(THO) - Thời gian qua, huyện Thạch Thành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều loại cây trồng, vật nuôi... đưa vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng lên.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 đạt 5,2%... Để đạt được kết quả này, thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng xã, thị trấn và nhu cầu thị trường. Chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống theo hướng tăng trà xuân muộn, mùa sớm, giảm tối thiểu diện tích trà xuân sớm và trà mùa muộn để phù hợp với biến đổi khí hậu. Cơ cấu giống lúa lai, lúa thuần ngắn ngày chiếm hơn 90%, sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 61.141 tấn/năm. Diện tích trồng lúa chất lượng cao tăng nhanh. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện tập trung chỉ đạo các xã thực hiện cánh đồng lớn, đưa nhiều giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt và phân bón viên nén chậm tan vào sản xuất. Hàng năm, thực hiện sản xuất trên 30 cánh đồng lớn ở vụ lúa chiêm xuân và vụ mùa, với diện tích 2.452 ha. Trên cánh đồng lớn sử dụng 1 đến 2 giống năng suất, chất lượng, như TX 111, Thiên Ưu 8, BC15 và đưa năng suất lúa bình quân toàn huyện lên 52,4 tạ/ha, tăng 7,7 tạ/ha so với năm 2015. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng mía, trồng cây màu khác như ngô dầy, rau màu, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao và chuyển đất lúa vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện thực hiện chuyển đổi 448,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía; chuyển 166,3 ha đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng ngô, rau màu; chuyển 27 ha đất lúa vùng trũng thấp hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản. Đi đôi với đó, huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn cơ giới hóa đồng bộ trồng mía nguyên liệu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện được 815 ha sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn, năng suất bình quân đạt hơn 100 tấn/ha (cá biệt một số xã năng suất đạt 120 đến 130 tấn/ha). Đưa năng suất mía nguyên liệu bình quân toàn huyện lên 68 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với năm 2015... Huyện cũng đã triển khai thực hiện sản xuất rau an toàn tập trung, với diện tích 6 ha và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới 12.000m2, tại xã Thạch Định, xã Thành Hưng, thị trấn Vân Du... Các địa phương tổ chức sản xuất các loại rau có giá trị kinh tế cao, như cà chua, bí xanh, dưa chuột và rau các loại gắn với tiêu thụ tập trung tại các chợ đầu mối.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Thạch Thành định hướng xây dựng vùng cây ăn quả có múi; đồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện thực hiện liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam điều tra, rà soát diện tích đất vườn tạp, đất trang trại và xây dựng vùng cây ăn quả, với tổng diện tích hơn 1.317 ha. Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng mới 478 ha cam, bưởi; xây dựng 15 mô hình trồng cây ăn quả có múi công nghệ cao với diện tích 30 ha. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển cây nghệ vàng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ nano bào chế curcumin, với diện tích hơn 100 ha và tập trung chủ yếu tại Nông trường Thạch Quảng. Sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt hơn 2.000 tấn nghệ tươi, hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định.
Huyện tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Hiện huyện đã thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, với 18.000 lợn mẹ sinh sản, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD tại xã Thạch Tượng; doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gà tập trung tại xã Ngọc Trạo... Việc đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn..., nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế tại địa phương.
Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía, trồng ngô và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Thực hiện cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, liên doanh, liên kết với các công ty giống, phân bón để hỗ trợ, giúp đỡ cho nông dân phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích. Tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn trồng mía nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, phấn đấu đưa năng suất mía đến năm 2020 bình quân toàn huyện đạt 100 tấn/ha trở lên. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất, trồng, thu hoạch mía đạt 70% tổng diện tích và 100% trên diện tích vùng thâm canh thực hiện cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cá nhân chuyển nhượng, tích tụ đất đai để trồng cây có múi, như: Bưởi da xanh, cam Vinh, cam Đường Canh, cam Vân Du và trồng các loại cây ăn quả, như: Thanh long, ổi, mít, dứa... Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng thương hiệu cam Vân Du để giới thiệu và quảng bá sản phẩm nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phát triển 250 trại chăn nuôi lợn thương phẩm trên địa bàn. Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp lên 50% vào năm 2020. Thực hiện rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng ổn định diện tích rừng đặc dụng, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phấn đấu trồng mới 610 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%. Phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục chuyển đổi diện tích vùng đầu các trạm bơm điện, hồ đập lớn, vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt.