Nội dung chính trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 11.130 km2, đứng thứ 5 cả nước, dân số gần 3,7 triệu người đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với vị trí nằm trên trục giao thông kết nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế để trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước, cụ thể là:
- Có tiềm năng đất đai đa dạng, thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, có 102 km bờ biển, với vùng lãnh hải rộng là tiềm năng để phát triển kinh tế biển.
- Thanh Hoá là mảnh đất còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng độc đáo, hấp dẫn, nổi tiếng như Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và nhiều di tích, danh thắng có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch.
- Thanh Hoá cũng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với trên 2,4 triệu lao động, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước.
- Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi, bao gồm: cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; có cảng hàng không Thọ Xuân, được quy hoạch là sân bay quốc tế; có cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào; đã có tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng trong việc hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế. có tuyến đường bộ cao tốc đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào là điều kiện thuận lợi giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Sự phát triển của hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh cũng đang tạo ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh. Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển trở thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 08 khu công nghiệp, trong đó có 05 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha và khu đô thị sân bay, với diện tích khoảng 3.000 ha, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân.
Trong những năm qua, mặc dù gặp không ít những khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 17,15% cao nhất từ trước đến nay và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Có được kết quả trên là do: Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, trong xúc tiến đầu tư lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng luôn chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện 2 đồng hành và 3 cam kết, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, Ba cam kết, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.
- Vào ngày 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các ngành duy trì lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đang phấn đấu trong năm 2020, việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, thủ tục hành chính của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã được thực hiện trong môi trường điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Năm 2017, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa. Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ đã có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 141.000 tỷ đồng, tương đương 6,35 tỷ USD. Đến nay, đã có 06 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 16 dự án đang đầu tư xây dựng, 03 dự án đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/500; số dự án đã và đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 131.000 tỷ đồng, đạt 93,6% tổng số vốn đã thu hút tại Hội nghị. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tăng năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, diện mạo của tỉnh ngày càng khang trang và hiện đại hơn. Đó là minh chứng sống động nhất khẳng định sự thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017 và sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp theo thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, sau gần 1 năm chuẩn bị, tại Hội nghị này có 31 dự án được trao trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Trong đó: có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị là 25.500 tỷ đồng; du lịch là 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế là 1.600 tỷ đồng). Đây là những dự án tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong thời gian chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Đồng thời, cũng tại Hội nghị này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6 - 6, gồm:
- 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: Thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng.
- 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị.
- 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, gồm:
+ Hành lang kinh tế ven biển, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển, được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển;
+ Hành lang kinh tế Bắc Nam, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam;
+ Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, với trọng tâm là phát triển xa lộ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh;
+ Hành lang kinh tế Đông Bắc, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh Tây Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217;
+ Hành lang kinh tế trung tâm, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị, kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân;
+ Và hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
- 6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội dùng chung hiệu quả hơn cho từng vùng.
Đây cũng là định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới.
Với phương châm Doanh nghiệp thành công Thanh Hóa phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại Thanh Hóa, tỉnh cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử