(THO) - Cây bưởi Diễn “bén duyên” trên vùng đất Yên Ninh (Yên Định) gần 20 năm và đã được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Để nâng cao giá trị kinh tế từ loại cây trồng này, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho cây bưởi Diễn, tăng thu nhập cho nông dân.
Vốn là vùng đất trũng thấp, xã Yên Ninh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế không cao. Người dân địa phương không có nghề phụ, cuộc sống chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa và những loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc..., tỉ lệ hộ nghèo cao. Năm 2000, một hộ dân đang định cư tại Hà Nội về thăm quê mang theo một số cây bưởi Diễn về trồng thử trong vườn nhà. Nhờ thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng, sau khoảng 3-4 năm cây bưởi Diễn cho thu hoạch. Nhận thấy chất lượng của quả bưởi Diễn không kém gì bưởi trồng tại xã Phú Diễn, quận Từ Liêm (Hà Nội) nên nhiều hộ dân địa phương đã mua giống trồng tại vườn nhà. Theo ông Trịnh Bá Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh: Giai đoạn 2004-2010, là thời gian cây bưởi Diễn phát triển mạnh trên đất Yên Ninh. Người dân không chỉ trồng trong vườn nhà mà thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đấu thầu đất vụ 2 lúa hiệu quả kinh tế kém để đưa cây bưởi Diễn vào trồng. Người dân đã đầu tư cải tạo vùng trồng bưởi Diễn tập trung. Hiện nay, giá trị kinh tế của cây bưởi Diễn đạt 500 - 700 triệu đồng/ha.
Theo chân cán bộ xã Yên Ninh, chúng tôi đến thăm thôn Trịnh Xá 1 - được xem là nơi khởi nguồn và trọng điểm phát triển cây bưởi Diễn. Đi trên những cung đường bê tông khang trang dẫn vào thôn, đâu đâu cũng thấy những vườn bưởi ngút ngát xen lẫn những căn nhà ở xây dựng kiên cố cao tầng. Gia đình ông Lê Trọng Giang là một trong những hộ làm giàu từ cây bưởi Diễn. Vườn bưởi Diễn rộng 7 ha của gia đình ông trồng từ năm 2004, cho năng suất ổn định, thu nhập cao. Ông Giang cho biết: Từ năm 2000, gia đình ông đã đấu thầu đất để trồng mía cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao vì chất đất không phù hợp với cây mía. Khi nhận thấy cây bưởi Diễn phù hợp với đồng đất địa phương, gia đình đã chuyển đổi sang trồng bưởi với diện tích 7 ha. Từ năm 2007 đến nay, vườn bưởi của gia đình cho thu lợi nhuận ổn định từ 400 triệu/ha trở lên. Điển hình như năm 2017, vườn bưởi của gia đình đạt hơn 6 vạn quả, cho doanh thu hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 3,5 tỷ đồng.
Được biết, hiện trên địa bàn xã Yên Ninh có khoảng 80 ha trồng bưởi Diễn, trong đó có hơn 60 ha đã cho thu hoạch từ vụ thứ 2 trở lên. Nhờ trồng bưởi Diễn, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây bưởi Diễn, hầu hết các hộ trồng bưởi tại địa phương đã tập trung chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Xã Yên Ninh phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích trồng cây bưởi Diễn trên toàn xã lên 230 ha, trong đó có 150 ha được trồng tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Đi đôi với việc mở rộng diện tích, xã Yên Ninh đã và đang nỗ lực quảng bá, đưa sản phẩm bưởi Diễn ra thị trường thông qua các hội chợ nông sản, hội chợ kết nối cung cầu. Tháng 8-2017, bưởi Diễn của xã Yên Ninh được lựa chọn là sản phẩm của mô hình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm trong chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, để tạo thương hiệu cho cây bưởi Diễn, đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất thành lập HTX củ quả Yên Ninh để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi Diễn Yên Ninh. Được biết, hiện nay, 5 ha bưởi Diễn thuộc 7 hộ dân trên địa bàn xã đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Vietgap và gần 20 ha đang được chuyển giao kỹ thuật trồng theo hướng Vietgap nhằm canh tác bền vững, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Cây bưởi Diễn đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Do đó, đi đôi với việc mở rộng diện tích, chính quyền địa phương khuyến khích người dân lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây bưởi. Đồng thời, đề ra chiến lược, lộ trình cụ thể, như: Đăng ký chất lượng VietGap, nhãn hiệu tập thể... để sản phẩm bưởi Diễn Yên Ninh khẳng định được thương hiệu, chất lượng và bảo đảm giá trị kinh tế khi đưa ra thị trường, tránh trường hợp “được mùa mất giá” giúp người dân yên tâm sản xuất.