Sáng ngày 21/10/2014, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị họp nghe báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Anh Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Giao thông Vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; Ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa; Cục Thuế tỉnh; Cục Thống kê và Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011 - 2014, trong tổng số 18 chỉ tiêu quy hoạch đã đề ra, có 06 chỉ tiêu đã hoàn thành mục tiêu quy hoạch đến 2015, gồm: Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động. Dự kiến đến hết năm 2014, có thêm 04 chỉ tiêu quy hoạch khả năng sẽ hoàn thành, gồm: Tỷ lệ hộ sử dụng điện, tỷ lệ dân số được phủ sóng truyền hình và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, số giường bệnh/vạn dân. Còn lại 08 chỉ tiêu khó có khả năng đạt được, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; GDP bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường tỉnh, đường huyện; tỷ lệ che phủ rừng; đô thị có công trình thu gom; xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ hộ dân ở đô thị sử dụng nước sạch và tỷ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Báo cáo quy hoạch cũng đưa ra 2 phương án phát triển. Phương án 1 xây dựng với mô hình tăng trưởng kinh tế được lựa chọn theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu. Phương án 2 được xây dựng trên cơ sở phương án 1 nhưng có tính đến các yếu tố thuận lợi hơn như: Kinh tế thế giới và trong nước phục hồi nhanh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường xuyên đứng trong top đầu; lao động qua đào tạo đạt hơn 80% vào năm 2020.
Báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, an ninh chính trị ổn định, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc.
Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, có 8 chỉ tiêu giữ nguyên, 5 chỉ tiêu điều chỉnh tăng, 5 chỉ tiêu điều chỉnh giảm và bổ sung 2 chỉ tiêu là: Huy động vốn đầu tư phát triển, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ những mục tiêu này, báo cáo nêu ra các hướng đột phá và ưu tiên phát triển đến năm 2020 gồm: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cấp hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nhanh các khu kinh tế động lực; củng cố, phát triển hệ thống chuyển giao công nghệ, phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh; phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng theo cơ cấu ngành nghề đáp ứng thị trường lao động. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 12%, giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 10- 12%.
Báo cáo cũng nêu rõ các sản phẩm trọng điểm của từng ngành, về công nghiệp có nhóm sản phẩm công nghiệp trọng điểm như: Lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc, da giày; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện và nhóm các sản phẩm khuyến khích phát triển: Cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi. Về dịch vụ, tập trung phát triển các lĩnh vực: Dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; dịch vụ cảng biển và logistics; các dịch vụ đào tạo dạy nghề, y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế; dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin, nội dung số; dịch vụ khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản. Về nông, lâm, thủy sản tập trung phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm lợi thế sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, năng suất chất lượng cao.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, lý giải những chỉ tiêu chưa đạt được và thảo luận, phân tích rõ về mục tiêu phát triển, hướng đột phá, định hướng phát triển các sản phẩm, các ngành; phát triển theo vùng và các giải pháp thực hiện đối với quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để bổ sung vào báo cáo quy hoạch.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát lại số liệu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 để đánh giá khả năng thực hiện của ngành mình. Qua đó, xây dựng kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm cụ thể, chi tiết với 2 phương án theo quy hoạch mà Viện Chiến lược phát triển đã trình bày và yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch. Về phân kỳ thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phân kỳ theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 2015 – 2020, 2021 – 2025, 2026 – 2030.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa là giảm dần những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, vì vậy cần tính toán số liệu phát triển cho phù hợp và cân nhắc kỹ tốc độ phát triển, trong đó lưu ý giai đoạn 2026 – 2030 phải xây dựng phương án phát triển kinh tế của tỉnh theo chiều sâu. Về đánh giá chung điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội, thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu báo cáo cần gọn hơn, đánh giá sát với tình hình tỉnh Thanh Hóa, và nhấn mạnh hiện nay Thanh Hóa có nhiều dự án lớn đã, đang và chuẩn bị đầu tư trên địa bàn, do vậy trong quy hoạch cần chú ý đến quỹ đất bảo đảm cho phát triển công nghiệp; cơ hội mới cho đầu tư phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Việc xây dựng vùng kinh tế động lực cần tiến hành theo 2 phương án đó là: Phương án tứ giác (Khu Kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, Bỉm Sơn – Thạch Thành); và phương án tam giác (Khu Kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng).
Trên cơ sở những nội dung đã góp ý bổ sung, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thiện báo cáo của đơn vị mình gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Viện Chiến lược phát triển để hoàn chỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
Bích Phương