Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045

Đăng lúc: 11:03:34 05/08/2021 (GMT+7)

Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với mục tiêu tổng quát: Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

 Giai đoạn 2031 – 2045: Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại

Căn cứ vào đó, Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2021 -2030: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 38 - 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.

Giai đoạn 2031 - 2045: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; đến năm 2045, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15-16% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm.

Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh

Định hướng thực hiện Chiến lược chung theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg bao gồm các nội dung:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường. Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

 Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt. Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước), trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.

Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bền vững; đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế thương mại trong nước và hội nhập với thương mại quốc tế. Đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường.

9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thương mại trong nước

Để thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển thương mại trong nước, Chiến lược đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:

Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế.

- Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại.

-  Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.

- Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường.

- Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại trong nước.

- Đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước.

- Nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.

BBT Tổng hợp

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995