Dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021-2025, tầm nhìn đến 2030

Đăng lúc: 16:26:54 05/08/2021 (GMT+7)

Chiều ngày 26/7/2021, đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe và cho ý kiến vào báo cáo dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

 tin tuc su kien 6.jpg
 
         Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - Một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đạt 100% thủ tục hành chính (có đủ điều kiện) được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 và được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đạt từ 95% trở lên; 50% dịch vụ công được chuyển giao cho các cơ quan ngoài nhà nước thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, người dân được số hóa kết quả giải quyết; 98% tổ chức, người dân hài lòng với cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cam kết thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết” cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quan trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành tuyến đường lớn, kết nối liên vùng, gồm: Tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, đường nối từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân, đường từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, đường Vạn Thiện đi Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa; đến năm 2025, 100% đường huyện và 85% đường xã được cứng hóa; tiếp tục đầu tư, từng bước hoàn thiện đầu tư hệ thống cảng biển, cảng hàng không; hạ tầng thông tin, cấp điện, cấp nước, hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và hạ tầng các cụm công nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 750 nghìn tỷ đồng trở lên.

Định hướng đến năm 2030 đạt 100% tổ chức, người dân hài lòng với cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quan trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Phấn đấu giai đoạn 2026 - 2030, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 900 nghìn tỷ đồng trở lên.

Để đạt được những mục tiêu trên, dự thảo cũng xây dựng 8 giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Rà soát, hoàn thiện, xây dựng và quản lý các quy hoạch, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn. Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình trọng điểm có tính chất đột phá và sức lan tỏa. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp. Tăng cường an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các giải pháp thực hiện Nghị quyết cũng như việc phân cấp, phân quyền chức năng nhiệm vụ các ngành. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đánh giá cao đơn vị soạn thảo dự thảo Nghị quyết là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đi sâu làm rõ mục tiêu cho từng giai đoạn thực hiện, cũng như xây dựng chi tiết các bảng biểu chỉ số đánh giá. Đồng chí yêu cầu đơn vị soạn thảo phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện lại dự thảo, trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Đồng chí nhấn mạnh, khi hoàn chỉnh lại dự thảo, cần chú ý đến một số vấn đề sau: Về bố cục, nên đi sâu vào phân tích đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 và Kết luận số 46-KL/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, cũng như các chương trình, các khâu đột phá của tỉnh đã đề ra. Về quan điểm, mục tiêu cần nêu rõ được định hướng chiến lược của tỉnh.

Trên cơ sở đó, trong phần nhiệm vụ giải pháp cần ưu tiên việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đưa lên hàng đầu. Về khâu tổ chức thực hiện, phải nâng cao vai trò của Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị.

                                                              Nguồn: CTTĐT tỉnh Thanh Hóa


 
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3844995