(THO) - Sáng 18 - 9, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về đề xuất tư xây dựng nhà máy xi măng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Đại Dương; tình hình thực hiện các dự án của Công ty CP Tập đoàn Công Thanh trên địa bàn tỉnh.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS & CKCN) tỉnh, huyện Tĩnh Gia...
Theo báo cáo của BQL KKTNS & CKCN tỉnh, gần đây, Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Đại Dương đề nghị được đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Xi măng Đại Dương tại xã Tân Trường (Tĩnh Gia) với quy mô diện tích 45,45 ha, trong đó dự kiến vùng nguyên liệu là 2 mỏ đá vôi ở xã Tân Trường (Tĩnh Gia) và Thanh Kỳ (Như Thanh). Nếu được chấp thuận, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xi măng có tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn với tổng công suất 1.200 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm.
Đại diện Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và Các KCN tỉnh đề xuất bổ sung dự án để các đại biểu thảo luận.
Tại hội nghị, một số ý kiến thảo luận cho rằng, cần phải xem xét thấu đáo hoặc chưa nên đồng ý với đề xuất đầu tư dự án này, bởi trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ không có nhà máy xi măng này. Một số ý kiến cũng chỉ ra, hiện nay, công suất sản xuất xi măng cả nước đạt khoảng 70 triệu tấn, dư thừa so với nhu cầu 17 triệu tấn nên phải cân nhắc, có thể lùi thời gian đầu tư nhà máy này sau năm 2021. Mặt khác, khu vực này nhiều cây xanh, núi đá, hồ nước, có thể phát triển du lịch sau này, không nên vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng đến cảnh quan lâu dài. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại coi đây là dự án có vốn đầu tư lớn, giúp khơi dậy tiềm năng vùng núi đá vôi Tân Trường với đời sống kinh tế chưa mấy phát triển. Mặt khác, dự án cũng là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh, giúp ngân sách tỉnh có thêm nguồn thu thuế từ dự án khoảng từ 120 đến 150 tỷ đồng mỗi năm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương... Nếu tỉnh đồng ý, các bên liên quan có thể làm văn bản trình các bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Đại Dương thuyết minh về dự án.
Phát biểu kết luận vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, Thanh Hóa luôn chủ trương chào đón các nhà đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định và phát triển bền vững, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng – đây cũng là cách hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên cơ sở tính toán thấu đáo mọi vấn đề để tránh rủi ro hay những vướng mắc cho doanh nghiệp sau này. Đồng chí giao BQL KKTNS & CKCN tỉnh tiếp tục nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ trình Thường trực UBND tỉnh, sau đó báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định. Cần phải xem xét hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân địa phương nếu đầu tư dự án. Các sở, ngành liên quan phải làm rõ hơn nữa khả năng tác động đến môi trường nếu dự án được triển khai. BQL KKTNS & CKCN có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu, trình UBND tỉnh xem xét sớm để kịp trình xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy trong phiên họp sắp tới.
Về tình hình thực hiện các dự án của Công ty CP Tập đoàn Công Thanh trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Tập đoàn Công Thanh đã được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất để triển khai 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 36.500 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có vốn lớn, như: Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, Cảng chuyên dụng Công Thanh, dự án biển Golden Coast resort Hải Hòa, bến cảng tổng hợp số 6 Nghi Sơn... Tuy nhiên, đến nay, mới có Dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh là hoàn thành đi vào sử dụng; những dự án còn lại đều chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Công Thanh phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi làm việc, một số sở, ban, ngành liên quan và chủ đầu tư đã phân tích, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân gây chậm trễ của từng dự án; trong đó có những vướng mắc của các khâu thủ tục hành chính, có nguyên nhân chủ quan từ phía Công ty CP Tập đoàn Công Thanh, nhiều dự án vướng khâu giải phóng mặt bằng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng ghi nhận Công ty CP Tập đoàn Công Thanh là một trong những doanh nghiệp chủ động đầu tư và gắn bó với Thanh Hóa từ nhiều năm qua, có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghiệp cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện có tới 9 dự án dở dang, chậm tiến độ, trong đó có dự án vi phạm quy định về đất đại về quản lý xây dựng... Quan điểm của tỉnh là tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án, song phải bảo đảm tiến độ và các thủ tục theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Do đó, để tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng liên quan và doanh nghiệp cần làm rõ nguyên nhân chậm của từng dự án, giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn chủ trì các buổi làm việc với phía doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết những phát sinh. Riêng dự án khách sạn 5 sao kết hợp văn phòng làm việc và cho thuê của công ty được chấp thuận đầu tư tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý gia hạn tiến độ đầu tư cho công ty, song yêu cầu phải khởi công trong quý IV năm 2018 và hoàn thành trước tháng 10–2020.
Theo baothanhhoa.vn