Bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến tại Hội thảo Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội.

Đăng lúc: 14:18:06 24/10/2014 (GMT+7)

NHỮNG KINH NGHIỆM TRONG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH THANH HÓA

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Hội thảo với chủ đề “Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu” do Bộ Nội vụ tổ chức. Đây là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn, đưa ra những nhận định, đánh giá và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, lắng nghe, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu để đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương. Thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, tôi nhiệt liệt chào mừng và kính chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Tại Hội thảo này, tôi xin được giới thiệu một số nét khái quát về tỉnh Thanh Hoá; về kinh nghiệm chỉ đạo điều hành nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và một số định hướng, giải pháp của tỉnh trong những năm tới. 

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, phía Tây của tỉnh giáp với nước CHDCND Lào với đường biên giới dài 192 km, phía Đông là Vịnh Bắc Bộ với chiều dài 102 km bờ biển. Tỉnh có diện tích tự nhiên 11.116 km2, dân số gần 3,5 triệu người đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Toàn tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố, 637 xã, phường, thị trấn, 6.042 thôn, bản, phố; trong đó có 11 huyện, 223 xã miền núi, với diện tích trên 8.000 km2 và dân số gần 1 triệu người. Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với 3 vùng sinh thái rõ rệt, đó là: trung du - miền núi, đồng bằng và ven biển; có vị trí khá thuận lợi, nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, có cảng nước sâu Nghi Sơn, cảng hàng không Thọ Xuân và nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được coi như một công cụ đánh giá năng lực lãnh đạo và năng lực phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương theo 6 trục nội dung: (i) tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (ii) công khai, minh bạch; (iii) trách nhiệm giải trình với người dân; (iv) kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (v) thủ tục hành chính công; (vi) cung ứng dịch vụ công. Chỉ số PAPI được công bố trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Theo kết quả công bố, PAPI của Thanh Hóa tăng, giảm không ổn định, năm 2011 xếp thứ 12, năm 2012 xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng cả nước.

Kết quả chỉ số PAPI của tỉnh Thanh Hóa những năm qua đạt được còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy hành chính nhà nước công khai, minh bạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân. Trước tình hình đó, để cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI trong bảng xếp hạng, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa bảo đảm trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài, trọng tâm là siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Do đó, năm 2013 Chỉ số PAPI của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố, thuộc tỉnh có điểm số cao của cả nước. Cùng với chỉ số PAPI, các chỉ số đánh giá năng lực hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) (đứng thứ 6/63), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (đứng thứ 8/63) của Thanh Hóa đều có bước tăng cao, nằm trong Tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Từ những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa báo cáo một số kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành để nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh như sau:

Thứ nhất, về tham gia của người dân ở cấp cơ sở

Để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung quán triệt sâu sắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Những năm qua, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ, đề cao vai trò giám sát của cộng đồng và tham gia giải quyết các vấn đề chung ở địa phương, cơ sở theo quy định. Vì vậy, việc tham gia của người dân ở cơ sở ngày càng tích cực, có trách nhiệm hơn đối với những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nội dung nhân dân bàn và quyết định, nội dung nhân dân tham gia ý kiến, nội dung nhân dân giám sát theo quy định. Những việc làm đó đã thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề chung ở địa phương, cơ sở. Như việc nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,41%; việc bầu trưởng thôn, bản, phố được nhân dân quan tâm, tích cực tham gia. Nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh sau khi ban hành đã đi vào cuộc sống, nhân dân tham gia tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến; phong trào làm đường giao thông nông thôn; xây dựng văn hóa ở khu dân cư; khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đảm bảo vệ sinh, môi trường; phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng các mô hình tự quản và khu dân cư an toàn về an ninh trật tự….

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường công khai minh bạch, mở rộng dân chủ, đề cao vai trò giám sát của nhân dân để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, đóng góp ý kiến và tham gia đầy đủ, trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề chung của địa phương, cơ sở; xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, thống nhất.

Thứ hai, về công khai, minh bạch

Những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt các giải pháp, bằng nhiều hình thức phù hợp việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và thời gian giải quyết công việc cho tổ chức, công dân; công khai các cơ chế chính sách, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất hàng năm và đơn giá bồi thường hoa màu, vật kiến trúc trên đất khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án; công khai dự toán thu chi ngân sách và quyết toán ngân sách hàng năm; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án; các khoản huy động nhân dân đóng góp; các loại phí, lệ phí…

Trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch công tác thi tuyển công chức, viên chức, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định để lựa chọn được những người có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức vào bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách thu hút gần 2.000 người có trình độ đại học chính quy trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp. Trong thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp công khai, minh bạch quy trình và kết quả bình xét hộ nghèo, danh sách hộ nghèo được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, bản, phố để nhân dân theo dõi, giám sát, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch (cả quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu), các cơ chế chính sách… tại trụ sở cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đăng tải thông tin trên website, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, người dân tìm hiểu, tra cứu thông tin, triển khai thực hiện.

Thứ ba, về trách nhiệm giải trình với người dân

Thực tiễn cho thấy, quá trình thực thi chính sách với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, khó có thể tránh được những vấn đề mà người dân có những điều chưa rõ, cần có sự giải đáp của các cấp chính quyền. Với nhận thức, chính quyền phục vụ nhân dân, chính quyền đồng hành cùng nhân dân trong xử lý, giải quyết công việc hằng ngày, trong giao tiếp, ứng xử với người dân.

Để thực hiện tốt việc giải trình với người dân, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác dân vận của chính quyền các cấp; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng để thông qua đó người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các công việc ở địa phương theo Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp duy trì tốt chế độ tiếp dân, mở đường dây nóng, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử, hòm thư góp ý ở nơi tiếp dân; xây dựng kế hoạch tiếp dân cụ thể hằng tháng, hằng quý và cả năm, bố trí lịch tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và công khai rộng rãi để tổ chức, công dân biết; do đó, nhiều vụ việc vướng mắc, phát sinh ở cơ sở được giải quyết kịp thời, không xảy ra điểm nóng, góp phần bảo đảm ổn định vững chắc tình hình ở cơ sở.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt hơn nữa việc giải trình với người dân, nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm như: cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, chứng thực, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân…; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ tư, về kiểm soát tham nhũng ở khu vực công

Đây là trục nội dung Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất. Đạt được kết quả trên, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị; kê khai tài sản, thu nhập; công khai về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư, dự toán ngân sách, các cơ chế chính sách; công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, thể chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về đất đai, khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng; đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức.., bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, khắc phục những sơ hở, thiếu sót để ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo điều hành; tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để ngăn ngừa những sơ hở, thiếu sót, khắc phục nhũng nhiễu phiền hà để đạt được kết quả cao hơn, xây dựng niềm tin của các tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, về thực hiện thủ tục hành chính công

Thanh Hóa xác định cải cách hành chính là khâu đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và PAPI, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; đã công bố công khai 1.811 thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên website và bộ phận “một cửa” của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, trị trấn về trình tự, thủ tục hồ sơ, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, góp phần giảm chi phí cho xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp vào chính quyền.

Từ năm 2006, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đưa Đề án “Hệ thống thông tin phản hồi về công tác cải cách hành chính” vào triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, để tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua đường dây nóng, số điện thoại, e-mail, hòm thư góp ý đặt tại trụ sở cơ quan, đơn vị; ý kiến phản hồi của tổ chức, công dân là công cụ quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đưa công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, tiến tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị; xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp; đồng thời đề ra mục tiêu “3 không” (không phiền hà sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn theo quy định) trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho tổ chức và người dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc cho tổ chức và người dân; đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ mệnh lệnh hành chính chuyển sang tinh thần phục vụ, hỗ trợ, nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Thứ sáu, về cung ứng dịch vụ công

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục tiểu học, Thanh Hóa đã quy hoạch, đầu tư hệ thống trường, lớp học tương đối hoàn chỉnh; toàn tỉnh có 728 trường tiểu học công lập, trong đó có 498 trường đạt chuẩn quốc gia; bình quân hàng năm có gần 250.000 học sinh tiểu học. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 83%; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, Tỉnh luôn quan tâm xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao; trên 85% giáo viên tiểu học đạt trình độ trên chuẩn. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho học sinh ra lớp đúng độ tuổi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh.

Lĩnh vực y tế công lập được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng chỉ tiêu giường bệnh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trạm y tế xã; tăng cường áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám và điều trị; quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời mở rộng khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế tại tuyến xã, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến khám chữa bệnh. Hiện nay, Thanh Hoá có 11 bệnh viện tuyến tỉnh (2 bệnh viện đa khoa, 9 bệnh viện chuyên khoa); 26 bệnh viện tuyến huyện; 13 phòng khám đa khoa khu vực; 637 trạm y tế xã; 9 trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh; 27/27 huyện, thị xã, thành phố đều có trung tâm y tế và trung tâm Dân số - KHHGĐ. Tỷ lệ giường bệnh đạt 18,4 giường/vạn dân. Tỷ lệ số trạm y tế xã, phường có bác sỹ đạt 70,2%, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đạt 91%. Tỷ lệ số xã, phường đã triển khai khám BHYT ban đầu đạt 97,1%, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được tăng cường. Lực lượng công an viên ở xã, phường, thị trấn và địa bàn dân cư được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh; nhiều phong trào và mô hình tự quản về an ninh trật tự được xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả; các vụ việc về an ninh trật tự, các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở được giải quyết kịp thời, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Các công trình xã hội thiết yếu, phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 81%; 98% số hộ được dùng điện sinh hoạt; hệ thống đường liên thôn, bản cơ bản được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 17 đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2015 Thanh Hóa đạt mức thu nhập bình quân của cả nước, đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến. Để đạt được mục tiêu to lớn đó, Thanh Hóa đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước công khai, minh bạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân; cải thiện, nâng cao chất lượng chỉ số PAPI. Đó chính là quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa để tập trung chỉ đạo điều hành, cải thiện thứ bậc, phấn đấu chỉ số PAPI luôn đứng tốp đầu trong bảng xếp hạng của cả nước.

Một lần nữa, xin kính chúc các quí vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995