Một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá là chiều nay, 17/7, tại phòng họp Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, chính thức thông qua Đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và đồng ý ban hành nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Kết quả này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hoá trong Vùng và cả nước; là sự hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hoá, tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn và thu hút mọi nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để đảm bảo sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của Thanh Hoá trong bối cảnh mới, đưa Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Tham dự buổi làm việc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hoá lần đầu tiên, ngày 20-2-1947: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: việc Bộ Chính trị đồng ý cho lập Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đưa ra bàn bạc, thảo luận để quyết định việc ban hành nghị quyết chính là sự điều khiển, sắp đặt đó. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra trước thời điểm Thanh Hoá tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh là điều kiện rất tốt để tỉnh xác định đúng đường hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới và nếu đề án được thông qua, nghị quyết được ban hành sẽ là dấu mốc đặc biệt quan trọng để tỉnh Thanh Hoá bứt phá mạnh mẽ, trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng căn dặn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt Ban Chỉ đạo 218 trình bày Tờ trình “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng. Trong suốt quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Thanh Hóa đều có những đóng góp rất lớn cho dân tộc và vinh dự được 04 lần đón Bác về thăm.
Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, nhất là giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Trung ương cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cả tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng mà tỉnh chưa bao giờ có được. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020 quy mô của nền kinh tế lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước; từng bước trở thành một cực tăng trường mới của vùng và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn; du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển khá ổn định, hướng tới sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Là một trong những tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó có vốn FDI, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh. Một số cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng được hình thành như Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân...Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng từng bước được thúc đẩy với một số kết quả tích cực ban đầu; thực hiện tốt công tác ngoại giao và hữu nghị với các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào.
Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; ngành y tế có bước phát triển mạnh. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tể - xã hội phát triển; biên giới và hải đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới thiết thực, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, phục thuộc nhiều vào tăng các yếu tố đầu vào. Còn có dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; phát triển của ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Hệ thống đô thị phát triển chưa nhanh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng các huyện miền núi, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động đối ngoại, hợp tác liên vùng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Văn hóa xã hội phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền; khoảng cách phát triển có xu hướng gia tăng.
Xác định rõ Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Tây Bắc với Bắc Trung bộ, Tờ trình nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa, vùng Bắc Trung bộ và cả nước nhằm hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh....đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc; các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Tờ trình đề án cũng nêu rõ các giải pháp và đề xuất Bộ Chính trị xem xét thông qua Báo cáo Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” bởi sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của Thanh Hóa góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước. Với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa sẽ cộng hưởng với Hà Nôi, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách Trung ương khi Thanh Hóa cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền, cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.
Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đánh giá cao chất lượng “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hoá xây dựng khoa học, sát thực tế, rõ mục tiêu, tầm nhìn, đưa ra được những giải pháp khả thi. Tất cả các ý kiến đều đồng tình về việc Bộ Chính trị cần thiết phải ban hành nghị quyết cho Thanh Hoá, bởi đây là đòi hỏi khách quan. Thanh Hoá là tỉnh lớn, nằm ở vị trí chiến lược của quốc gia, là tỉnh đông dân, Đảng bộ lớn, có truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng hơn 990 năm và trong bối cảnh phát triển mới, tỉnh đang rất cần có động lực để phát triển.
Các Uỷ viên Bộ Chính trị cho rằng: Thanh Hoá có đầy đủ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và có lợi thế cạnh tranh đặc biệt để bứt phá. Thực tế, 10 năm qua, Thanh Hoá đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư Thanh Hoá đã phát triển được những cơ sở hạ tầng quan trọng, những vùng trọng điểm mà trước đây tỉnh chưa làm được. Đây là cơ hội và là điều kiện rất tốt để Thanh Hoá bứt phá. Tuy nhiên, các đại biểu rất băn khoăn vì Thanh Hoá còn nghèo, bình quân đầu người thấp so với bình quân chung cả nước và cách rất xa so với mục tiêu đề án.
Thanh Hoá có truyền thống văn hoá, lịch sử vẻ vang, nhân dân cần cù, hiếu học nhưng những yếu tố đó chưa trở thành nguồn lực đưa Thanh Hoá phát triển. Người Thanh Hoá đông nhưng nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu vực miền núi còn rất nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, tỉnh phát triển chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài và nguồn ngân sách. Vì vậy, để Thanh Hoá phát triển được đồng đều giữa các vùng miền, người dân được ấm no, hạnh phúc, các đại biểu đều cho rằng: Tỉnh phải tiếp tục đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong đảng; làm rõ hơn không gian phát triển của Thanh Hoá dựa trên đặc điểm nổi trội của Thanh Hoá là hội đủ 3 vùng địa lý là miền núi, đồng bằng trung du, và vùng ven biển. Trụ cột phát triển của Thanh Hoá vẫn phải xác định nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp là trung tâm và dịch vụ là động lực. Quan điểm phát triển phải xác định nội lực là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của Thanh Hoá, nguyên nhân khách quan, chủ quan, quan điểm và mục tiêu cho Thanh Hoá trong tương lai, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cho rằng: Thanh Hoá muốn cất cảnh, tỉnh phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải cách mạnh mẽ hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp; đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong chính quyền và trong toàn hệ thống, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động được mọi nguồn lực để tập trung phát triển tứ Sơn là Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn và Lam Sơn; phát triển hạ tầng giao thông, phát triển khu vực miền núi và nghiên cứu để có được những cơ chế, chính sách phù hợp làm động lực cho sự phát triển; tăng cường liên kết vùng bởi chỉ Thanh Hoá mới có thể vừa kết nối với vùng Bắc miền Trung, vừa kết nối với cả vùng Tây Bắc và kết nối ra biển; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Điều quan trọng nhất mà tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đều thống nhất đó là: Với những thành tựu mà Thanh Hoá đã nỗ lực để đạt được cùng với khát vọng vươn lên mãnh liệt của hơn 3,7 triệu người Thanh Hoá cũng như yêu cầu phát triển tỉnh Thanh Hoá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia thì đây là thời điểm Bộ Chính trị nên ban hành cho Thanh Hoá một nghị quyết, khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hoá trong Vùng và cả nước; là sự hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hoá, tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn và thu hút mọi nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để đảm bảo sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của Thanh Hoá trong bối cảnh mới, đưa Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, thống nhất thông qua Đề án “ Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành nghị quyết về “ Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến phấn khởi và xúc động cảm ơn sự quan tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị dành cho tỉnh Thanh Hoá. Đồng chí khẳng định: Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện được Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh hết sức quan tâm chờ đón và thực sự là niềm vui lớn lao đối với tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo Bộ Chính trị: Mục tiêu Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định là, Thanh Hóa phải vươn lên mạnh mẽ, để có thể thực hiện được 2 việc: Thứ nhất là Thanh Hóa phải cố gắng lo cho chính mình, giảm gánh nặng cho Trung ương và thứ hai là tiến tới đóng góp xứng đáng cho Trung ương, như đã đóng góp rất to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ trước đến nay. Và để xứng đáng với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hoá sẽ đoàn kết một lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết, trước mắt là mục tiêu đến 2025 để từng bước hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu của cả nước./.
Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn