Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp

Đăng lúc: 16:13:15 17/03/2015 (GMT+7)

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế, chính sách, tiếp cận vốn. Doanh nghiệp cần được tháo gỡ khó khăn

 
 
 
Chương trình cho vay thí điểm khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia
khi thấy được lợi ích thiết thực từ các mô hình sản xuất mới, ảnh chỉ có tính minh họa từ internet.
 
Doanh nghiệp “bà đỡ” cho nông dân
 
Đến tháng 12/2014 toàn tỉnh có 737 cơ sở SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 7,8% tổng số cơ sở đăng ký kinh doanh đang hoạt động.
 
Hiện nay số DN vừa và nhỏ chiếm đến 95% số DN nông nghiệp. Trong giai đoạn 2009 - 2013 số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, thủy sản tăng nhanh, các DN trên đã trực tiếp sử dụng 21.457 lao động.
 
Tại Thanh Hóa một số hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân trong những năm qua đã giúp nông dân ổn định đầu ra của sản phẩm như Công ty XNK Thủy sản Thanh Hóa thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản của ngư dân. Sản phẩm của công ty đã xuất sang thị trường EU. Công ty CP Công - nông nghiệp Tiến Nông là một trong số các DN tiêu biểu dự kiến đưa vào danh sách cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Hiện DN đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu với tổng diện tích 10.000 ha, sản xuất 2 vụ/năm, sau thời gian thí điểm mô hình này đã giúp nông dân tránh được tình trạng hoang hóa ruộng đồng, tiết giảm chi phí cho sản xuất cây lúa.
 
Tuy nhiên, số DN làm tốt vai trò “bà đỡ” cho sản xuất của nông dân số lượng còn ít. Thời gian gần đây DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn có chiều hướng tăng, nhưng về thực tế cho thấy hầu hết DN đang gặp phải khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là rủi ro cao, trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ khi DN gặp rủi ro. Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp yêu cầu sử dụng nhiều đất đai, nhưng tại các địa phương diện tích đất đã được giao cho các hộ sử dụng ổn định, nên các DN khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
 
Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hoàng Quy cho biết: “Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ mạnh. DN rơi vào vòng luẩn quẩn về nguồn vốn, khoa học - công nghệ, tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đa số lao động trong các DN đều cần cù, chăm chỉ, nhưng nguồn lao động chất lượng cao còn nhiều hạn chế, số lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 51.6%”.
 
Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
 
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Thanh Hóa đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, chú trọng thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nghề, chọn những cây trồng có lợi thế, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, chỉ đạo thực hiện tốt các dự án phát triển bò sữa, cao su, mía đường, phát triển kinh tế, khai thác và chế biến thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị.
 
Đặc biệt, sau khi Nghị định 61 của Chính phủ ban hành về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực nông nghiệp - nông thôn nâng cao hiệu quả SXKD góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn. Các chính sách quy định tại Nghị định 61 nhằm hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về khoa học - công nghệ, mở rộng thị trường…
 
Các chính sách trên được coi là “mạnh” hơn các chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thực hiện đối với các DN trong tỉnh đã gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc, do quy định đối tượng được hỗ trợ từ Nghị định là những DN có quy mô sản xuất lớn, nhưng tại Thanh Hóa số DN vừa và nhỏ chiếm đến 95% số DN nông nghiệp, nếu áp dụng đúng đối tượng của Nghị định thì hầu hết các DN khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.
 
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất hạ mức chỉ tiêu đối tượng được hưởng chính sách Nghị định 61 đối với các DN nông nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa, để giúp các DN tiếp cận được với chính sách hỗ trợ từ nghị định.
 
Đối với các dự án như Dự án xây dựng Trại bò Thanh Hóa 2 tại Phú Nhuận (Như Thanh) quy mô 2.000 con bò sữa của Công ty Sữa Việt Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt và cấp phép hoạt động, dự kiến năm 2015 nhập đủ 2000 con theo cam kết thực hiện; dự án bò sữa của TH True Milk với quy mô 20.000 con thuộc Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH tại Thanh Hóa đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận và đồng ý cho công ty cùng với Công ty TNHH MTV Yên Mỹ thành lập Công ty TNHH 2 thành viên với tổng diện tích đất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho dự án nuôi và chế biến sữa là 2.934,62ha. Trong thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các DN tập trung đầu tư, phát triển các dự án lớn về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Mặc dù còn có những khó khăn cần tháo gỡ, nhưng nhìn chung cơ hội đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trong bối cảnh mới ở Thanh Hóa ngày càng rộng mở và hứa hẹn để có thể tạo ra bước phát triển vượt bậc.
Nguồn: Báo VH&ĐS
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995