguồn vốn, giống, phân bón, khuyến khích nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn được thành lập với mục tiêu sản xuất tập trung để nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm.
Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã thành lập các tổ, đội trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap tại các thôn, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch và làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân Bình Sơn. Cụ thể, HTX đã tổ chức sơ chế chè khô thay vì xuất bán chè tươi như trước đây, giúp nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè. Trong 5 tháng đầu năm 2020, HTX đã bán ra thị trường được trên 4 tấn chè khô...
Đáng chú ý, HTX đã tổ chức đưa người dân đi học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình sản xuất chè ở nhiều tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang... Đồng thời, vận dụng để phát triển mô hình “Mỗi hộ gia đình là 1 nhà máy chế biến chè”. Với những hướng đi của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn nhiều hộ trong xã đã đầu tư máy móc để chủ động sao chè, đóng hút chân không, in lô gô, nhãn mác... tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn.
Thị trường tiêu thụ:
Chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh đã mở ra hướng phát triển mới cho chè Bình Sơn khẳng định thương hiệu. Ngoài việc ổn định tiêu thụ tại thị trường trong nước, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã mở rộng hướng tiếp cận thị trường, tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm…; Đồng thời, thúc đẩy các hộ trồng chè trong vùng tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng, từng bước đưa thương hiệu chè Bình Sơn bay xa và hướng tới xuất khẩu.
Sản phẩm Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất
Vốn có lợi thế phát triển kinh tế đồi, vườn, rừng, đan xen nông lâm nghiệp, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn được biết đến với những đồi chè bát ngát, rừng keo, rừng nguyên liệu giấy, cây ăn quả, cây dược liệu,… nên 4 mùa có hoa trái. Trong phát triển kinh tế, xã Bình Sơn xác định mũi nhọn là nâng cao sản phẩm chè, tổ chức chế biến chuyên sâu, tập trung sản xuất trang trại, gia trại và tăng đàn ong mật. Thành lập năm 1994, được tách ra từ 1 phần của xã Thọ Bình, xã Thọ Sơn cùng 1 số hộ gia đình của các xã thuần nông. Khi đó, Bình Sơn đã nổi lên như 1 điểm sáng về khai thác thế mạnh đồi rừng trong việc phát triển cây trồng như: nguyên liệu giấy, chè, cây lấy gỗ…Đất đai màu mỡ, cùng với khí thế của vùng đất mới đã tạo đà cho Bình Sơn vươn lên. Song do nhiều yếu tố, trong đó có tư duy sản xuất nhỏ lẻ, cùng với thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn đã không đem lại sức bật như kỳ vọng ban đầu.
Xã Bình Sơn có 800 hộ, 3.200 nhân khẩu, với 3 dân tộc anh em chung sống gồm Kinh, Mường, Thái, trên diện tích tự nhiên 1.558ha, trong đó diện tích trồng chè 350ha. Với lợi thế tự nhiên này, đàn ong mật cũng là 1 trong những sản phẩm mà địa phương hướng tới, hiện với gần 700 đàn, chủ yếu tập trung ở các thành viên HTX. Do có lợi thế giáp ranh với vùng lõi của các Lâm trường nên nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú. Cùng với đó là đặc điểm riêng của hoa chè thường kéo dài đến cuối mùa thu nên đã tạo nguồn thức ăn cho ong. Đặc tính này đã tạo nên hương vị riêng biệt của mật ong của Bình Sơn đậm đà, thơm và chất lượng tốt. Trong quá trình sản xuất, Hội Nông dân xã cùng với HTX là đầu tàu vận hành và quản lý, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với nguyên tắc và chu trình OCOP. Hội tín chấp và ủy thác trên 30 tỷ đồng, tổ chức mỗi năm 15 đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời hướng dẫn, vận động hội viên ký cam kết sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bằng nhiều nỗ lực, năm 2019, khi các chỉ số quy định về OCOP (ba sao) được công nhận cho mật ong Bình Sơn đã đem đến cơ hội để nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bình Sơn thu hoạch trên 5.300 kg mật ong, sản phẩm này đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, trên 70% lao động của xã có việc làm từ việc chăm sóc và sơ chế chè, nuôi ong. Mật ong sau khi được thu gom, còn được đưa vào máy lọc để tách thành phần nước, tạo sự cô đặc, sau mới đóng chai, dán nhãn. Với giá bán tại chỗ dao động từ 150-170 nghìn đồng/chai, thu nhập bình quân mà nghề nuôi ong mang lại cho nhiều gia đình trong xã khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.
Chi tiết liên hệ:
HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn
Địa chỉ: Xã Bình Sơn, Huyện Triệu Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại: 0955265413
Email: nonglamnghiepbinhson@gmail.com