Cách đây chưa lâu, vào ngày 8–11–2016, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, lễ ký kết thỏa thuận đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 giữa Bộ Công Thương và tổ hợp nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Công ty KEPCO (Hàn Quốc) đã diễn ra.
Một dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 2,3 tỷ USD sẽ được đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) nhưng lại được Bộ Công Thương đứng ra kêu gọi đầu tư quốc tế đã cho thấy sự thành công của Thanh Hóa trong việc tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư. Để có được “trái ngọt triệu đô” nói trên, từ năm 2011, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch ngành điện, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại KKTNS, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tập trung đấu mối, làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho dự án. Đồng thời, liên tiếp tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản; làm việc với nhiều tập đoàn lớn của các quốc gia này để tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư.
Trên đây chỉ là một trong hàng trăm dự án được đầu tư vào Thanh Hóa trong thời gian qua nhờ chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh. Nếu tính tất cả các dự án đầu tư vào tỉnh trong năm 2016 (đến đầu tháng 12), có 189 dự án (trong đó có 11 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 26.731 tỷ đồng và 155 triệu USD. Việc thu hút đầu tư không còn là kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với Thanh Hóa mà đã chuyển sang hướng: tỉnh tự tìm đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư để mời gọi. Đây là hướng đổi mới đúng đắn trong cách kêu gọi đầu tư bởi hầu hết các địa phương khác trong nước đều “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư. Trong năm, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng dẫn đầu, đã có chuyến xúc tiến đầu tư tại Tokyo và Osaka (Nhật Bản); các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh như Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, Ban Quản lý (BQL) KKTNS và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa... cũng đã triển khai nhiều chương trình kêu gọi đầu tư về tỉnh nhà. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa thủ tục hành chính và sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tại Thanh Hóa.
Không chỉ dừng ở việc kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, khi các doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên có những chuyến thăm động viên, làm việc để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. BQL KKTNS&CKCN cũng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Từ những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đưa giá trị sản xuất, kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp tại KKTNS&CKCN trên địa bàn tỉnh lên gần 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho gần 73.500 người, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh đang cho thấy hiệu quả đáng mừng, mở ra kỳ vọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước trong tương lai gần.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử